Vì sao Ngân hàng Trung ương Nga không tăng lãi suất như dự báo?

05:30' - 25/12/2024
BNEWS Dự báo đồng thuận của các nhà phân tích cho rằng trong tháng 12/2024, lãi suất của Nga chắc chắn sẽ tăng từ 21% lên 23%, một số nhà phân tích không loại trừ khả năng lãi suất tăng lên 24-25%.
Ngày 20/12, Ngân hàng Trung ương Nga (BoR) gây bất ngờ với quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 21% bất chấp lạm phát vẫn tăng. Thậm chí trong cuộc họp báo cuối năm vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin còn gọi lạm phát tăng là điều đáng lo ngại. Vậy vì sao BoR lại quyết định như vậy?

Dự báo đồng thuận của các nhà phân tích cho rằng trong tháng 12/2024, lãi suất chắc chắn sẽ tăng từ 21% lên 23%, một số nhà phân tích không loại trừ khả năng lãi suất tăng lên 24-25%. Điều này là do lạm phát đang tăng lên.

Nguyên nhân dẫn đến quyết định bất ngờ của BoR có thể đến từ việc ngân hàng đã chuyển sự chú ý từ lạm phát sang cho vay, chỉ số đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Vào tháng 11/2024, hoạt động cho vay bán lẻ đã gần như “giậm chân tại chỗ”, trong khi hoạt động cho vay doanh nghiệp cũng ghi nhận sự trì trệ lần đầu tiên kể từ đầu năm 2024. Ngân hàng Trung ương Nga dự kiến hoạt động tín dụng sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong năm 2025.

Trong bối cảnh lạm phát vẫn chưa dịu lại, Nga cần thời gian để lãi suất cao hiện tại phát huy tác dụng. Ngân hàng Trung ương Nga tin rằng giá cả đang tăng do quán tính từ hoạt động tín dụng mạnh mẽ lúc trước, đồng ruble trước đó đã mất giá và cuối cùng là tiền từ ngân sách bơm vào nền kinh tế được tích lũy lại. Tuy nhiên, trong những tháng tới, lạm phát sẽ bắt đầu giảm nhờ lãi suất cao 21% và hoạt động tín dụng giảm tốc.

 
Bà Olga Belenkaya, người đứng đầu bộ phận phân tích kinh tế vĩ mô của Tập đoàn tài chính Finam giải thích, giờ đây ngân hàng trung ương không tập trung vào tình hình hiện tại của nền kinh tế mà họ không thể thay đổi. Thay vào đó, họ tập trung vào tương lai. Tác động từ môi trường lãi suất cao không thể được đo đếm ngay lập tức mà phải sau 3-6 tháng. Như vậy, những tác động của việc tăng lãi suất cơ bản từ 16% lên 21% vào nửa cuối năm 2024 sẽ được phản ánh trong năm tới. Đây là điều mà Ngân hàng Trung ương Nga đang trông đợi. Họ kỳ vọng lạm phát năm sẽ giảm xuống 4% (và đây là mục tiêu chính) vào năm 2026.

Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Nga cũng lo họ sẽ “quá đà” với lãi suất. Các doanh nghiệp đã rất lo ngại khi lãi suất cơ bản trên mức 20%, và lãi suất cao hơn sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động tín dụng và có thể khiến nền kinh tế “hạ nhiệt” quá mức hoặc thậm chí là suy thoái. Việc nhận ra rủi ro tín dụng khi tình hình tài chính của người đi vay xấu đi cũng đe dọa các ngân hàng. Ngân hàng trung ương có lẽ cũng đã tính đến những rủi ro này, bà Olga Belenkaya chia sẻ.

Trong khi đó, ông Ilya Fedorov, nhà kinh tế trưởng tại BCS World of Investments không loại trừ khả năng Ngân hàng Trung ương Nga lo ngại về một cuộc suy thoái. Hiện ngân hàng này đang đối mặt với sự gia tăng lạm phát có thể lên đến hai chữ số. Điều này tất yếu dẫn đến khủng hoảng và bần cùng hóa dân số. Nga đã trải qua điều này trong các cuộc khủng hoảng lớn những năm 2000 và 1900.

Thống đốc BoR cho biết, nếu cơ quan quản lý không tăng lãi suất trong năm nay, lạm phát có thể đã cao gấp nhiều lần hiện nay. Chẳng hạn, nếu lãi suất vẫn giữ ở mức 7,5% từ năm 2022, thì lạm phát sẽ trên 20%, và thậm chí có thể là 30%. Trong khi đó, kinh tế Nga đang hạ nhiệt mạnh mẽ - là hậu quả của môi trường lãi suất rất cao.

Do đó, nếu lạm phát tiếp tục tăng tốc vào đầu năm 2025 và hoạt động cho vay tăng trở lại, Ngân hàng Trung ương Nga có thể tiếp tục tăng lãi suất chủ chốt. Chuyên gia Ilya Fedorov từ BCS World of Investments tin rằng lãi suất có thể sẽ giảm từ giữa hoặc cuối quý II/2025, sau khi bức tranh về các rủi ro lạm phát bên ngoài (địa chính trị) và bên trong được sáng tỏ.

Theo ông Fedorov, vào cuối năm 2025, lãi suất sẽ giảm xuống 16% với lạm phát 5–5,5% và tăng trưởng kinh tế gần như bằng 0.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục