Vì sao quy mô kinh tế tư nhân vẫn nhỏ?

14:08' - 05/10/2018
BNEWS Kỷ niệm 14 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2018), Tạp chí Nhà đầu tư (Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài) tổ chức tọa đàm: "Phát triển kinh tế tư nhân: Rào cản và giải pháp"
Doanh nghiệp tư nhân đóng góp gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS-TTXVN

Kỷ niệm 14 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2018), Tạp chí Nhà đầu tư (Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài) tổ chức tọa đàm: "Phát triển kinh tế tư nhân: Rào cản và giải pháp". Sự kiện tập trung thảo luận một số nội dung nhằm nêu bật vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển kinh tế đất nước hiện nay và giải pháp xây dựng một đội ngũ "Doanh nhân dân tộc" có tầm và có tâm.

Bàn về khung pháp lý cho phát triển kinh tế tư nhân, Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, kinh tế tư nhân đã dần trở thành một trụ cột của nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khả quan.

Qua số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng cả nước có 96.611 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 963,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% về số doanh nghiệp và tăng 6,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Điều đó cho thấy, nỗ lực cải cách không chỉ đem lại hiệu quả hơn đối với doanh nghiệp Nhà nước; thu hút nhiều hơn, có chất lượng hơn các doanh nghiệp FDI, mà khu vực kinh tế tư nhân cũng phát triển với số lượng ngày càng nhiều, quy mô ngày càng lớn đóng vai trò quan trọng đối với gia tăng tốc độ tăng trưởng theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều hạn chế, năng lực cạnh tranh tuy đã được nâng cao nhưng vẫn chưa sánh kịp một số nước trong khu vực mặc dù, nhiều doanh nghiệp đã khá năng động trong kinh doanh, coi trọng đổi mới sáng tạo để tận dụng cơ hội hội nhập sâu rộng với thế giới trong kỷ nguyên số của cuộc cách mạng 4.0.

Để phát triển kinh tế tư nhân, theo Giáo sư Nguyễn Mại, việc xây dựng Chính phủ điện tử hết sức quan trọng và là đòi hỏi của yêu cầu đổi mới quản lý Nhà nước trong thời đại kỹ thuật số. Cùng với đó, vì là đối tượng chịu tác động trực tiếp của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nên trong tương lai gần, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân cần tăng cường nguồn lực, phát huy hiệu quả những lợi thế tự có bởi sẽ có ngành phải thu hẹp kinh doanh, nhiều lao động con người được thay thế bằng rô bốt; đồng thời có ngành mới ra đời tạo ra nhiều việc làm đòi hỏi kỹ năng cao.

Giáo sư Nguyễn Mại cho rằng, các ngành nhiệt điện than, thủy điện, điện tử, công nghiệp chế tạo, dệt may, giày dép phải điều chỉnh trong ngắn hạn và trung hạn để thay đổi kịp với xu thế của thế giới. Du lịch, thương mại, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế, xây dựng được hưởng lợi từ nền tảng số hóa, kết nối dữ liệu lớn (Big Data). Doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội, đổi mới nhanh công nghệ và mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường thì tăng trưởng nhanh và có hiệu quả cao. Ngược lại nếu “lạc nhịp” sẽ kinh doanh thua lỗ, thậm chi phá sản.

Đồng tình với Giáo sư Nguyễn Mại, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá cao vai trò của kinh tế tư nhân về mặt kinh tế. Sự đóng góp trong GDP của khu vực này đã có sự tăng trưởng, nhưng quy mô của khu vực kinh tế tư nhân vẫn nhỏ so với nền kinh tế thị trường. Vấn đề là tại sao? Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung đặt câu hỏi.

Chính vì thế, Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, lúc này cần phải sớm đánh giá lại và tháo gỡ, xóa bỏ 50% điều kiện kinh doanh để cải thiện môi trường, thông quan hàng hóa,… Tuy nhiên, cải cách thể chế thực sự không chỉ là cải cách thủ tục hành chính.

Đại diện doanh nghiệp, ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả bày tỏ, những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện cho nhà đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nhưng thực tế khi triển khai công việc, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều vướng mắc. Rào cản lớn nhất hiện nay là từ phía các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Ông Trần Văn Thế cũng cho biết, những khu vực dự án BOT liên quan đến người dân cũng gặp nhiều khó khăn bởi người dân đi qua trạm yêu cầu doan nghiệp cung cấp hợp đồng BOT. Như vậy, hàng triệu chủ phương tiện đi qua, doanh nghiệp không thể giải trình cho từng người như vậy. Trong khi đó, một bộ phận truyền thông chưa phản ánh đúng bản chất của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.

"Ngoài ra, hệ thống tổ chức tài chính của Việt Nam còn quá nhỏ về quy mô, với một tổ chức hay nhóm doanh nghiệp chỉ được vay tối đa 11.000 tỷ đồng. Đề nghị phải tăng quy mô của các ngân hàng, bởi hiện nay ngân hàng quá nhiều nhưng quy mô lại quá nhỏ..." ông Trần Văn Thế nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục