VBF 2023: Đổi mới sáng tạo, tận dụng công nghệ mới để tăng trưởng xanh

16:46' - 19/03/2023
BNEWS Với chủ đề "Đồng hành cùng Việt Nam trong giai đoạn phát triển kinh tế xanh", phiên nghị sự cấp cao của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) chính thức khai mạc vào ngày 19/3 tại Hà Nội.

Sự kiện có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì và phát biểu chỉ đạo.

Tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao ý nghĩa thiết thực của VBF 2023 và ghi nhận sự đóng góp, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Thủ tướng lắng nghe và ghi nhận những ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn giúp Việt Nam vươn lên, vượt qua thách thức, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Việt Nam tiếp tục nâng cao hiệu quả trong hợp tác, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia thị trường, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng nhấn mạnh tới 3 trụ cột chiến lược gồm thể chế, hành chính và kết cấu hạ tầng để phục vụ tăng trưởng nhanh, bền vững, hướng tới thịnh vượng. Việt Nam sẽ sửa đổi một số luật theo hướng tiết giảm chi phí, giảm thời gian thực hiện của người dân và doanh nghiệp trên tinh thần hài hoà lợi ích, rủi ro chia sẻ.

Việt Nam xác định, tăng trưởng xanh là xu thế, nhu cầu khách quan của thế giới và Việt Nam. Việc này được xác định theo hướng dựa vào khoa khọc, đổi mới sáng tạo, tận dụng công nghệ mới để tăng trưởng nhanh, xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó có hiệu quả đối với biến đổi khí hậu; trong đó, tạo cơ chế chính sách phù hợp để huy động và sử dụng các nguồn lực theo hướng đa dạng hoá, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia, đầu tư vào việc phát triển kinh tế xanh; ứng dụng vào phát triển vào các loại hình năng lượng tái tạo, xanh như điện gió, điện mặt trời…tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, tăng cường hợp tác quốc tế, hội nhập sâu rộng trong các lĩnh vực, tập trung vào mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững.

Cũng tại diễn đàn, ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cho hay, diễn đàn diễn ra trong thời khắc rất đặc biệt khi Việt Nam cùng thế giới đang đẩy mạnh việc chuyển đổi tới một nền kinh tế theo mô hình xanh hơn và bền vững hơn và mô hình này sẽ thúc đẩy tăng trường, giảm tác động tới môi trường và giải quyết các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu.

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2023. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Trong lịch sử, Việt Nam đã đóng góp khá ít trong phát thải khí nhà kính nhưng hai thập niên vừa qua, với tốc độ tăng trưởng nhanh, Việt Nam là một trong những nền kinh tế thâm dụng về carbon nhất ở Đông Á. Khi nhận thức được nhu cầu giảm thiểu khí nhà kính và đối phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đưa ra những cam kết tham vọng tại COP26 để có được trung hòa carbon vào năm 2050 và hiện thực hóa nỗ lực này.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt được phát thải carbon trung hòa vào năm 2050, Việt Nam phải đẩy mạnh việc khử carbon nền kinh tế thông qua quá trình chuyển đổi năng lượng và bảo vệ môi trường. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa khu vực công, tư nhân và nguồn tài chính cần có.

Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam của Ngân hàng Thế giới công bố mới đây rằng lộ trình tăng trưởng phát thải ròng bền vững cần phải có thêm tới 6,8% GDP đầu tư hàng năm, tức là 368 tỷ USD cho tới năm 2040 và một nửa phần này khoảng 184 tỷ USD cần có từ khu vực tư nhân và để huy động được thì chúng ta phải vượt qua một số rào cản cơ bản như môi trường thể chế, pháp luật để khu vực tư nhân đầu tư vào những ngành chính gây phát thải như năng lượng, giao thông, nông nghiệp và sản xuất nhanh hơn, đơn giản hơn, rẻ hơn.

Việt Nam cũng cần có hợp đồng mua điện theo đúng chuẩn quốc tế để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành rất quan trọng này. Ngoài ra, cần có thị trường vốn để  huy động trái phiếu bền vững và các cấu trúc này sẽ giúp Việt Nam đạt được những nguồn tài chính cần thiết trong lộ trình biến đổi khí hậu.

Cuối cùng, cần có sự tham gia của khu vực tư nhân hơn nữa, thêm cơ hội cho họ trong thị trường carbon. Đây là thị trường mang tính tự nguyện nhưng sau này, bắt buộc chúng ta bảo đảm được môi trường đó phát triển mạnh mẽ và có được nền kinh tế xanh hơn trong việc giúp Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh cũng như tiếp cận hàng hóa tốt hơn. Điều này cần sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa khu vực tư nhân trong nước, nhà đầu tư nước ngoài để chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ mới cho nền kinh tế xanh Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục