Vaccine dạng xịt mũi có thể tạo ra những thay đổi lớn trong phòng ngừa COVID-19

15:35' - 09/02/2022
BNEWS Hiện nhiều loại vaccine đã được sản xuất dưới dạng xịt mũi, trong đó bao gồm cả vaccine cúm.

Trong nghiên cứu nhằm xác định hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 dạng xịt mũi, các nhà khoa học Australia đánh giá đây là một sự cải tiến có thể tạo ra những "những tác động lớn" trên toàn cầu.

Chính quyền bang New South Wales (NSW) của Australia đã tài trợ 100.000 USD cho hai chuyên gia về hệ hô hấp là Daniela Traini và Pall Thordarson, cùng làm việc tại Mạng lưới nghiên cứu và sản xuất vaccine NSW ARN, thực hiện nghiên cứu trên.

Theo đó, hai chuyên gia có thể phối hợp với trung tâm nghiên cứu Medlab đánh giá hiệu quả của loại vaccine dạng xịt mũi mang tên NanoCelle.

 

Công nghệ dạng xịt này không yêu cầu phải do bác sĩ thực hiện. Nếu chứng minh được hiệu quả, công nghệ này có thể giúp giảm đáng kể áp lực đối với các chuyên gia y tế trong việc tiêm vaccine, giảm thiểu chất thải y tế, đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận vaccine của các nước đang phát triển.

Giáo sư Traini cho biết nghiên cứu của bà cùng các cộng sự sẽ tập trung vào việc công nghệ NanoCell có thể cung cấp vaccine qua đường mũi có đảm bảo an toàn và nguyên vẹn hiệu quả của vaccine hay không.

Bà nêu rõ: “Các vaccine bào chế theo công nghệ mRNA hiện nay, như các loại vaccine của Pfizer và Moderna, được đưa vào cơ thể người bằng cách tiêm tĩnh mạch và cần được bảo quản lạnh theo đúng tiêu chuẩn.

Nếu được chứng minh là thành công, công nghệ xịt mũi có thể mở đường cho việc sản xuất các vaccine mRNA dưới dạng xịt mũi và theo đó sẽ mang lại nhiều lợi ích. Giải pháp này có thể là một yếu tố giúp thay đổi cục diện, không chỉ đối với các cộng đồng hẻo lánh ở Australia, mà còn đối với các nước đang phát triển".

Hiện nhiều loại vaccine đã được sản xuất dưới dạng xịt mũi, trong đó bao gồm cả vaccine cúm. Giáo sư Traini cho biết phương pháp sản xuất vaccine dạng nhỏ giọt qua đường miệng "không mang lại hiệu quả" đối với vaccine bào chế theo công nghệ mRNA, do các hoạt chất sẽ bị phân hủy trong quá trình tiêu hóa của cơ thể./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục