Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển thị trường tín chỉ carbon

20:09' - 31/05/2024
BNEWS Việt Nam có diện tích rừng rất lớn, tiềm năng lớn để phát triển thị trường tín chỉ carbon đặc biệt từ rừng nông nghiệp và năng lượng Việt Nam.

Trồng 1 triệu ha rừng, quản lý phát triển rừng bền vững theo tiêu chuẩn châu Âu tại Việt Nam là mục tiêu của dự án Giảm thiểu carbon dioxide CO2 vừa được Công ty cổ phần tập đoàn Ecotree Việt Nam (Ecotree Group) và Công ty NGUYEN GmbH Châu Âu (Cộng hòa Liên bang Đức) ký cam kết và công bố thực hiện vào chiều 31/5 tại Tp. Hồ Chí Minh.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree, chiến lược của Ecotree Group là thu hút vốn đầu tư (FDI) vào Việt Nam đóng góp tích cực phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng GDP cho đất nước.

 

Đến nay, Ecotree đã làm việc với 16 tỉnh, thành phố trên cả nước; trong đó có 6 tỉnh đã chấp thuận chủ trương đề xuất khảo sát xây dựng thí điểm đề án tín chỉ carbon rừng trồng, rừng tự nhiên. Một số tỉnh như Cà Mau, Gia Lai, Bình Định, các chuyên gia của Ecotree đã bắt đầu triển khai việc khảo sát trên thực địa, làm cơ sở cho việc ký kết hợp tác với các đơn vị chủ rừng trên địa bàn.

“Để lập được hồ sơ xác nhận tín chỉ carbon, Ecotree chịu trách nhiệm chi phí đầu tư 100% vốn triển khai thực hiện trồng mới trên đất trống, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, diện tích xúc tiến tái sinh có trồng rừng phòng hộ và đặc dụng của các chủ rừng. Đồng thời cải tạo, chăm sóc, quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế. Ecotree cam kết không thu hồi lại vốn đầu tư; không thu hồi chi phí và không yêu cầu ban quản lý rừng, chính quyền địa phương cho thuê đất và sử dụng đất”, ông Tùng khẳng định.

Qua thực địa khảo sát bước đầu tại các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Trung Tây nguyên, ông Raphael Thomas, chuyên gia khoa học về môi trường, thành viên Tổ chức hợp tác Đức - WHO nhận định Việt Nam có diện tích rừng rất lớn, tiềm năng lớn để phát triển thị trường tín chỉ carbon đặc biệt từ rừng nông nghiệp và năng lượng Việt Nam.

Khái quát về quy trình và phương thức thực hiện dự án, ông Raphael Thomas ước tính ban đầu sản lượng CO2 sản xuất ra khoảng 12 triệu tấn trên mỗi năm (còn gọi là "tín chỉ carbon dioxide CO2") và doanh thu ước khoảng 120 triệu Euro/năm, tương đương 3.310 tỷ đồng Việt Nam.

Đánh giá cao dự án Giảm thiểu carbon dioxide CO2, ông Trương Thanh Hà, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho rằng, việc thực hiện tốt không chỉ mang lại  "tín chỉ carbon dioxide CO2" mà còn tạo môi trường sinh thái tốt hơn, đồng thời qua dự án sẽ hỗ trợ tăng thu nhập cho người dân trồng rừng, giữ rừng được tốt hơn.

Tuy nhiên, ông Hà cũng đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện dự án cần lập phương án cụ thể, nêu rõ quy trình, giải pháp thực hiện để từ đó trình lãnh đạo tỉnh phê duyệt…

Theo Ecotree Group, dự án Giảm thiểu carbon dioxide CO2 sẽ bắt đầu triển khai trong năm 2024 và sẽ có khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện theo từng giai đoạn và đặt mục tiêu  tầm nhìn đến năm 2050./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục