Văn hóa doanh nhân và khát vọng chuyển mình vươn lên

17:32' - 11/10/2022
BNEWS Để hình thành văn hóa kinh doanh, nhất thiết phải bắt đầu tư xây dựng con người doanh nhân mà đạo đức là gốc rễ, nền tảng và khát vọng phát triển là đích đến.

Ngày 11/10 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo khoa học “Đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới” hướng tới kỷ niệm 77 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương và 18 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

 

Khai mạc sự kiện, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh, xây dựng, phát triển và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, sự quan tâm này tiếp tục được nâng cao.

Từ năm 2004, Chính phủ quyết định lấy ngày 13/10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Năm 2011 lần đầu tiên trong lịch sử có Nghị quyết chuyên đề - Nghị quyết 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân. Năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp nước ta, các quy định về doanh nhân, quyền đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nhân, doanh nghiệp được hiến định trong Hiến pháp năm 2013…

Sau hơn 35 năm đổi mới của đất nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng; đồng thời, có những đóng góp to lớn, quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện.

Hiện nay, Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động; khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Đội ngũ doanh nhân cả nước đến nay đã lên đến hàng triệu người, giữ vai trò là lực lượng chủ lực trong quản lý, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra hàng hoá, dịch vụ đáp ứng nhu cầu quốc dân và xuất khẩu, tạo tiềm lực, vị thế mới cho đất nước.

Chúng ta đã có những doanh nhân lọt vào danh sách "tỷ phú đô-la" của thế giới, có những sản phẩm, thương hiệu chiếm lĩnh vị trí khá cao trên thị trường toàn cầu.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân là yếu tố then chốt tạo nên triết lý kinh doanh, niềm tin của khách hàng và là giá trị cốt lõi để doanh nghiệp xây dựng, giữ gìn, phát triển thương hiệu.

Không một thương hiệu mạnh nào không được xây dựng trên một nền tảng văn hóa doanh nghiệp ngày càng vững chắc và hấp dẫn. Nói rộng ra, văn hoá chính là nền tảng phát triển của doanh nghiệp, khi nền tảng văn hoá vững thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững. Văn hóa tạo nên hình ảnh và thể hiện qua hình ảnh, diện mạo, thương hiệu đặc sắc của doanh nghiệp.

“Chúng ta đều biết, không bao giờ có hai công ty có cùng một bản sắc và giá trị văn hóa. Để cạnh tranh, đối thủ có thể sao chép nhiều thứ, từ chiến lược, sản phẩm, quy trình cho đến bí quyết công nghệ…song không thể sao chép được những giá trị văn hóa, tinh thần. Để tiện lợi, công nghệ có thể thay thế được nhiều thứ song không thể thay thế được niềm tin, đạo đức và kết nối tinh thần giữa mọi người.

Văn hóa có sức mạnh to lớn, truyền cảm hứng và tác động trực tiếp đến thái độ, động cơ và ý chí của đội ngũ lãnh đạo, nhân viên của doanh nghiệp. Đó là “trụ đỡ”, là “điểm tựa” giúp doanh nghiệp đứng vững trước những biến cố, chấn động bất ngờ, các “cú sốc” của thị trường, của đại dịch COVID-19 và những tác động sâu sắc của “làn sóng” toàn cầu hoá, “cơn bão” chuyển đổi số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang “nổi lên” trên toàn cầu và tràn qua mọi quốc gia”, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Cốt lõi của văn hóa kinh doanh chính là đạo đức doanh nhân. Để hình thành văn hóa kinh doanh, nhất thiết phải bắt đầu tư xây dựng con người doanh nhân mà đạo đức là gốc rễ, nền tảng và khát vọng phát triển là đích đến.

Đề cập đến những khát vọng phát triển của lực lượng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trong nền kinh tế thị trường, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, thứ nhất, là khát vọng làm giàu, là mong muốn chiến thắng sự nghèo nàn, lạc hậu; là khát khao có được sự giàu có, thịnh vượng cho bản thân, doanh nghiệp, cho cộng đồng và đất nước; thứ hai là khát vọng khởi nghiệp và thứ ba, là khát vọng sáng tạo, là mong muốn, khát vọng đổi mới để bứt phá vươn lên của mọi doanh nghiệp, doanh nhân.

Tại hội thảo, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, làm kinh doanh phải minh bạch, không né tránh pháp luật, nhưng điều quan trọng là trước đó pháp luật chưa hoàn chỉnh và không công nhận việc mua bán, dẫn đến tình trạng những người đi buôn phải né tránh. Tuy nhiên đến thời điểm này, Nhà nước pháp quyền đã thừa nhận bằng pháp lý đối với giới doanh nhân là điều rất đáng mừng. 

“Với cách làm hiện nay, Lộc Trời đang xây dựng niềm tin và chữ tín. Không có niềm tin, không có chữ tín thì không thể làm doanh nghiệp, không thể làm thương hiệu. Đặc biệt, hồn cốt của dân tộc là giữ đạo nghĩa - “trọng nghĩa khinh tài”.

Trong bối cảnh xây dựng kinh tế thị trường dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong chữ tín đó, Lộc Trời có quan điểm là phân phối lại lợi nhuận sao cho hợp lý và đúng đạo lý”, ông Thòn cho biết.

Bà Thái Hương, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH Truemilk cho biết, vấn đề quan trọng trong hoạt động kinh doanh là phát triển bền vững với sáu trụ cột của văn hóa kinh doanh. Đó là sức mạnh, là nền tảng cho sự thành bại của doanh nghiệp.

“Do đó khi dẫn dắt Tập đoàn TH, việc đầu tiên là tạo thương hiệu có giá trị và dựa trên giá trị cốt lõi của thương hiệu với tính nhân văn bao trùm. Cùng với đó là tính chuyên nghiệp, tính đột phá, vì doanh nghiệp thì phải có năng suất lao động, chi phí sản xuất hợp lý cùng với chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, phát triển bền vững vẫn là điểm mấu chốt trong hành trình xây dựng thương hiệu với chiến lược sản phẩm dựa trên giá trị cốt lõi. Định hướng phát triển bền vững cuả Tập đoàn TH Truemilk là dựa trên sáu trụ cột bao gồm: dinh dưỡng sức khoẻ, môi trường, cộng đồng, giáo dục, phúc lợi con người, động vật.

Trong đó, con người là trọng tâm nhưng vấn đề cao bảo vệ môi trường, áp dụng khoa học công nghệ trong cùng khoa học quản trị đan xen. Nếu tách rời các yếu tố thì chi phí sản xuất cũng không được bảo đảm, khi các tiêu chí gắn liền với nhau giúp nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm tốt, sau đó mới là hài hòa lợi ích”, bà Thái Hương nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục