Vì sao xuất khẩu gạo của Việt Nam khởi sắc?

12:24' - 24/07/2017
BNEWS Sau một năm sụt giảm mạnh, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng trưởng trở lại cả về lượng lẫn kim ngạch. Nguyên nhân chủ yếu là nhờ giá bán gạo của Việt Nam có tính cạnh tranh.
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Công ty cổ phần lương thực Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Theo đánh giá, thị trường xuất khẩu gạo thời gian qua có nhiều diễn biến thuận lợi, nhờ vậy trong 6 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu gạo của cả nước ước đạt 2,8 triệu tấn, với 1,2 tỷ USD, tăng 6,3% về lượng và tăng 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đã đặt mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2017 đạt khoảng 5,7 triệu tấn, tăng 800.000 tấn so với năm 2016.

* Mức tăng vẫn còn khá khiêm tốn

Theo báo cáo của VFA, xuất khẩu gạo năm 2016 của doanh nghiệp trong nước đạt trên 4,89 triệu tấn với trị giá xuất khẩu đạt trên 2,1 tỷ đô la Mỹ, giảm 25,54% về lượng và 20,57% về giá trị so với năm 2015.

Báo cáo của VFA cho thấy, trong năm ngoái, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Trung Quốc đã giảm 19,79% so với năm 2015. Thế nhưng, quốc gia này vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt trên 1,8 triệu tấn, chiếm 36,97% thị phần của Việt Nam trong năm ngoái.

Còn theo báo cáo mới nhất vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 6-2017 ước đạt 413.000 tấn với giá trị đạt 182 triệu USD, lũy kế xuất khẩu gạo Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2017 đạt 2,3 triệu tấn với trị giá 1 tỷ USD, tăng 1,6% về khối lượng và 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 2,8 triệu tấn, giá trị 1,2 tỷ USD, tăng 6,3% về khối lượng và tăng 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2017 với 46,5% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 5 tháng đầu năm 2017 đạt 1,1 triệu tấn và 488 triệu USD, tăng 34,2% về khối lượng và tăng 31,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2017 với 8,6% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 5 tháng đầu năm 2017 đạt 237.400 tấn, trị giá 90,4 triệu USD, tăng 23,4% về khối lượng và tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Như vậy, sau một năm sụt giảm mạnh, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2017 đã tăng trưởng trở lại cả về lượng lẫn kim ngạch, dù mức tăng trưởng vẫn còn ở mức khá khiêm tốn.

Theo nhận định của các chuyên gia, xuất khẩu gạo của nước ta có được kết quả như thời gian qua là do nhiều thị trường truyền thống như Malaysia, Philippines… giảm lượng nhập khẩu gạo.

Bên cạnh đó là giá gạo xuất khẩu của nước ta trong những tháng đầu năm cũng ở mức thấp, kéo theo kim ngạch xuất khẩu sụt giảm. Còn trong tháng 6, giá gạo thế giới có nhích lên, nhưng do giá gạo Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn so với một số quốc gia xuất khẩu khác nên được các đối tác tìm mua nhiều hơn.

Cụ thể, nếu như đầu tháng 5-2016, giá gạo 5% của Việt Nam chào bán chỉ ở mức 350-354 USD/tấn thì gạo Thái Lan đã ở mức 390 USD/tấn, gạo Ấn Độ cũng 388 USD/tấn, Pakistan đã dao động 408-412USD/tấn. Chính nhờ lợi thế giá bán quá mức “cạnh tranh” này nên gạo Việt được các đối tác nước ngoài tìm mua vào ào ạt, đẩy sản lượng xuất khẩu gạo tăng cao.

* Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng về xuất khẩu gạo

Theo nhận định của các chuyên gia lúa gạo quốc tế, giá gạo trên thị trường thế giới sẽ còn tăng khoảng 20 USD/tấn trong những tháng tới đây do nhu cầu tăng mà nguồn cung vẫn còn hạn chế.

Tại Việt Nam, theo VFA, từ tháng 5-2017 đến nay, nhu cầu các hợp đồng tập trung tăng cao và số lượng có khả năng lên đến 880 nghìn tấn; trong đó, có khoảng 770 nghìn tấn dự kiến được các nước nhập khẩu và nhận giao hàng từ nay đến tháng 8-2017.

Thị trường xuất khẩu gạo đang sôi động trở lại rõ rệt sau những trầm lắng hồi đầu năm khiến nhiều doanh nghiệp trong nước chủ động trữ gạo để chờ giá lên cao. Ðồng thời, do giá gạo xuất khẩu được đẩy lên cho nên giá lúa gạo hàng hóa loại chất lượng cao ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã tăng lên đáng kể.

Cụ thể, so với hồi đầu tháng 5, đầu tháng 6-2017, giá lúa khô hạt dài đã tăng 250 đồng/kg, gạo nguyên liệu loại một tăng 550 đồng/kg, gạo thành phẩm 5% tấm tăng 550 đồng/kg.

Để duy trì mức giá này hoặc tăng cao hơn nữa cho lúa gạo hàng hóa cũng như gạo xuất khẩu, theo Chủ tịch VFA Huỳnh Thế Năng thì ngoài việc phản ứng nhanh với các biến động trên thị trường lúa gạo thế giới cả về cung - cầu, giá cả từng thời điểm thì cũng phải nắm rõ tình hình sản xuất lúa gạo trong nước về sản lượng và chất lượng. Từ đó có thể điều hành thu mua và xuất khẩu có lợi cho cả nông dân và doanh nghiệp.

Nhìn nhận từ vấn đề thị trường xuất khẩu, chuyên gia lúa gạo Nguyễn Ðình Bích nhận định: Trong sáu tháng qua, Trung Quốc vẫn giữ vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 46,5% thị phần. Chúng ta luôn hiểu đây là một thị trường tiềm năng nhưng cũng đầy rủi ro, nhất là khi Trung Quốc đã "chốt" danh sách doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu gạo qua thị trường này cũng như đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, đa dạng hóa thị trường luôn luôn phải là "kế sách" cao nhất đối với xuất khẩu gạo của nước ta.

Bên cạnh đó, một vấn đề cần được nhấn mạnh theo thời gian là không nên trông chờ quá nhiều vào các hợp đồng tập trung mà cần đẩy mạnh tìm kiếm các hợp đồng thương mại, đồng thời tăng cường xuất khẩu gạo chất lượng cao, giá cao thay vì xuất khẩu các loại gạo phẩm cấp thấp, giá thấp như nhiều năm nay.

Năm 2017, xuất khẩu gạo của Việt Nam dự kiến sẽ đạt khoảng 5,7 triệu tấn. Với những tín hiệu lạc quan trên thị trường xuất khẩu gạo vài tháng trở lại đây cùng mức giá được kỳ vọng sẽ còn tăng trong thời gian tới thì mục tiêu đặt ra không quá xa.

Tuy nhiên, theo phân tích bao giờ cũng vậy, những tháng cuối năm thường chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nhiều ngành hàng, trong đó có ngành lúa gạo. Từ đó dẫn đến nhiều kết quả trái chiều - có thể là "đột phá" nhưng cũng có thể là "bước lùi" so với hiện tại.

Chính vì vậy, các ngành chức năng, các doanh nghiệp xuất khẩu cần theo dõi sát diễn biến của thị trường lúa gạo và chính sách chiến lược của các nước xuất khẩu, nhập khẩu gạo trên thế giới để có những định hướng hợp lý, đúng thời điểm cho xuất khẩu gạo của Việt Nam nửa cuối năm 2017./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục