Về Bố Lang tìm niềm vui bên những nếp nhà

10:30' - 12/06/2024
BNEWS Sau 7 năm đưa vào sử dụng, tại khu tái định cư Bố Lang của đồng bào dân tộc thiểu số (xã Sơn Thái, huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa), cây cối đã được phủ xanh khắp các con đường nhỏ.

Ở Bố Lang chỉ có niềm vui bên những nếp nhà. Ở Bố Lang chỉ có tiếng cười của trẻ nhỏ. Sau 7 năm đưa vào sử dụng, tại khu tái định cư Bố Lang của đồng bào dân tộc thiểu số (xã Sơn Thái, huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa), cây cối đã được phủ xanh khắp các con đường nhỏ. Những ngôi nhà tái định cư đơn giản nay được người dân sơn sửa, mở rộng diện tích và tiếng trẻ em vui chơi, tươi cười rộn vang khắp nơi.

 

Khu tái định cư Bố Lang nằm dưới chân đèo Khánh Lê, với diện tích 7,5ha, có tổng vốn đầu tư gần 14,5 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh và Trung ương, được xây dựng từ năm 2015 -2017. Đây là khu tái định cư bền vững cho 142 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống ở những khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất do mưa lũ dọc sông Cái, thuộc thôn Giang Biên và các hộ khác ở rải rác trên địa bàn xã Sơn Thái.

Khu tái định cư được xây dựng với từng dãy nhà cấp 4 nối tiếp nhau. Mỗi hộ tái định cư được nhận 240m2 đất; trong đó diện tích nhà ở là hơn 30m2 (gồm 1 phòng khách, 1 phòng ngủ, khu bếp, nhà vệ sinh khép kín), diện tích còn lại phục vụ sản xuất. Thời gian đầu, khi chuyển về nơi ở mới, các hộ còn được hỗ trợ thêm 10 triệu đồng để ổn định cuộc sống. Tại đây còn có đầy đủ nước sạch, điện và đường nội bộ bằng bê tông, chạy ngang dọc như hình ô bàn cờ.

Khi khu tái định cư vừa xây dựng xong, người dân còn ngại về ở vì lạ nhà, lạ đất. Nhớ lại lý do thời gian đầu không chuyển về khu tái định cư, đa số người dân cho biết, lúc đó một phần ngại xa nơi ở cũ, đến nơi ở mới chưa có công việc ổn định, phần nữa là do nhà chưa phù hợp với phong tục, tập quán, điều kiện kinh tế của đồng bào. Hầu hết người dân về định cư đều thuộc diện hộ nghèo, không có khả năng mua bếp gas để đun nấu; người dân quen sử dụng bếp củi nên phải làm thêm cái chòi bên ngoài để sinh hoạt.

Vài năm sau, nhờ chính quyền vận động, thuyết phục, người dân cũng hiểu rõ hơn sự nguy hiểm khi tiếp tục sống ở các khu vực xung yếu, không an toàn trước thiên tai, nên lần lượt vào các khu tái định cư để sinh sống.

Anh Hà Thể (sinh năm 1989), người T’rin cho biết: Từ hồi về khu tái định cư sinh sống, gia đình anh không còn lo sợ mỗi mùa mưa bão về. Công việc làm ăn thuận lợi, các con của anh đều chăm ngoan. Nhìn chiếc xe máy còn mới, anh bảo 4 năm trước trồng điều được mấy chục triệu đồng, anh với vợ bàn nhau mua chiếc xe máy để tiện cho việc làm ăn. Không chỉ có xe mới, căn nhà hơn 30 m2 của anh do Nhà nước xây và cấp tái định cư hiện cũng được mở rộng gấp đôi diện tích, có nhà vệ sinh hợp chuẩn sạch sẽ. Anh Hà Thể chia sẻ: “Mình có tiền, làm nhà rộng thêm cho 3 con có chỗ sinh hoạt, học tập mà mình cũng thấy thoải mái khi về nhà sau khi đi rẫy về”.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của anh Thể cũng như 142 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (phần lớn là người dân tộc T’rin) vẫn là công việc chưa thật sự ổn định, thu nhập còn bấp bênh. Như năm 2023, cả 2 ha điều của gia đình anh chỉ cho thu hoạch được khoảng 10 triệu đồng nên không dư giả để mua sắm được thêm vật dụng gì cho gia đình. Những lúc việc nhà ngơi, anh và vợ phải đi làm thuê trồng, lột cây keo, khi có tiền thì mới có những bữa cơm ngon đầy đủ thịt cá cho gia đình.

“Gia đình tôi có 5 người, thuộc hộ cận nghèo của địa phương nên được quan tâm và nhận hỗ trợ đầy đủ các chính sách. Điều chúng tôi mong mỏi nhiều nhất là hai vợ chồng có công việc ổn định, nuôi thêm được con bò hay con lợn thì tốt quá”, anh Thể chia sẻ.

Trưởng thôn Bố Lang, ông Hà Ben nhận xét, cuộc sống của người dân ở thôn Bố Lang, đặc biệt là trong khu tái định cư Bố Lang những năm trở lại đây thay đổi rất nhiều. Gần như không còn nhà tái định cư nào bị bỏ trống. Đa số các hộ dân trong khu tái định cư là người trẻ, bà con chủ động sơn sửa, cải tạo nhà đẹp hơn và chăm chỉ làm ăn kiếm tiền. Mỗi hộ dân khi về khu tái định cư ở đều có đất rẫy để canh tác. Tuy nhiên, do tập quán của người dân tộc thiểu số dựa nhiều vào tự nhiên nên năng suất vẫn chưa cao, dẫn đến việc canh tác rẫy chưa đạt hiệu quả cao.

Ông Pi Năng Cội, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Thái cho biết: Toàn xã có 586 hộ dân với trên 2.500 nhân khẩu, hầu hết người dân trên địa bàn xã là người đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện xã đạt 13/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Các tiêu chí chưa đạt được bao gồm nhà ở dân cư, thu nhập thấp, nghèo đa chiều, giáo dục và đào tạo...

Theo thống kê, cuối năm 2023, xã có 233 hộ nghèo, 86 hộ cận nghèo. Năm 2024, xã tập trung thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo (dự kiến xuống còn 17,46%); tạo điều kiện cho 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất; bố trí đất ở và hoàn thành xây dựng 6 căn nhà cho hộ nghèo…

Ở khu tái định cư có nhà cộng đồng, sân tập bóng dành cho người dân vui chơi, sinh hoạt; đảm bảo nhu cầu cơ bản về điện, nước sạch cho người dân sử dụng. Khó khăn lớn nhất là nhiều hộ dân do làm ăn chưa hiệu quả nên vẫn còn tình trạng sang nhượng đất trồng, dẫn đến không có sinh kế làm ăn nên khó thoát nghèo, giảm nghèo.

Do đó, đối với khu tái định cư Bố Lang, Ủy ban nhân dân xã thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt cho người dân, tư vấn giới thiệu việc làm. Những năm qua, chính quyền địa phương đã tạo việc làm cho trên 20 thanh niên.

Trong thời gian tới, xã tiếp tục vận động nhân dân chăm sóc diện tích cây đã trồng theo hướng dẫn để có năng suất cao. Người dân ở đây đã chủ động tìm hướng đi mới, trồng thêm cây dứa cho năng suất cao hơn. Hợp tác xã trồng dứa trên địa bàn xã đang hoạt động rất hiệu quả. Chính quyền địa phương theo sát với người dân trong các hoạt động, đặc biệt là tạo sinh kế bền vững cho người dân để đời sống, diện mạo của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở sát chân đèo Khánh Lê ngày càng khang trang.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục