Vai trò doanh nghiệp trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc​

18:58' - 20/12/2019
BNEWS Để phát huy hơn nữa lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vấn đề đánh giá cơ hội, phân bổ nguồn lực đầu tư, nhất là kết nối giữa các doanh nghiệp trong cộng đồng kinh tế vùng là cần thiết.

“Vai trò doanh nghiệp trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc” là chủ đề Diễn đàn kinh tế Bắc bộ lần thứ nhất do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức tại thành phố Hải Phòng chiều 20/12.

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Bắc Ninh là trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh của cả nước; có quy mô kinh tế đứng thứ 2 cả nước.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ phát huy các tiềm năng, lợi thế, phát triển bứt phá và bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 25 ngày 11/10/2019 chỉ đạo vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung nhìn nhận, đánh giá thực tế công tác hoạch định, kết nối phát triển vùng kinh tế thời gian qua, nhận diện cơ hội tương lai trên cơ sở lắng nghe ý kiến, kiến nghị từ doanh nghiệp và khuyến nghị chính sách của Chính phủ. Diễn đàn đặt mục tiêu kết nối giữa VCCI - doanh nghiệp, nhà đầu tư và các nhà quản lý địa phương.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ngoài hạ tầng cứng, xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi, thông thoáng, ổn định và phù hợp với đặc thù của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có thể được coi là "mở đường cao tốc" - khai mở rộng hơn nữa hạ tầng mềm để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, thực hiện sứ mệnh dẫn dắt, tác động lan tỏa đến các vùng khác trong cả nước.

Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, khu vực này vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn như: Chưa phát huy hiệu quả các lợi thế, tiềm năng; sức cạnh tranh còn hạn chế; liên kết vùng còn hình thức và chưa đi vào thực chất; xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch chưa được chú trọng…

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, để phát huy hơn nữa lợi thế của khu vực, vấn đề đánh giá cơ hội, phân bổ nguồn lực đầu tư, nhất là kết nối giữa các doanh nghiệp trong cộng đồng kinh tế vùng là cần thiết bởi điều đó sẽ giúp vùng tìm được hướng đi, gia tăng sức ảnh hưởng và hướng đến tính hiệu quả lan tỏa đầu tư của vùng trọng điểm Bắc bộ. Bên cạnh đó, thúc đẩy liên kết vùng mạnh hơn nữa, hướng đến mở rộng các quan hệ kinh tế liên vùng và quốc tế là vô cùng quan trọng.

Đại diện cho doanh nghiệp của vùng, ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Để xác định được tầm quan trọng của kinh tế tư nhân trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, các cơ quan quản lý các cấp, các nhà hoạch định chính sách nên xem việc phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của địa phương và khu vực.

Theo ông Phạm Văn Thể, các cơ quan chức năng cần phải cải cách các thủ tục hành chính thông thoáng hơn, rà soát, loại bỏ những thủ tục không phù hợp, không cần thiết, giải quyết thủ tục liên quan đến quá trình sản xuất, kinh doanh nhanh chóng, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện giao dịch.

Mặt khác, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân và hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động.

“Các doanh nghiệp tư nhân phải có trách nhiệm cùng nhau lành mạnh hoá môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, có tiếng nói chung trong đối thoại về chính sách với Nhà nước, có cơ chế liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Liên kết không chỉ là kết nối, mà phải tương tác với nhau, sáp nhập và hội nhập quốc tế,”ông Phạm Văn Thể nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục