Vì sao giá dầu “hạ nhiệt” bất chấp căng thẳng liên tục leo thang?

14:31' - 21/04/2024
BNEWS Giá dầu thô Mỹ và giá dầu Brent đã kết thúc tuần giao dịch với mức giảm khoảng 3%, bất chấp những diễn biến về căng thẳng tại Trung Đông.
Nếu chỉ nhìn vào giá dầu cuối tuần qua, có lẽ sẽ không thể biết rằng Israel và Iran, nhà sản xuất dầu thô lớn thứ ba của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), đang đứng trước bờ vực của một cuộc xung đột lớn chưa từng có.

 
* Chưa thể xuyên ngưỡng 100 USD/thùng

Giá dầu thô Mỹ và giá dầu Brent đã kết thúc tuần giao dịch với mức giảm khoảng 3%, bất chấp những diễn biến về căng thẳng tại Trung Đông. Như vậy, lo ngại rằng giá dầu có thể lên tới ngưỡng 100 USD/thùng hoặc cao hơn đã không xảy ra.

Trên thực tế, giá dầu kỳ hạn của Mỹ đóng cửa phiên 19/4 ở mức 83,14 USD/thùng. Đây là mức giá thấp nhất được ghi nhận kể từ cuối tháng Ba, vài ngày trước khi vòng xoáy căng thẳng hiện tại leo thang. Trước đó, giá dầu liên tục giảm trong ba ngày sau vụ tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Iran nhằm vào Israel hôm 13/4, và chỉ tăng nhẹ sau khi có một số thông tin cho rằng Israel đã trả đũa Iran hôm 19/4.

Các nhà đầu tư dường như tin rằng động thái trả đũa có giới hạn, dường như không gây ra bất kỳ thiệt hại hoặc thương vong đáng kể nào, đã khiến Iran kiềm chế phản công.

Giám đốc điều hành Manish Raj của Công ty năng lượng Velandara Energy Partners cho biết: “Các thương nhân không tin rằng Israel và Iran thực sự quan tâm đến việc leo thang căng thẳng và chỉ đưa ra các hoạt động mang tính biểu tượng nhằm giữ thể diện”. Theo chuyên gia này, những cuộc giao tranh này không gây ấn tượng với thị trường dầu mỏ, bởi thị trường đang dự đoán rằng sẽ không có sự gián đoạn đối với dòng chảy dầu.

Đồng quan điểm này, Chiến lược gia trưởng Marko Papic của Clocktower Group, chia sẻ với khách hàng rằng: “Căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran đã kết thúc, ít nhất là trong khuôn khổ các cuộc tấn công trực tiếp vào lãnh thổ của hai nước”. Chiến lược gia Papic cho biết một cuộc xung đột kéo dài giữa Israel và Iran là điều khó tưởng tượng và thậm chí là không thể xảy ra.

* Nhưng vẫn có thể tăng phi mã lên ngưỡng 130 USD/thùng

Theo ông John Kilduff, đối tác sáng lập của Again Capital, thị trường dầu mỏ lo lắng nhất về việc Israel sẽ tấn công một trong những cơ sở hạt nhân của Iran, điều có thể khiến Tehran phải đáp trả. Tuy nhiên, áp lực quốc tế buộc Israel phải kiềm chế dường như đã được đền đáp. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận tuần trước rằng không có thiệt hại nào đối với các cơ sở hạt nhân của Iran.

Tuy nhiên, ông Kilduff lại cho rằng nguy cơ xảy ra chiến tranh ở Trung Đông là rất cao và điều này có thể làm tắc nghẽn nguồn cung dầu. Ông cho rằng trước đây, mọi xung đột đều được giải quyết bằng các biện pháp ngoại giao và vì thế thị trường dầu mỏ không bị ảnh hưởng.

Lần này, thị trường năng lượng cũng đã gặp may mắn. Israel và các đồng minh do Mỹ dẫn đầu đã bắn hạ gần như toàn bộ trong số hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái do Iran phóng, điều có thể làm giảm áp lực buộc Chính phủ Thủ tướng Benjamin Netanyahu phải trả đũa.

Mặc dù vậy, ông Tom Donilon, từng là cố vấn an ninh quốc gia của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, lại cho rằng mục đích của Iran là gây thiệt hại nặng nề cho Israel. Chuyên gia Donilon cảnh báo tại Hội nghị thượng đỉnh Năng lượng Toàn cầu Columbia ở Thành phố New York vào tuần trước: “Về lâu dài, đây là sự gia tăng rủi ro mang tính cấu trúc trong khu vực”.

Trọng tâm vẫn là eo biển Hormuz, vùng nước hẹp có đến 19 triệu thùng dầu được vận chuyển mỗi ngày từ Vịnh Ba Tư đến thị trường toàn cầu. Theo tập đoàn năng lượng Rapidan Energy Group, giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu có thể tăng lên 130 USD/thùng nếu có sự gián đoạn lớn ở eo biển này.

Chuyên gia Kilduff nói: “Khi nói về Iran, mọi người đều tập trung vào eo biển Hormuz”. Cũng theo chuyên gia này, việc đóng cửa eo biển gần như là không thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu họ bắt đầu ngăn chặn tàu di chuyển thì thị trường dầu mỏ sẽ chú ý./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục