Vì sao số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội tăng mạnh?

11:37' - 13/04/2023
BNEWS Theo công văn, thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay.

Trong 7 ngày (từ 5/4 - 11/4/2023), cả nước đã ghi nhận 639 ca mắc COVID-19 mới, trung bình có 90 ca mắc mới mỗi ngày, tăng 3,8 lần so với 7 ngày trước đó; trong đó nhóm từ 50 tuổi trở lên ghi nhận 193 ca (chiếm 30,2% số mắc mới).

Tính riêng trong ngày 12/4, số ca mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng với 261 ca mắc mới, tăng 78 trường hợp so với ngày trước đó. Trong đó, có 46 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 10.615.180 trường hợp. Hiện có 9 bệnh nhân đang phải thở oxy qua mặt nạ; trung bình 7 ngày qua không ghi nhận ca tử vong.

Số ca nhập viện cũng có xu hướng gia tăng; số bệnh nhân nặng ghi nhận trong tuần là 10 ca, trung bình ghi nhận 1-2 ca nặng mỗi ngày. Tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra.

Vì sao số ca COVID-19 ở Hà Nội tăng mạnh?

Theo nhận định của một số chuyên gia y tế, số ca COVID-19 gia tăng do miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa. Đây là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, trong đó có SARS-CoV-2.

Bên cạnh đó, còn do tâm lý chủ quan trong phòng bệnh, không sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng, không khử khuẩn tay thường xuyên khiến bệnh lây lan. Mặt khác, do tỉ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 giảm mạnh, đáp ứng miễn dịch trong cộng đồng giảm, khiến số ca COVID-19 gia tăng.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) lưu ý, những người có triệu chứng nghi ngờ cũng cần chủ động phòng bệnh cho người khác. Bên cạnh đó, cần chú ý bảo vệ nhóm nguy cơ như người già, người bệnh nền, tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Lãnh đạo Trung Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội cho biết, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình dịch để xử lý kịp thời, có hiệu quả; đồng thời tiếp tục triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 cho các nhóm đối tượng gồm: Trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và người từ 18 tuổi trở lên có chỉ định tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân phải chú ý các vấn đề dự phòng như đeo khẩu trang ở nơi nguy cơ cao, nơi công cộng, phải rửa tay khử khuẩn thường xuyên, hạn chế thấp nhất việc tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ...

Kết quả giám sát biến chủng cho thấy, trong tuần, biến thể XBB.1.5 tiếp tục là biến thể chiếm ưu thế với tỉ lệ 45,06%, tiếp theo là biến thể XBB chiếm 19,73%. Đến nay, biến thể XBB.1.5 đã được phát hiện tại 90 quốc gia.

Tại Việt Nam, hiện Bộ Y tế chưa có báo cáo về biến chủng COVID-19 mới xuất hiện tại Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục