Vaccine COVID-19: Việt Nam đi sau - về trước

21:47' - 09/03/2022
BNEWS Cách đây tròn 1 năm, sáng 8/3/2020, tại cả 3 điểm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Hải Dương đã triển khai tiêm những mũi tiêm đầu tiên vaccine AstraZeneca ngừa COVID-19.
 
Ngày 8/3/2021, Việt Nam bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN
Tại Hà Nội, điểm tiêm là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; tại Thành phố Hồ Chí Minh là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh; tại Hải Dương là Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành.

 

 

Những mũi tiêm đầu tiên được Bộ Y tế tập trung ưu tiên cho các đối tượng theo đúng Nghị quyết 21 của Chính phủ và đối tượng trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch.

Kể từ mũi vaccine phòng COVID-19 đầu tiên đến nay, Việt Nam đã thực hiện thành công chiến lược vaccine "đi sau - về trước", tiêm được gần 198,7 triệu liều vaccine và trở thành một trong 6 nước có tỉ lệ bao phủ vaccine cao nhất trên thế giới...

Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan khác, đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh. Trong đó, ngay từ đầu, Việt Nam xác định vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất giúp ứng phó đại dịch.

Tại thời điểm đó, nguồn cung vaccine phòng COVID-19 trên toàn cầu còn rất hạn chế. Để có vaccine sớm nhất, tiêm diện rộng cho người dân, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế đã tích cực thúc đẩy đàm phán, trao đổi để nhập khẩu vaccine từ các nguồn khác nhau, đi đôi với việc khẩn trương đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vaccine trong nước.

Thực hiện mục tiêu đó, Việt Nam tập trung tổng hợp nhiều biện pháp như tăng cường tìm kiếm đối tác, đàm phán, ngoại giao và huy động tài chính, thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19... để nhận được vaccine nhiều nhất, nhanh nhất có thể.

Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt tìm kiếm các nguồn vaccine, đặc biệt là ngoại giao vaccine, bằng việc thành lập tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine để xúc tiến, vận động viện trợ vaccine, thuốc điều trị và vật phẩm y tế cho phòng, chống dịch COVID-19; chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thuốc từ các đối tác song phương và đa phương.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thực hiện nhiều chuyến công tác, các cuộc điện đàm với lãnh đạo cấp cao các nước nhằm thúc đẩy “ngoại giao” vaccine cũng như các hợp tác chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine… với mục tiêu mang vaccine về nhanh chóng, kịp thời.

Đặc biệt, ngày 10/7/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử cho 100% người Việt Nam từ 18 tuổi trở lên (khoảng 75 triệu người). Đây là chiến dịch có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại nước ta, huy động tổng lực cùng tham gia với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước.

Cùng với việc liên tục tiếp nhận các lô vaccine phòng COVID-19 từ nguồn mua sắm, nguồn hỗ trợ của các nước và Cơ chế COVAX, việc phân bổ vaccine và triển khai tiêm chủng được bố trí linh hoạt, phù hợp với từng giai đoạn dịch và tình hình của từng địa phương, đã góp phần đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và đưa đất nước dần trở lại cuộc sống bình thường mới...

Không dừng lại ở những kết quả đạt được, xác định vaccine là vũ khí, là lá chắn hiệu quả nhất để bảo vệ, nhất là với những người cao tuổi, người có bệnh nền; tỷ lệ bao phủ vaccine càng cao, nguy cơ lây nhiễm, số ca mắc, tỷ lệ chuyển nặng và tử vong càng được kéo giảm, bắt đầu từ ngày 29/1/2022, cũng là ngày đầu tiên trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cả nước bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc mùa Xuân năm 2022 theo phát động của Thủ tướng Chính phủ (từ ngày 1/2 đến ngày 28/2).

Bộ Y tế cho biết đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 219 triệu liều vaccine phòng COVID-19, thực hiện tiêm chủng gần 198,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Số vaccine phòng COVID-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên tính đến ngày 8/3 là 181.220.810 liều: Mũi 1 là 70.865.996 liều; Mũi 2 là 67.698.132 liều; Mũi 3 là 1.501.013 liều; Mũi bổ sung là 14.285.241 liều; Mũi nhắc lại là 26.870.428 liều.

Đã có 62/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 vaccine phòng COVID-19 trên 90%; chỉ còn 1/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 dưới 90%.

Trong thời gian tới, Việt Nam triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi và đang nghiên cứu triên khai tiêm mũi vaccine thứ 4.

Khẳng định vai trò của tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trong cuộc chiến phòng, chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: Vaccine phòng COVID-19 hiện nay vẫn đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện, kể cả với biến chủng Omicron.

Do tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỷ lệ tử vong trên tổng số ca mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu. Vì vậy việc tiêm chủng phải được coi là ưu tiên hàng đầu.

"Đặc biệt, trong giai đoạn này, việc thực hiện thông điệp 5K + vaccine + thuốc điều trị và ý thức là rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch", Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Mới đây ngày 5/3, phát biểu kết luận cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, điểm lại công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 trong nước, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, chiến dịch tiêm vaccine của chúng ta thành công, đạt tỷ lệ bao phủ rất cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực. 

Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, cần thần tốc hơn nữa trong tiêm vaccine trên tinh thần "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", hoàn thành tiêm mũi 3 trong quý I/2022, cho người từ 18 tuổi trở lên (trừ các đối tượng chống chỉ định và chưa tới thời gian tiêm), hoàn thành việc tiêm mũi thứ 2 cho người từ 12-17 tuổi trong tháng 3/2022, chuẩn bị chiến dịch tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi, nghiên cứu tiêm mũi thứ 4 và tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục