Vì sao châu Âu kêu gọi lùi thời hạn áp thuế xe điện đến năm 2027?

08:27' - 26/09/2023
BNEWS ACEA cho biết Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh cần sớm hành động để lùi thời hạn thực thi các quy định đối với xe điện (EV) được mua bán giữa khối này và Anh mà theo dự kiến sẽ bị áp thuế 10%.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA) và CEO Luca de Meo của Renault cho biết: “Việc giá xe EV ở châu Âu tăng vào thời điểm chúng tôi cần giành thị phần trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế gay gắt không phải là động thái đúng đắn”.

 

Theo thỏa thuận thương mại mà EU và Anh đạt được thời hậu Brexit, bắt đầu từ năm 2024, tỷ lệ nội địa hóa trong xe EV cần đạt ít nhất 45%, tức 45% bộ phận của xe EV có nguồn gốc của EU hoặc của Anh, và 50-60% thành phần pin là do EU hoặc Anh sản xuất. Nếu không đáp ứng được yêu cầu này, xe EV mua bán giữa Anh và EU sẽ phải chịu áp thuế nhập khẩu ở mức 10%.

Vấn đề là cả các nhà sản xuất ô tô ở Anh và EU đều chưa xây dựng được chuỗi cung ứng xe EV đủ để đáp ứng những yêu cầu đó và các nhà sản xuất ô tô đã kêu gọi hoãn thực thi các quy định cho đến năm 2027.

Tập đoàn sản xuất ô tô đa quốc gia Stellantis cho biết, các nhà máy sản xuất ô tô của Anh sẽ đóng cửa và hàng nghìn người bị mất việc làm trừ khi thỏa thuận Brexit được đàm phán lại nhanh chóng. Trong khi hãng sản xuất xe Ford cho biết quy định đó sẽ làm chậm quá trình chuyển đổi sang xe EV.

ACEA cho rằng các quy định này có thể khiến các nhà sản xuất ô tô phải trả tới 4,3 tỷ euro (4,57 tỷ USD) tiền thuế và ảnh hưởng đến sản lượng. Tuy nhiên, cho đến nay các nhà điều hành EU vẫn miễn cưỡng đàm phán lại thỏa thuận này.

Vào tháng 6/2023, ông Stefan Fuehring, một quan chức của Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách giám sát thỏa thuận thương mại hậu Brexit giữa Anh và EU, phát biểu rằng các quy tắc của EU là “phù hợp với mục đích” và khối này không xem xét điều chỉnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục