Vì sao Grab lỗ hàng trăm tỷ đồng trong khi có thị phần lớn nhất Việt Nam?

11:05' - 23/07/2022
BNEWS Đi cùng với những chính sách gây tranh cãi, Grab cũng liên tục ghi nhận những khoản lỗ lớn qua từng năm tại thị trường Việt Nam.

Thâm nhập thị trường Việt Nam từ tháng 2/2014, sau 8 năm, Grab đã ra mắt nhiều dịch vụ mới như GrabFood (giao đồ ăn), GrabExpress (giao hàng), thanh toán (GrabPay)…

Dù nắm giữ thị phần lớn nhất trên thị trường gọi xe trực tuyến, những chính sách của Grab gây nên bức xúc cho cả người dùng và tài xế. Như mới đây, Grab công bố thu thêm phụ phí 5.000 đồng với mỗi đơn hàng GrabBike, GrabFood tại TPHCM, Hà Nội và nhiều địa phương khi thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng không giải thích chi tiết điều kiện áp dụng. Hay trước đó, Grab cũng đã áp dụng thu thêm một số loại hình phí và phụ phí như "phụ phí khi mưa lớn", "phụ phí khi kẹt xe", "phí chờ đợi".

Đi cùng với những chính sách gây tranh cãi, Grab cũng liên tục ghi nhận những khoản lỗ lớn qua từng năm tại thị trường Việt Nam.

* Thu hơn 9 tỷ đồng/ngày vẫn lỗ nặng

Báo cáo tài chính năm 2021 của Công ty TNHH Grab Việt Nam (Grab Việt Nam) ghi nhận doanh thu đạt 3.346 tỷ đồng, giảm 11% so với năm 2020. Gần như tất cả doanh thu đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ kết nối (99,8%), còn lại là bán hàng hóa.

Trong khi đó, giá vốn bán hàng lại tăng khiến lợi nhuận gộp của Grab Việt Nam giảm gần 20%, còn 1.951 tỷ đồng. Trong bối cảnh doanh thu và lãi gộp đi xuống, chi phí bán hàng bị đội thêm 25% lên 1.926 tỷ đồng, chi phí tài chính của Grab Việt Nam bị đội thêm 46% lên 22 tỷ đồng, riêng chi phí quản lý doanh nghiệp cắt giảm được 44% còn 414 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chi phí bán hàng của Grab Việt Nam lên đến gần 2.000 tỷ đồng do doanh nghiệp này thường xuyên đưa ra các chương trình khuyến mãi cho khách hàng, cụ thể chi 1.622 tỷ đồng trong năm 2021, tăng 22% so với năm 2020. Ngoài ra, chi phí quảng cáo cũng tăng từ 208 tỷ đồng lên 304 tỷ đồng.

Với những con số ở trên, lợi nhuận sau thuế của Grab Việt Nam âm 301 tỷ đồng. Thực tế, 2021 không phải năm duy nhất doanh nghiệp này kinh doanh thua lỗ. Giai đoạn 2018-2021, chỉ có năm 2020 công ty này có lãi, còn lại đều lỗ từ vài trăm tỷ đồng cho tới vài nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Tính đến thời điểm 31/12/2021, lỗ lũy kế của Grab Việt Nam đã tăng lên 4.366 tỷ đồng, trong khi vốn góp của chủ sở hữu chỉ là 20 tỷ đồng (người đại diện theo pháp luật, kiêm Giám đốc điều hành bà Lý Thị Bích Huyền nắm 51%, Grab Inc - một doanh nghiệp được thành lập tại Singapore nắm 49%). Việc này khiến vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp âm 4.346 tỷ đồng.

 

Bất chấp vốn chủ sở hữu âm nặng, tổng nguồn vốn của Grab Việt Nam vẫn đạt 1.350 tỷ đồng nhờ vào các khoản vay và nợ thuê tài chính đối với những doanh nghiệp liên quan Grab Việt Nam. Cụ thể, Grab Việt Nam ghi nhận khoản vay với GrabTaxi Holdings Pte Ltd 3.373 tỷ đồng và Grab Inc 905 tỷ đồng, đều bằng đồng USD, lãi suất 0% và không có tài sản đảm bảo.

Không chỉ Grab Việt Nam, Grab Holdings Inc. (trụ sở Singapore) cũng đang chìm trong thua lỗ. Năm ngoái, công ty này chi 717 triệu USD (16.781 tỷ đồng) cho đối tác tài xế, và cũng dành tới 1,06 tỷ USD cho hoạt động ưu đãi, khuyến mãi tới khách hàng, tăng lần lượt 15% và 73% so với năm trước đó. Tính thêm các chi phí khác, Grab Holdings Inc. lỗ ròng 3,55 tỷ USD, trong khi năm 2020 lỗ 2,7 tỷ USD.

* Đi vay để sống

Với khoản lỗ ròng hơn 300 tỷ đồng năm gần nhất, lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán của Grab Việt Nam đã tăng lên gần 4.366 tỷ đồng đến cuối năm 2021. Trong khi đó, vốn góp của chủ sở hữu công ty chỉ là 20 tỷ đồng. Điều này dẫn tới chỉ tiêu vốn chủ sở hữu của Grab Việt Nam đang âm gần 4.346 tỷ đồng.

Dù vậy, tổng tài sản cân đối với nguồn vốn của công ty đến cuối năm 2021 vẫn ở mức 1.350 tỷ đồng, thấp hơn 46,5% so với cuối năm 2020.

Nguyên nhân khiến Grab Việt Nam với vốn điều lệ 20 tỷ đồng lại đang gánh khoản lỗ lũy kế hơn 4.346 tỷ nhưng tổng tài sản vẫn đạt trên 1.350 tỷ đồng là nhờ khoản vay và nợ thuê tài chính lên tới 4.279 tỷ đồng.

Các khoản vay này đều do những doanh nghiệp liên quan Grab Việt Nam cung cấp. Trong đó, GrabTaxi Holdings Pte Ltd là một trong những chủ nợ lớn nhất của Grab Việt Nam hiện nay với khoản cho vay 3.374 tỷ đồng đến cuối năm 2021. Khoản vay này có năm đáo hạn kéo dài từ 2021 đến 2024. Bên cạnh đó, Grab Holdings Inc. (trụ sở Singapore) cũng là chủ nợ cho doanh nghiệp tại Việt Nam vay hơn 905 tỷ đồng, đáo hạn năm 2023.

Theo thuyết minh của Grab Việt Nam, các khoản vay này đều được cấp bằng tiền USD và quy đổi ra Đồng Việt Nam trên báo cáo tài chính, lãi suất 0%/năm và không có tài sản đảm bảo. 

Trong những năm trước đó, GrabTaxi Holdings Pte Ltd và Grab Holdings Inc. cũng đóng vai trò là chủ nợ chính cung ứng vốn cho Grab duy trì hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Theo đó, đến cuối năm 2020, hai doanh nghiệp này cho Grab Việt Nam vay tổng cộng gần 5.200 tỷ, số dư vào cuối năm 2019 cũng là hơn 5.700 tỷ đồng.

Grab thâm nhập thị trường Việt Nam từ tháng 2/2014, với tên gọi GrabTaxi, cụ thể là sự ra đời của Công ty TNHH GrabTaxi (GrabTaxi).

GrabTaxi được sáng lập bởi 3 người Việt Nam, bao gồm: ông Nguyễn Tuấn Anh (34% vốn điều lệ); ông Nguyễn Phú Sinh (33%) và ông Trần Anh Đức (33%).

Từ tháng 8/2015, các ông Nguyễn Phú Sinh và Trần Anh Đức đã thế chấp toàn bộ cổ phần, tương đương với 66% vốn GrabTaxi tại GrabTaxi Holdings Pte. Ltd.

Đến tháng 3/2016, Grab Holdings Inc trực tiếp nắm giữ cổ phần tại GrabTaxi với tỷ lệ sở hữu 50,5% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại do ông Nguyễn Tuấn Anh nắm giữ.

Tới tháng 4/2016, Grab Holdings Inc giảm tỷ lệ sở hữu tại GrabTaxi xuống còn 49%, trong khi ông Nguyễn Tuấn Anh tăng sở hữu lên 51% vốn điều lệ.

Cho đến nay, tỷ lệ sở hữu của Grab Holdings Inc và vốn điều lệ 20 tỷ đồng của GrabTaxi vẫn không đổi kể cả khi doanh nghiệp này đổi tên thành Công ty TNHH Grab (Grab Việt Nam).

Song kể từ tháng 3/2020, bà Lý Thuỵ Bích Huyền nắm giữ 51% cổ phần còn lại tại Grab Việt Nam, phần vốn của bà Lý Thụy Bích Huyền trước đó được nắm giữ bởi ông Nguyễn Tuấn Anh. Tuy nhiên, thông qua các điều khoản ràng buộc, Grab Holdings Inc. trên thực tế vẫn kiểm soát 100% vốn Grab Việt Nam.

Như vậy, với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, công ty hiện có 2 cổ đông bao gồm Grab Inc. nắm 49%, tương đương 9,8 tỷ đồng vốn góp và bà Lý Thụy Bích Huyền (sinh năm 1981) nắm 51%, tương đương 10,2 tỷ đồng. Trong đó, bà Bích Huyền cũng chính là Giám đốc điều hành của Grab Việt Nam. Tuy nhiên, thông qua các điều khoản ràng buộc, Grab Inc. thực tế vẫn kiểm soát 100% vốn Grab Việt Nam.

Nắm giữ ngôi vị số một thị phần gọi xe công nghệ Việt, mỗi chính sách của Grab Việt Nam đều thu hút được nhiều sự chú ý.

Theo một khảo sát của Q&Me công bố vào tháng 6/2021, dựa trên số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ gọi xe hai bánh, Grab chiếm khoảng 60% thị phần, Gojek chiếm 19% còn be chiếm 18%. Đối với ôtô, thị phần của Grab áp đảo với 66%, be chiếm 22% và phần còn lại chia cho các ứng dụng khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục