Vai trò của nhà tạo lập thị trường đối với thị trường chứng khoán

15:50' - 29/08/2017
BNEWS Chính thức triển khai cơ chế tạo lập thị trường tại Việt Nam với vai trò nâng cao tính thanh khoản trên thị trường cổ phiếu.

Trên thế giới khái niệm nhà tạo lập thị trường (market maker) đã trở nên phổ biến. Hầu hết các quốc gia có thị trường chứng khoán đều có các nhà tạo lập thị trường, hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau. Những quốc gia có số lượng nhà tạo lập thị trường nhiều và hoạt động mạnh trên thế giới là các quốc gia có thị trường chứng khoán (TTCK) lâu đời và phát triển như Mỹ, Anh, Đức… 

Tại Mỹ, các nhà tạo lập thị trường hoạt động trên thị trường niêm yết được gọi là “Designated market makers” hay "Specialists", các nhà tạo lập thị trường hoạt động trên thị trường OTC được gọi là các market makers. Tại Anh, các nhà tạo lập thị trường còn được gọi là các “Jobbers”. Tại Đức các nhà tạo lập thị trường được gọi là “Designated sponsors”. Tuy nhiên đến nay, trên thế giới, cụm từ “market maker” được dùng chung để chỉ các nhà hoạt động tạo lập thị trường trên thị trường chứng khoán.

* Tạo tính thanh khoản cho thị trường

Nhiệm vụ của các market maker là tạo tính thanh khoản cho loại chứng khoán mà họ tạo lập thị trường. Ví dụ, sàn NASDAQ của Mỹ cho phép một số market-maker chính thức và cạnh tranh với nhau để giao dịch một loại chứng khoán nào đó.

Những market-maker này được yêu cầu phải bảo đảm giao dịch hai chiều, cả mua và bán, trong giờ giao dịch. Do họ có nghĩa vụ phải mua và bán chứng khoán ở mức giá họ tự định cho các giao dịch hai chiều, nên chứng khoán có tính thanh khoản tốt. Tại đây, market-maker còn được thực hiện giao dịch Naked Short, là loại giao dịch bán khống tài sản tài chính ngay cả khi họ chưa vay được tài sản đó để phục vụ giao dịch. Điều này giúp đảm bảo chức năng quan trọng nhất của thị trường chứng khoán (TTCK) là duy trì tính thanh khoản của tài sản tài chính.

Tại Việt Nam, Thông tư 203/2015/TT-BTC ban hành ngày 21/12/2015 đã cho phép các công ty chứng khoán được thực hiện nghiệp vụ tạo lập thị trường. Trên cơ sở đó, cuối tháng 5 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ban hành Quy chế thành viên tạo lập thị trường tại HNX, chính thức triển khai cơ chế tạo lập thị trường tại Việt Nam với vai trò nâng cao tính thanh khoản trên thị trường cổ phiếu.

Vai trò lớn nhất của market-maker là tạo thanh khoản cho các chứng khoán có thanh khoản thấp hoặc không có giao dịch. Để thực hiện điều này, các market maker sẽ thực hiện việc mua chứng khoán khi thị trường ở tình trạng không có lệnh mua, và bán chứng khoán khi thị trường không có lệnh bán với các mức giá do họ tự định, thỏa mãn các yêu cầu về việc yết giá.

Sự tham gia của các market-maker góp phần duy trì sự linh hoạt và tính thanh khoản của một loại chứng khoán, tăng khả năng thực hiện giao dịch của chứng khoán và nhờ đó thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với loại chứng khoán đó.

Hoạt động làm tăng thanh khoản chứng khoán của các market maker còn được thực hiện thông qua việc thu hẹp khoảng cách giữa giá mua và giá bán, qua đó làm tăng khả năng thực hiện giao dịch cho nhà đầu tư.

Khi thị trường hoạt động trong tình trạng có lệnh mua, lệnh bán nhưng chênh lệch giá mua, bán quá lớn, các market maker sẽ có nhiệm vụ đưa các lệnh mua, lệnh bán (yết giá 2 chiều) với các mức giá trung hòa nhằm giảm bớt sự chênh lệch giá, qua đó giúp cơ chế tự điều tiết của thị trường hoạt động tốt hơn. 

Đối với các market maker, hoạt động tạo lập thị trường mang lại cho họ cơ hội hưởng chênh lệch giá mua và bán, tìm kiếm lợi nhuận thông qua hoạt động này. 

Đối với các doanh nghiệp (trên thị trường chứng khoán, doanh nghiệp chính là các tổ chức phát hành chứng khoán), khi chứng khoán của một doanh nghiệp có tính thanh khoản thấp, hay bị đóng băng khi đó vai trò của các market-maker sẽ được phát huy.

Nếu một market maker ký hợp đồng với một tổ chức phát hành làm nhà tạo lập thị trường cho chứng khoán của tổ chức phát hành đó, market maker sẽ có nhiệm vụ giữ cho chứng khoán có tính thanh khoản, tạo ra giao dịch, cân bằng lại thị trường trong các trường hợp chứng khoán mất thanh khoản hoặc thanh khoản thấp. 

Đối với các tổ chức niêm yết/đăng ký giao dịch đã có chứng khoán niêm yết/đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán thì việc giữ cho chứng khoán đó có tính thanh khoản và thu hút nhiều nhà đầu tư thường được các doanh nghiệp coi trọng, đặc biệt là trong trường hợp doanh nghiệp muốn huy động thêm vốn qua kênh phát hành trên thị trường chứng khoán.

Tính thanh khoản của chứng khoán giúp cho doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước cũng như ngoài nước. Thanh khoản của chứng khoán cũng giúp cho thương hiệu của doanh nghiệp được biết đến rộng rãi hơn, góp phần tăng uy tín của doanh nghiệp trên thị trường và có thể dễ dàng thu hút vốn đầu tư trong  trường hợp cần huy động thêm nguồn vốn bổ sung cho hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua phát hành chứng khoán.

Nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi khi thị trường chứng khoán phát triển ổn định và có tính thanh khoản cao, điều mà các market maker thông qua nghiệp vụ của mình góp phần tạo nên. Một nhà đầu tư  nắm giữ khối lượng lớn chứng khoán A, trong khi chứng khoán này đang giảm giá mạnh, nhà đầu tư muốn bán chứng khoán A mà không có người mua. Nhờ nghiệp vụ tạo lập thị trường, các market maker sẽ giúp hạn chế phần nào sự dư bán của chứng khoán A bằng cách đưa các lệnh mua vào thị trường. Kết quả là nhà đầu tư có cơ hội bán chứng khoán A và hạn chế được sự thua lỗ.

* Cách thức hoạt động của nhà tạo lập thị trường tại Việt Nam


Tại Mỹ, trên sàn NASDAQ, người ta quy định khi một công ty muốn niêm yết chứng khoán trên NASDAQ, công ty đó phải có ít nhất hai market maker. Tại Anh, trên sàn London Stock Exchange (LSE) quy định mỗi cổ phiếu luôn có ít nhất hai market maker và họ có nghĩa vụ phải mua bán trong phiên giao dịch.

Tại sàn LSE, có một số market maker bắt buộc phải luôn luôn đưa ra mức giá 2 chiều cho cổ phiếu mà họ làm nhà tạo lập. Tại Đức, sàn Frankfurt điều hành một hệ thống các market maker được chỉ định bởi các công ty niêm yết, và các maket maker có nghĩa vụ phải yết giá 2 chiều tại các mức giá ràng buộc.

Đối với thị trường Việt Nam, hiện nay chưa có quy định các công ty khi lên niêm yết/đăng ký giao dịch phải ký hợp đồng với các market maker. 

Theo quy định, các công ty chứng khoán (CTCK), ngân hàng giám sát, thành viên lập quỹ là các đối tượng có thể đăng ký làm market maker. Nếu các tổ chức này muốn đăng ký làm market maker họ phải đáp ứng được một số điều kiện quy định tại Thông tư 203 và Quy chế thành viên tạo lập thị trường như: đáp ứng các điều kiện của một thành viên giao dịch và thành viên lưu ký; đáp ứng các chỉ tiêu an toàn tài chính như lỗ lũy kế không qua 50% vốn điều lệ, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu không vượt qua 3 lần, vốn chủ sở hữu không thấp hơn mức vốn pháp định, tỷ lệ vốn khả dụng đạt tối thiểu 220% liên tục trong 12 tháng gần nhất.

Ngoài ra, các market maker còn phải tuân thủ các quy định, điều kiện khác về hoạt động tạo lập thị trường do Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) ban hành. Ví dụ như nghĩa vụ thực hiện yết giá 2 chiều (mua và bán) theo quy định, hay phải có hợp đồng với tổ chức phát hành về việc tạo lập thị trường đối với chứng khoán của tổ chức đó.

Đối với nghĩa vụ yết giá hai chiều , các market maker sẽ phải yết giá trong vòng 10 phút kể từ khi chứng khoán đăng ký tạo lập không có lệnh mua, lệnh bán, hoặc chỉ có lệnhmua/bán mà không có lệnh đối ứng, hoặc tỷ lệ chênh lệch giá chứng khoán vượt quá giới hạn theo quy định; giá yết phải đảm bảo tỷ lệ chênh lệch giá chào mua và giá chào bán không vượt quá 5% giá chào mua, chào bán tốt nhất.

Sở GDCK sẽ thực hiện đánh giá định kỳ việc thực hiện nghĩa vụ tạo lập thị trường và thực hiện hoạt động giám sát để kịp thời phát hiện các hành vi giao dịch bất thường. Việc vừa phải tuân thủ các quy định của pháp luật vừa phải tuân thủ các quy định của Sở GDCK là điểm khác biệt lớn, riêng có khiến cho market maker khác với các nhà đầu tư hay đầu cơ khác trên thị trường.

Nói tóm lại, các market maker và cơ chế tạo lập thị trường mang lại nhiều lợi ích cho thị trường chứng khoán, các lợi ích này đã được khẳng định tại các thị trường phát triển trên thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển của thế giới nói chung, bởi vậy việc vận hành cơ chế tạo lập thị trường là tất yếu và kỳ vọng trong tương lai không xa, cơ chế tạo lập thị trường sẽ phát huy vai trò của nó khi nhận được sự quan tâm của các thành viên thị trường và các doanh nghiệp tham gia trên thị trường chứng khoán./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục