Vàng thế giới có tuần tăng giá đầu tiên trong 4 tuần

11:23' - 15/06/2024
BNEWS Khoảng 0 giờ 55 phút sáng 15/6 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng khoảng 1,3% lên 2.332,55 USD/ounce. Tính chung cả tuần này, giá vàng đã tăng 1,8%.

Giá vàng thế giới tăng hơn 1% trong phiên ngày 14/6 và có tuần tăng giá đầu tiên trong bốn tuần, do có dấu hiệu cho thấy lạm phát tại Mỹ đang chậm lại, làm dấy lên hy vọng về việc cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay. Hoạt động bán tháo cổ phiếu tại châu Âu cũng phần nào hỗ trợ thị trường kim loại quý.

 

Khoảng 0 giờ 55 phút sáng 15/6 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng khoảng 1,3% lên 2.332,55 USD/ounce. Tính chung cả tuần này, giá vàng đã tăng 1,8%. Tuy nhiên, giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 1,3% xuống 2.349,1 USD/ounce.

Chỉ số chứng khoán châu Âu giảm mạnh trong bối cảnh các tài sản của Pháp bị bán tháo do tình trạng bất ổn chính trị của đất nước. Phố Wall Street cũng ghi nhận tâm lý thận trọng khi các nhà đầu tư tạm dừng giao dịch sau những đợt tăng mạnh gần đây của chỉ số S&P 500 và Nasdaq.

Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa Bart Melek tại ngân hàng TD Securities cho biết việc thị trường chứng khoán suy yếu và đồn đoán lãi suất sẽ được cắt giảm đang khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn, bất chấp việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã điều chỉnh dự báo lãi suất tại cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) thuộc Fed.

Dựa trên số liệu lạm phát yếu hơn trong tuần này, các nhà giao dịch đã tăng đặt cược rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất khoảng 52 điểm cơ bản, tương đương hai lần hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm, vào cuối tháng 12/2024. Con số này tăng so với mức 37 điểm cơ bản đưa ra hôm 7/6, khi báo cáo việc làm mạnh hơn dự kiến đã dập tắt hy vọng cắt giảm lãi suất sớm.

Lãi suất thấp hơn thường làm tăng sức hấp dẫn của tài sản không sinh lời như vàng.

Sau khi ghi dấu mức giảm tính theo ngày lớn nhất trong ba năm rưỡi trong phiên cuối tuần trước, giá vàng thế giới phục hồi tăng trong phiên đầu tuần 10/6. Chiến lược gia thị trường Phillip Streible, tại công ty giao dịch hàng hóa kỳ hạn Blue Line Futures, cho biết đợt bán ra vào cuối tuần trước có phần hơi quá mức và thị trường xuất hiện những người săn hàng giá hời.

Giá vàng thế giới “nhích nhẹ” trong phiên giao dịch ngày 11/6, khi các nhà đầu tư chờ đợi số liệu lạm phát quan trọng của Mỹ và thông báo về chính sách lãi suất của Fed để tìm manh mối về thời điểm ngân hàng này bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Các chuyên gia của bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại ngân hàng Commerzbank AG, cho biết: “Lãi suất của Mỹ có thể vẫn ở mức cao trong thời gian tới, gây áp lực lên giá vàng. Do đó, chúng tôi dự đoán vàng sẽ ở mức 2.200 USD/ounce vào cuối năm tới".

Trong khi đó, ngân hàng ING NV dự đoán giá vàng sẽ đạt trung bình 2.300 USD/ounce trong quý này và quý tới, trước khi leo lên mức 2.350 USD/ounce trong quý IV/2024. Công ty tư vấn Metals Focus gần đây dự đoán mức giá trung bình của vàng là 2.250 USD/ounce trong năm nay.

Sang đến phiên 12/6, đà tăng của giá vàng thế giới đã bị hạn chế sau khi Fed cho biết ngân hàng này chỉ dự kiến cắt giảm lãi suất một lần trong năm nay do lạm phát vẫn ở mức cao.

Tâm lý của nhà đầu tư bị chi phối khi Fed dự kiến chỉ có một lần hạ lãi suất trong năm nay, thay vì ba lần như kế hoạch trước đó, trong khi số liệu kinh tế Mỹ trái chiều khiến đồng USD tăng giá, gây sức ép lên kim loại quý này. Giá vàng thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày 13/6, sau khi chạm mức cao kỷ lục 2.326 USD/ounce.

Số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy giá của nhà sản xuất giảm, trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu vượt ước tính. Mặc dù các số liệu mới cho thấy Fed có cơ sở để hạ lãi suất, nhưng các quan chức Fed dự kiến chỉ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản vào cuối năm nay.

Theo báo cáo công bố ngày 12/7 của Bộ Lao động Mỹ, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2024 của Mỹ tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 0,1 điểm phần trăm so với tháng 4/2024.

Lạm phát giảm chủ yếu là nhờ chỉ số giá xăng giảm mạnh, với mức giảm 3,6% so với tháng trước, trong khi giá nhà tăng 0,4%.

Nếu loại trừ giá thực phẩm và năng lượng thường biến động, CPI trong tháng trước tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 3,6% trong tháng 4 và tăng 0,2% so với tháng 4/2024.

Lĩnh vực dịch vụ của Mỹ trong tháng 5/2024 tăng trưởng mạnh nhất trong chín tháng qua, với mức tăng hàng tháng lớn nhất trong thước đo hoạt động kinh doanh kể từ năm 2021.

Chỉ số dịch vụ tổng hợp của Viện Quản lý Cung ứng (ISM) đã đạt 53,8, vượt dự báo của các nhà kinh tế của hãng tin Bloomberg. Chỉ số hoạt động kinh doanh của ISM, tương đương với thước đo sản lượng nhà máy của các tập đoàn, đã đạt mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 3/2021.

Theo ông Anthony Nieves, Chủ tịch Ủy ban Khảo sát Kinh doanh Dịch vụ ISM, kết quả khảo sát cho thấy nhìn chung các hoạt động kinh doanh đang tăng lên, với tốc độ tăng trưởng tùy vào từng ngành và từng công ty. Những thách thức về việc làm vẫn còn, lạm phát và lãi suất hiện tại là các trở ngại cho việc cải thiện điều kiện kinh doanh. 13 ngành dịch vụ báo cáo tăng trưởng trong tháng 5/2024, dẫn đầu là bất động sản và chăm sóc sức khỏe. 5 lĩnh vực, bao gồm thương mại bán lẻ, ghi nhận sự sụt giảm.

Trước tình hình trên, Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm nay, tăng 0,9 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1/2024, phần lớn nhờ hoạt động chi tiêu tiêu dùng và chi tiêu chính phủ mạnh mẽ, cũng như việc giảm nhập khẩu.

Tại thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 1,6% lên 29,46 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất của gần một tháng trong phiên trước đó. Giá bạch kim tăng 0,8% lên 953,99 USD/ounce, còn giá palladium tăng 1,3% lên 894,50 USD/ounce.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục