Vì sao lãi suất cơ bản tại Canada vẫn được duy trì ở mức cao?

09:20' - 30/01/2024
BNEWS Cách đây không lâu, nhiều chuyên gia kinh tế và tài chính vẫn tin rằng BoC sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tháng 4/2024. Nhưng giờ đây, các dự báo đã được điều chỉnh thời hạn mới.

Tờ Toronto Star ngày 28/1 đăng bài viết của Giáo sư Gustavo Indart, thuộc Khoa Kinh tế Đại học Toronto, nhận định Ngân hàng trung ương Canada (BoC) sẽ không thể giảm mức lãi suất hiện nay xuống mức thấp hơn, trước tháng 6/2024.

Giáo sư Indart nói rằng khi công bố quyết định lãi suất mới nhất, Thống đốc Tiff Macklem nói rằng quan điểm của BoC đã có sự thay đổi "từ việc xem xét chính sách tiền tệ đang áp dụng đã đủ hạn chế hay không sang việc duy trì lập trường giới hạn lãi suất hiện tại thêm bao lâu nữa". Điều này đặt ra câu hỏi vậy khi nào BoC sẽ bắt đầu giảm lãi suất?

Cách đây không lâu, nhiều chuyên gia kinh tế và tài chính vẫn tin rằng BoC sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tháng 4/2024. Nhưng giờ đây, các dự báo đã được điều chỉnh thời hạn mới lên thêm hai tháng, do tình hình lạm phát của Canada trong tháng 12/2023 đã tăng lên 3,4% so với mức 3,1% của tháng trước đó.

 

Theo Giáo sư Indart, mức lạm phát này không có gì đáng ngạc nhiên vì nó hoàn toàn là do hiệu ứng cơ sở tính theo tháng. Mức lạm phát hàng năm đã tăng lên bất chấp thực tế là giá cả trung bình giảm 0,3% trong tháng 12/2023. Nói một cách khác, lạm phát tháng 12/2023 so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng 3,4% trong khi giá cả lại giảm nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng cơ sở này.

Giáo sư Indart lý giải rằng giá cả trung bình của Canada không chỉ giảm trong tháng 12/2023, mà trong cả quý IV/2023, giá cả đã giảm với tốc độ trung bình năm là 0,5%. Do dó, có thể nói rằng đang có hiện tượng giảm phát chứ không phải lạm phát. Ngoài ra, mặc dù Chỉ số Tiêu dùng cá nhân đã tăng kể từ tháng 6/2023, nhưng nó chỉ tăng với tốc độ trung bình năm là 1,4% trong sau tháng cuối năm ngoái, một tỷ lệ thấp hơn mức mục tiêu 2% của BoC.

Trên cơ sở này, có vẻ như lạm phát giá cả không phải là chủ đề được quan tâm nhiều ở thời điểm hiện tại của BoC và các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sẽ không thể lấy lý do lạm phát dai dẳng hàng năm để duy trì lãi suất ở mức 5%. Trong trường hợp BoC giữ nguyên lãi suất chính sách trong cuộc họp vào tháng Tư tới, theo Giáo sư Indart, chắc hẳn là phải có những lý do khác.

Có vẻ như mối quan tâm chính của BoC không phải và cũng chưa bao giờ là lạm phát giá cả mà là lạm phát tiền lương. Các quan chức BoC đã nhiều lần tuyên bố rằng mức tăng lương hàng năm trong khoảng từ 4% đến 5% là không phù hợp với mục tiêu lạm phát 2%. Trong tháng 12/2023, tiền lương đã tăng ở mức 5,4% và với mức lương tăng nhanh hơn giá cả, thì nó có thể là nguyên nhân thúc đẩy lạm phát.

Nhưng dường như điều này có vẻ cũng chưa hơp lý bởi trong tháng 12/2023, mức lương trung bình đã tăng 0,5%, trong khi giá cả trung bình lại giảm 0,3%. Do vậy, tiền lương không thể là nguyên nhân gây ra lạm phát trong tháng 12 năm ngoái.

Ba tháng cuối năm 2023, tiền lương của Canada đã tăng với tỷ lệ hàng năm là 5,3%, trong khi giá cả lại giảm với tỷ lệ hàng năm là 0,5%. Do vậy, tiền lương cũng không gây ra lạm phát trong quý IV/2023. Đáng kể hơn, trong thời gian sáu tháng cuối năm ngoái, tiền lương đã tăng với tốc độ đáng kinh ngạc hàng năm là 8,2% so với mức tăng giá vừa phải chỉ là 1,4%. Do vậy, chắc chắn tiền lương không thúc đẩy lạm phát.

Những gì tiền lương đang làm là dần dần khôi phục sức mua từng bị mất trong thời kỳ lạm phát do nguồn cung khan hiếm kể từ đầu năm 2021 và không hề gây ra vòng xoáy về giá lương. Trong ba năm qua, giá cả tại Canada đã tăng 15,2%, trong khi tiền lương chỉ tăng 14,1%, vì vậy mức lương thực tế vẫn thấp hơn so với mức của tháng 12/2020.

Nhưng nếu lạm phát không phải là vấn đề và tiền lương không gây ra lạm phát thì tại sao BoC vẫn tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao như vậy?

Một lý do có khả năng là BoC muốn ngăn chặn sự mất giá của đồng đô la Canada (CAD) trước tác động tiêu cực tiềm ẩn đối của lạm phát. Mọi quyết định liên quan tới lãi suất của BoC đều được thực hiện gần như song song với quyết định tương tự của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhằm bảo toàn giá trị của đồng CAD.

Một lý do nữa có thể là BoC đang cố gắng ngăn cản việc tăng lương thêm để bảo vệ tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của Canada hiện đang tăng gần một điểm phần trăm, khiến có thêm khoảng 150.000 người mất việc làm. Điều này đặt ra câu hỏi liệu tỷ lệ thất nghiệp phải tăng bao nhiêu để mức tăng lương nằm trong phạm vị lạm phát từ 2% đến 3% mà BoC đặt ra.

Tác giả kết luận, trong mọi trường hợp, tỷ suất lợi nhuận không nên tăng lên chỉ để đổi lấy chi phí tiền lương thấp xuống, nó phải được tăng lên thông qua việc tăng năng suất. Từ việc này có thể thấy rằng Canada không cần lãi suất cao hơn để giảm nhu cầu về lao động và cũng không cần gia tăng nhập cư để tăng thêm nguồn cung lao động.

Điều Canada cần là tăng năng suất và mức lương thực tế ngày càng cao, làm động lực tốt nhất cho các doanh nghiệp thực hiện đầu tư nâng cao năng suất. Đây mới là kết quả tốt nhất, một tình huống đôi bên cùng có lợi.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục