VCCI đề nghị điều chỉnh nhiều nội dung tại dự thảo Nghị định Luật Bảo vệ môi trường

18:29' - 26/08/2021
BNEWS VCCI) đã tổng hợp một số ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, theo đó, đề xuất việc điều chỉnh và làm rõ một số nội dung liên quan tới định hướng bảo vệ môi trường

Ngày 26/8, trả lời đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổng hợp một số ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, theo đó, đề xuất việc điều chỉnh và làm rõ một số nội dung liên quan tới định hướng bảo vệ môi trường với vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế nghiêm ngặt...

Dự thảo quy định “hạn chế các hoạt động sản xuất kinh doanh có nguy cơ ô nhiễm môi trường” với vùng bảo vệ nghiêm ngặt hay “hạn chế thực hiện các dự án đầu tư thuộc phụ lục 6” với vùng hạn chế phát thải. Tuy nhiên, chưa rõ ràng ở điểm việc “hạn chế” cần được hiểu như thế nào?

Khi nào thì các dự án đầu tư này vào các vùng trên được cho phép và khi nào không được cho phép? Các nội dung thắt chặt đối với các dự án đầu tư này là gì? Có yêu cầu đánh giá tác động môi trường hay giấy phép môi trường ở mức cao hơn? Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định này nhằm làm rõ các nội dung trên.

Hay như quy định giám sát thông qua thiết bị, hệ thống quan trắc tự động, liên tục. Quy định này dường như chưa thống nhất khi chỉ yêu cầu các dự án có lưu lượng nước thải từ 200m3/ngày mới phải quan trắc tự động. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh lại cho thống nhất.

Dự thảo quy định thẩm quyền của UBND cấp tỉnh trong quản lý các dự án đầu tư trong phân vùng môi trường. Tuy nhiên, lại cho phép UBND tỉnh đặt ra các yêu cầu về bảo vệ môi trường của hoạt động sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Điều này có thể tạo ra sự tùy tiện hoặc các yêu cầu không phù hợp so với thực tế. Việc đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường đã được thực hiện thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Nên theo quan điểm của VCCI cần bỏ quy định này trong dự thảo Nghị định.

Ngoài ra, việc xác định lộ trình di dời hoặc dừng hoạt động với các hoạt động sản xuất không phù hợp với phân vùng môi trường theo như dự thảo, cũng có thể tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và gây rủi ro với hoạt động đầu tư của họ.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về bồi thường toàn bộ thiệt hại từ việc di dời hoặc dừng hoạt động của doanh nghiệp bằng một trong số các biện pháp như khấu trừ thiệt hại thực tế của nhà đầu tư vào số tiền thuế phải nộp hay hỗ trợ bằng tiền chi phí hợp lý để nhà đầu tư thực hiện di dời nhà máy.

VCCI đặc biệt quan tâm tới mối liên hệ giữa phân vùng môi trường, kế hoạch quản lý chất lượng môi trường, khoảng cách an toàn với giấy phép về môi trường theo như quy định trong dự thảo. Chưa thấy rõ ràng tác dụng của những yếu tố nói trên đối với việc cấp giấy phép môi trường; đặc biệt là trong các lần cấp lại (sau khi giấy phép hết thời hạn).

Nếu tại thời điểm cấp lại, có sự thay đổi khiến doanh nghiệp không thể đáp ứng về phân vùng môi trường hay khả năng chịu tải của môi trường hay khoảng cách an toàn thì việc xử lý sẽ như thế nào? Lưu ý rằng các yếu tố này thay đổi theo thời gian, có thể trở nên bất lợi hơn; chẳng hạn khu vực hoạt động của doanh nghiệp chuyển từ vùng khác sang vùng hạn chế phát thải hoặc có thay đổi trong khả năng chịu tải của môi trường.

Việc không được cấp phép lại trong trường hợp đó sẽ khiến doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền được đảm bảo về tài sản của nhà đầu tư nói riêng, cũng như ảnh hưởng đến tính ổn định của môi trường đầu tư nói chung. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ nội dung này.

Ngoài những nội dung đã đề cập, VCCI cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét và điều chỉnh nhiều nội dung khác liên quan tới việc tham vấn thông qua hình thức điện tử, quy định phân loại các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo công suất, xếp loại các cơ sở chế biến mủ cao su theo phân nhóm dự án đầu tư thuộc nhóm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường mức độ cao;

Đề xuất cấp giấy phép môi trường để giảm thiểu thời gian và các thủ tục hành chính mà doanh nghiệp phải thực hiện, quy định khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư, điều chỉnh tăng dần tỷ lệ tái chế bắt buộc đối với các doanh nghiệp sản xuất và việc kiểm toán kết quả tái chế, lộ trình thực hiện trách nhiệm tái chế với nhà sản xuất, lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn, cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn và việc công khai thông tin môi trường.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục