Việt Nam được đánh giá cao về tư duy cải cách

18:54' - 12/04/2024
BNEWS Nhờ sự gắn kết chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và ưu tiên thực hiện khẩn trương ngay trong quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về tư duy cải cách.

Việt Nam đã tương đối thành công trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn và an sinh xã hội. Đây là nền tảng quan trọng để quyết liệt hơn với những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chất lượng và bền vững.

Vì vậy, bên cạnh giải pháp tài khóa và tiền tệ cần phải quyết liệt đổi mới tư duy. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không còn được nhìn nhận một cách rời rạc mà có sự gắn kết tương hỗ với nhau và được ưu tiên thực hiện khẩn trương ngay trong quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế. Nhờ đó, Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về tư duy cải cách.

Thông tin này được các đại biểu đưa ra Diễn đàn doanh nghiệp năm 2024 với chủ đề "Khơi thông động lực tăng trưởng mới" do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 12/4 tại Hà Nội.

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng phát biểu. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết: Trong quý đầu của năm 2024, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan và đang dần lấy lại đà tăng trưởng. Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, vượt kịch bản đề ra và là mức tăng cao nhất trong quý I kể từ năm 2020 đến nay. Các động lực tăng trưởng truyền thống đều diễn biến tích cực; các khu vực quan trọng của nền kinh tế như nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ tiếp tục hồi phục. Hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu chuyển biến tốt, nền kinh tế ghi nhận gần 60 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng so với cùng kỳ năm 2023.
 

Những kết quả đạt được trong những tháng đầu năm có ý nghĩa quan trọng, tạo đà cho sự phục hồi và phát triển trong những quý còn lại của năm 2024 - năm tăng tốc để hoàn thành cao nhất mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 2021-2025 và là giai đoạn nền tảng giữa kỳ hướng tới mục tiêu phát triển đến năm 2030.

Theo ông Phòng, Nghị quyết 58/NQ – CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 đã và đang được các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt nhằm tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp; qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đưa kinh tế xã hội phát triển. Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo động lực phát triển mới là quá trình chuyển đổi về tư duy, nhận thức và hành động. Bên cạnh những thuận lợi, thời cơ là khó khăn, thách thức đan xen; nhất là nguồn lực đầu tư.

Việc khôi phục động lực tăng trưởng truyền thống và khơi thông, tận dụng hiệu quả động lực tăng trưởng mới hướng đến phát triển bao trùm, bền vững trở thành yêu cầu mang tính cấp bách và chiến lược lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Tại diễn đàn, TS.Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, kinh tế toàn cầu và Việt Nam phát triển, tăng trưởng trong bối cảnh tiếp tục có sự đan xen của khó khăn và thuận lợi. Với cách tiếp cận toàn diện, kết hợp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được không ít kết quả kinh tế-xã hội tích cực trong quý I/2024.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Nếu duy trì tốt đà phục hồi trong các tháng cuối năm, Việt Nam có thể hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024. Mặt khác, lạm phát tại Việt Nam tương đối ổn định; nhà đầu tư nước ngoài duy trì niềm tin và sự lạc quan với thị trường Việt Nam.

Đặc biệt, khu vực kinh tế trong nước đã đạt mức tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng nhập khẩu cao hơn so với khu vực đầu tư nước ngoài cho thấy năng lực thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp trong nước ngay cả trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn, bất định, đóng góp vào đà phục hồi tăng trưởng xuất khẩu của cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, TS. Hồng Minh lưu ý một số diễn biến để tập trung xử lý như triển vọng kinh tế thế giới còn khá nhiều bất định, nhiều nước gia tăng quy định nhằm thúc đẩy chuỗi giá trị giảm phát thải carbon, ảnh hưởng đến khả năng thâm nhập của hàng xuất khẩu ở Việt Nam.

Cùng đó, giải ngân tín dụng còn tương đối chậm; chi phí của một số hàng hóa, dịch vụ đầu vào chịu áp lực tăng. Việc thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho người lao động ở khu vực doanh nghiệp có thể làm tăng chi phí lao động. Trong khi đó, dù đã có nhiều giải pháp chính sách, năng suất lao động chưa được cải thiện ở mức tương xứng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục