Về nơi đất bưởi Hùng Đoan

08:15' - 25/10/2015
BNEWS Nhờ trồng bưởi không ít hộ dân tại Đoan Hùng, Phú Thọ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững với thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Nhờ trồng bưởi, nhiều hộ dân tại Đoan Hùng vươn lên làm giàu. Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN


 Lãi lớn từ trái bưởi Hùng Đoan
Xã Bằng Luân là một trong các xã trồng nhiều bưởi nhất ở Đoan Hùng với tổng diện tích 170ha đều là giống bưởi đặc sản Đoan Hùng. Cả xã có 1.400 hộ thì có tới 1.200 hộ trồng bưởi đặc sản, hộ ít có vài cây, hộ nhiều có từ 100 cây trở lên đã và đang cho thu hoạch.

Nhờ việc thâm canh, chăm sóc cây bưởi đúng kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, kết hợp với thụ phấn bổ sung nên đã đưa năng suất bưởi tăng  cao, bưởi đều quả, mẫu mã đẹp. Bình quân mỗi cây bưởi cho thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng.

Nhiều hộ có vườn bưởi đã trở thành tài sản lớn của gia đình với mức thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/năm.
Anh Trương Văn Vượng, khu 3, xã Bằng Luân cho biết: gia đình anh có trên 100 gốc bưởi Bằng Luân, trong đó có hơn 50 cây đang cho thu hoạch mà cây nào cũng sai trĩu quả. Bưởi đến mùa thu hoạch không cần phải mang đi bán, khách hàng đến đặt mua cả vườn và tự thu hoạch, gia chủ không phải vất vả gì.

So với năm 2014, giá bưởi có giảm hơn, 1 quả hiện có giá bán khoảng 15.000 đồng, trong khi đó cùng thời điểm này năm ngoái, mỗi quả bưởi có giá 20.000 đồng. “Mặc dù giá bưởi có giảm hơn năm 2014 nhưng với 50 gốc bưởi đang cho thu hoạch, gia đình đã bán cho khách hàng đặt trước đó 150 triệu đồng”  anh Vượng chia sẻ thêm.
Phó Chủ tịch UBND xã Bằng Luân Vũ Minh Sáng cho biết: Toàn xã có hơn 170ha với 2 loại b­ưởi chủ yếu: Bư­ởi chua và b­ưởi ngọt, riêng bư­ởi chua lại có loại chua rôn rốt, có loại chua gắt tuỳ theo sở thích của ng­ười ăn mà chọn.

Còn b­ưởi ngọt có múi không to lắm như­ng bóc ráo tay, tôm bư­ởi căng mọng, ăn ngọt, mùi thơm. Nhờ biết cách chăm sóc cho cây bưởi nên bưởi nên năng suất đạt cao. Tổng thu hoạch của các hộ trồng bưởi trong xã năm nay ước đạt từ 5 – 7 tỷ đồng. Trong đó, hộ nhiều được từ 100 đến trên 200 triệu đồng, hộ ít cũng được vài chục triệu đồng...
Ở Đoan Hùng, ngoài bưởi Bằng Luân, một giống bưởi khác cũng rất ngon và nổi tiếng đó chính là bưởi Sửu của xã Chí Đám. Khác với bưởi Bằng Luân, quả bưởi Sửu to và nặng, có khi đến gần 2kg. Cùi bưởi mỏng, múi dài đẹp mắt, bóc dáo tay, ăn có vị ngọt mát.

Đây cũng là giống bưởi đã được trồng ở Chí Đám từ rất lâu đời. Lâu đến mức những người dân bản xứ cũng không biết cây bưởi Sửu đầu tiên được trồng ở đây từ năm nào…
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Chủ tịch UBND xã Chí Đám khảng định: Trong những năm gầy đây, cây bưởi đã mang lại kinh tế rất cao cho người dân trong xã, qua đó đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ từ 10,8% năm 2010 xuống còn 5,1% năm 2014.

Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã giai đọan 2015-2020, xã Chí Đám cũng đã xác định cây bưởi là cây làm giàu chứ không còn là cây xóa đói, giảm nghèo dựa trên mục tiêu là phát triển cây bưởi từ 99ha hiện có lên đến 150ha.
…tạo đà để mở rộng diện tích
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đoan Hùng, hiện nay, huyện Đoan Hùng có 1.680ha trồng bưởi, trong đó diện tích trồng bưởi đặc sản đạt 1.062ha.

Để phát triển cây bưởi, nâng cao năng suất, mẫu mã, chất lượng, thời gian qua, tỉnh Phú Thọ, huyện Đoan Hùng đã có nhiều chính sách hỗ trợ để triển khai, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mới, tiến bộ nhằm cải tạo, phục hồi và phát triển bền vững cho cây bưởi đặc sản Đoan Hùng, đặc biệt là khắc phục tình trạng ra hoa nhưng không đậu quả, khô tôm…

Huyện Đoan Hùng đã có nhiều chính sách để phát triển cây bưởi. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Nhờ đó, diện tích bưởi đặc sản cho quả hiện nay đã đạt trên 800ha, sản lượng quả tăng đột biến từ 2.000 tấn năm 2010 lên đến gần 9.000 tấn năm 2015; giá trị sản phẩm của bưởi Đoan Hùng ước đạt trên 200 tỷ đồng; bình quân thu nhập đạt khoảng 600 triệu đồng/ha đối với bưởi Chí Đám, 400 triệu đồng/ha đối với bưởi Bằng Luân
Ông Nguyễn Minh Xuyên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đoan Hùng, cho biết hiệu quả từ chương trình phát triển cây bưởi đặc sản Đoan Hùng đã được khẳng định, cây bưởi thật sự là cây kinh tế mũi nhọn mang lợi ích kinh tế cao cho nhân dân các dân tộc trong huyện; nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ cây bưởi. Do đó, huyện tiếp tục chỉ đạo, tập trung mọi biện pháp để bảo vệ, giữ gìn và phát triển thương hiệu bưởi này.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt dự án phát triển cây bưởi đặc sản huyện Đoan Hùng với quy mô 1.000 ha. Mục tiêu của dự án là đưa cây bưởi Đoan Hùng thành cây chủ lực, cây sản xuất hàng hóa trên đất Đoan Hùng.

Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với huyện Đoan Hùng, Viện nghiên cứu rau quả, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, phân bón  mới nhằm cải thiện và nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã cho bưởi Đoan Hùng; tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, hướng tới xuất khẩu để tăng giá trị kinh tế cho cây bưởi.
Nhờ ngon, ngọt nên bưởi Đoan Hùng đã được gắn thương hiệu đặc sản. Năm 2006, Bưởi Đoan Hùng đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam ra quyết định đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa cho hai sản phẩm bưởi Sửu Chí Đám và bưởi Bằng Luân của Đoan Hùng.

Theo đó, bưởi Đoan Hùng đã trở thành thương hiệu đặc sản với tên “Bưởi Đoan Hùng - Hương vị Đất Tổ”. Hai giống bưởi Sửu Chí Đám và bưởi Bằng Luân đã trở thành tài sản quốc gia được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn, qua đó đã giúp người dân yên tâm sản xuất, làm giàu trên cây bưởi./.
Tạ Văn Toàn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục