Việt Nam đang tập trung nguồn lực cho các điểm "nóng" phòng chống COVID-19

21:07' - 27/05/2021
BNEWS Việt Nam đang tập trung nguồn lực cho các điểm "nóng" phòng chống COVID-19 như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngày 27/5, Việt Nam ghi nhận thêm 230 ca mắc mới gồm 3 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội và Sóc Trăng; 227 ca ghi nhận trong nước; trong đó tập trung nhiều nhất ở Bắc Giang (128 ca); Bắc Ninh (52 ca); Thành phố Hồ Chí Minh (36 ca)...

Tám tỉnh gồm Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới

Cả nước hiện có 2.853 ca được điều trị khỏi; 46 ca tử vong có liên quan đến COVID-19.

Trong ngày, Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) đã thông báo về ca tử vong 46 do liên quan đến COVID-19 ở nước ta. Người tử vong là bệnh nhân 3881 (nam, 81 tuổi), trú ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Bệnh nhân tử vong vào hồi 22 giờ 31 phút ngày 26/5 vì sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi do SARS-CoV-2, biến chứng suy hô hấp tiến triển, nhiễm khuẩn huyết trên bệnh nhân cao tuổi.

Tính đến ngày 26/5, Việt Nam đã tiêm chủng 1.034.867 mũi vaccine phòng COVID-19 đợt 1 và 2 cho những người thuộc diện ưu tiên; trong đó có 28.522 người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19.

* Cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh

Sáng 27/5, phát biểu tại Lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức và đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài tùy theo điều kiện, khả năng mà tham gia ủng hộ vật chất và tinh thần, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chiến thắng dịch COVID-19.

Buổi lễ do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tuyến trong toàn quốc nhằm vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước tiếp tục chung tay cùng cả hệ thống chính trị đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Chiều 27/5, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Lễ quyên góp ủng hộ Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai dự và tham gia ủng hộ Quỹ.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19, ngày 27/5,  Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Chủ tịch nước đã phát động toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khu vực hành chính tham gia ủng hộ với tinh thần tự nguyện, tối thiểu mỗi người một ngày lương.

Tổng số tiền ủng hộ là 445 triệu đồng (Văn phòng Trung ương Đảng 195 triệu đồng, Văn phòng Chính phủ 150 triệu đồng và Văn phòng Chủ tịch nước 100 triệu đồng).

* Tăng cường năng lực điều trị cho bệnh nhân COVID-19

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, cho biết, qua thực tế kiểm tra hơn 200 nhà máy, doanh nghiệp, Đoàn công tác Bộ Y tế nhận thấy còn hạn chế trong công tác phòng, chống dịch tại một số nhà máy, doanh nghiệp ở một số địa phương.

Một số địa phương chưa xây dựng hoặc chưa xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch phòng, chống dịch tại khu công nghiệp và của từng nhà máy.

Công tác kiểm tra, giám sát và yêu cầu duy trì người lao động đến làm việc tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch còn hạn chế. Việc cập nhật lên Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19 mới chỉ đạt 5-10% trong số các doanh nghiệp, nhà máy được kiểm tra.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến tập huấn Hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu công nghiệp cho 63 tỉnh, thành phố trong cả nước do Bộ Y tế tổ chức ngày 27/5.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị cho biết, phân tích lâm sàng gần 3.000 ca bệnh COVID-19 cho thấy, có tới 50,5% số bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng.

Trong số 44,8% bệnh nhân biểu hiện lâm sàng, có 99 trường hợp thở ô xy gọng kính; 0,5% thở máy không xâm nhập (15 ca); 0,7% thở máy xâm nhập (19 ca) và bốn ca ECMO, chiếm 0,1%.

Tỷ lệ bệnh nhân F0 đang tăng lên rất nhanh trong thời gian qua tại Bắc Giang và Bắc Ninh, tạo ra áp lực rất lớn cho công tác điều trị. Do đó, việc tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 tại tất cả các cơ sở y tế là việc cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

* Hướng đến thực hiện mục tiêu tiêm vaccine sớm cho người dân

Ngày 27/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Hà Nội đang cần hơn 1.000 tỷ đồng để thực hiện mục tiêu tiêm vaccine phòng COVID-19 miễn phí cho người dân Thủ đô trong đợt đầu.

Với gần 10 triệu dân thì cần khoảng 5 - 6 triệu liều vaccine và đây có thể nói là công việc cấp bách, cần huy động tổng lực từ mọi nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm, đặc biệt là các doanh nghiệp, doanh nhân mạnh trên địa bàn Thủ đô.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam vừa ra lời kêu gọi và đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong toàn quốc mua vaccine để tiêm phòng dịch COVID-19 cho công nhân lao động tại doanh nghiệp, vì sức khỏe của người lao động, vì sự an toàn và phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Chiều 27/5, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh phát động việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân tại Công ty TNHH Funing Precision Component – Tập đoàn KHKT Hồng Hải của tỉnh Bắc Ninh.

Sau lễ phát động, 100 công nhân của công ty được tiêm vaccine phòng COVID-19. Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đang lập kế hoạch triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân trên địa bàn toàn tỉnh. Ước tính, khoảng 90.000 công nhân sẽ được tiêm vaccine trong thời gian tới.

Tỉnh Bắc Giang cũng sẽ bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 300 công nhân của Công ty Phú Hồng trong chiều 27/5. Hiện, tỉnh Bắc Giang đang khẩn trương lập kế hoạch triển khai tiêm vaccine cho công nhân trên địa bàn toàn tỉnh. Ước tính, khoảng 150.000 công nhân sẽ được tiêm vaccine  thời gian tới.

* Tăng hỗ trợ cho các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch

Bộ Y tế đã quyết định thành lập bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại Bắc Ninh.Theo Quyết định số 2593/QĐ- BYT, Bộ phận thường trực gồm 21 thành viên do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên làm Trưởng Bộ phận.

Trong sáng 27/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã kêu gọi lãnh đạo 125 trường đại học và cao đẳng y, dược trên toàn quốc hỗ trợ nhân lực cho công tác phòng, chống dịch tại Bắc Giang và Bắc Ninh.

Tính đến 12 giờ ngày 27/5, có 34 cơ sở đào tạo đã thông báo với Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo Bộ Y tế có 23.888 cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên đăng ký tình nguyện sẵn sàng tham gia hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 khi được huy động.

Theo thông tin từ Binh chủng Hóa học, trong hai ngày 27 - 28/5, đơn vị tổ chức phương tiện, lực lượng phun khử trùng, tiêu độc tại tỉnh Bắc Ninh, tập trung tại địa bàn các huyện: Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình.

Binh chủng Hóa học huy động 120 cán bộ, chiến sĩ, 15 xe đặc chủng tiêu tẩy đa năng hiện đại, bình phun khử khuẩn đặc chủng để tham gia thực hiện nhiệm vụ tại các tuyến đường liên thôn, liên xã, khu phố, đường làng, ngõ xóm; khu vực cách ly, phong tỏa, khu công nghiệp... tại địa bàn các huyện trên. Liều lượng dung dịch cloramin B sử dụng pha theo quy chuẩn của Bộ Y tế, được phun với mật độ 0.5 lít dung dịch/m2./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục