VCCI phát triển cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp bằng cách nào?

15:10' - 21/04/2023
BNEWS VCCI với ba đột phá là thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi; tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Ngày 21/4 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức gặp mặt báo chí chuẩn bị cho buổi lễ Chào mừng 60 năm ngày thành lập VCCI (27/4/1963-27/4/2023).

Tại sự kiện, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ, ngay từ giai đoạn đầu thành lập, các hoạt động của VCCI, thời đó còn gọi là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, luôn gắn chặt với yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong điều kiện có chiến tranh, tập trung khai thông thị trường khu vực các nước tư bản chủ nghĩa.

Đồng thời, thông qua quan hệ giao lưu kinh tế thương mại để mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước, phá thế bao vây, cấm vận, phong tỏa về kinh tế, thực hiện sách lược ngoại giao nhân dân, vận động sự ủng hộ quốc tế cho cuộc đấu tranh vì hoà bình và thống nhất đất nước.

Không chỉ tập trung vào các lĩnh vực mở rộng hoạt động ngoại thương của Việt Nam mà Phòng Thương mại còn hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước, phát triển các ngành công nghiệp để tái thiết, xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật và phát triển kinh tế sau chiến tranh.

 

Năm 1986, công cuộc đổi mới đất nước được khởi xướng đã tạo sự hồi sinh cho nền kinh tế, mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động của VCCI. Với kinh nghiệm tích lũy được trong sự nghiệp thúc đẩy và phát triển thương mại buôn bán với các nước có nền kinh tế thị trường, VCCI đi tiên phong trong việc thực hiện đường lối đổi mới, đã góp phần tích cực quảng bá rộng rãi Luật Đầu tư và các chính sách đổi mới của Việt Nam ra nước ngoài, thúc đẩy quan hệ thương mại, buôn bán và hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Cùng đó, VCCI cũng tiên phong tuyên truyền, phổ biến Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990, khơi dậy tinh thần kinh doanh trong nhân dân để hình thành khu vực kinh tế tư nhân theo chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước.

15 năm đầu công cuộc đổi mới đất nước là giai đoạn hình thành của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, thì cũng là thời kỳ VCCI khẳng định vai trò, vị thế, đóng góp to lớn cho khu vực kinh tế tư nhân. Theo đó, VCCI đề xuất việc lấy ngày 13/10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam; tham mưu xây dựng Nghị quyết số 09-NQ/TW về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế”…

Để góp phần tạo động lực cải cách từ cơ sở, trong điều kiện Chính phủ thực hiện chủ trương phân cấp mạnh mẽ, VCCI đã tổ chức nghiên cứu, công bố và tư vấn hỗ trợ các địa phương nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Bên cạnh đó, VCCI còn tổ chức nhiều diễn đàn đối thoại chính sách kinh tế và kinh doanh quan trọng, có uy tín ở Việt Nam như: Hội nghị thường niên Thủ tướng với doanh nghiệp, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – VBF, Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam, Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp ASEAN-EU, ASEAN BIS, ASEAN BAC… và các diễn đàn kinh doanh với các nước có sự tham gia của các CEO hàng đầu và nhiều nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các nước trên thế giới.

Để định hướng và tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp, VCCI cũng chủ trì nhiều hoạt động như trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”, danh hiệu “Bông hồng Vàng” cho các nữ doanh nhân, danh hiệu “Doanh nghiệp bền vững” và các giải thưởng có uy tín khác.

Năm 2021, VCCI cũng xây dựng tầm nhìn và sứ mệnh trong giai đoạn phát triển mới trong văn kiện Đại hội đại biểu VCCI toàn quốc lần thứ VII. Theo đó, tập trung xây dựng: “Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng” với mục tiêu và khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.

Đại hội cũng thông qua việc đổi tên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Đồng thời, đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược để thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp và củng cố, phát triển, nâng cao năng lực, vai trò của VCCI. 

Cụ thể, ba đột phá là: thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi; tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

VCCI cũng phát triển thêm các nội dung và phương thức hoạt động mới để đem lại chất lượng, hiệu quả cao hơn như: hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó đại dịch COVID-19; tổ chức các hội nghị đối thoại với các cơ quan quản lý để tháo gỡ vướng mắc trong kinh doanh, tham gia xây dựng; phản biện và giám sát thực thi chính sách, công bố và phát động thực hiện bộ 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam; định hướng, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, hoạt động phát triển doanh nghiệp bền vững, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ doanh nhân nữ,…

Nhiệm kỳ mới cũng ghi nhận việc VCCI có sáng kiến và vai trò tích cực mới trong thúc đẩy liên kết, hợp tác kinh tế giữa các địa phương theo vùng, tiểu vùng.

Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, từ 93 hội viên ban đầu, đến nay VCCI có mạng lưới hội viên rộng lớn toàn quốc với trên 200 hiệp hội doanh nghiệp và trên 200 nghìn doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, mọi thành phần kinh tế. VCCI đã vinh dự đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều hình thức khen thưởng bậc cao khác./.

 

 

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục