Việt Nam - Hoa kỳ hợp tác ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp

20:38' - 20/10/2017
BNEWS Ngày 20/10, hội thảo “Hợp tác ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ” đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh minh họa: Quân Trang-TTXVN

Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin sẽ mang lại hiệu quả cao cho ngành nông nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể phát huy tiềm năng hợp tác lĩnh vực này với Hoa Kỳ để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Đây là trọng tâm của hội thảo “Hợp tác ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ” do Liên minh các doanh nghiệp gia công xuất khẩu phần mềm Việt Nam tổ chức ngày 20/10 tại Tp. Hồ Chí Minh.
Theo ông Từ Minh Thiện, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh, ứng dụng công nghệ thông tin vào nông nghiệp có rất nhiều nội dung, tuy nhiên Việt Nam mới chủ yếu tập trung nâng cao năng suất; truy xuất nguồn gốc; tiếp cận thị trường và chuỗi giá trị.

Trong khi đó, nhiều nội dung còn lại mà thế giới đang triển khai như ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp cận dịch vụ tài chính; quản lý đất đai, rủi ro; hỗ trợ nông hộ quy mô nhỏ… chúng ta còn khiêm tốn.
Trên thực tế, ở các nội dung Việt Nam đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào nông nghiệp cũng gặp nhiều thách thức. Ông Nguyễn Khắc Minh Trí, Giám đốc Mimosa Tek cho rằng, hầu hết các hộ trong nước sản xuất nông nghiệp ở quy mô nhỏ, diện tích đất không lớn và khả năng tiếp cận công nghệ chưa cao.

Việc đưa nguyên mô hình ứng dụng của nước ngoài về thì chưa phù hợp, trong khi đợi doanh nghiệp về nước đầu tư lại tốn thời gian. Việc đơn giản trước mắt là kết nối họ với thị trường, chuỗi giá trị trong nước và thế giới.
Là một trung tâm về sản xuất nông nghiệp của cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long đã có ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành như xây dựng một số cơ sở dữ liệu, hệ thống quản lý, bản đồ cảnh báo dịch hại, bản đồ vùng nuôi cá tra… 

Hiện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ đang triển khai mô hình thương mại điện tử, xây dựng trung tâm logistic cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của vùng; cùng với đó là liên kết các chương trình khởi nghiệp tại địa phương, nhất là các ý tưởng khởi nghiệp công nghệ.
Ông Từ Minh Thiện nhấn mạnh, quan trọng là phải giúp nông dân không cần trực tiếp sản xuất nhưng vẫn có thể quản lý bằng công nghệ và tiếp cận nhanh hơn với thị trường.

Hiện Khu Nông nghiệp công nghệ cao và Công viên Phần mềm Quang Trung đang thúc đẩy các nhu cầu, sáng kiến và giải pháp để nông dân tiếp cận chuỗi giá trị hiệu quả hơn. Việc kết nối với các diễn đàn như Diễn đàn Silicon Valley (Hoa Kỳ) là một động thái tích cực.
Tại hội thảo, các chuyên gia Hoa Kỳ cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai nông nghiệp công nghệ cao tại Hoa Kỳ và các triển vọng hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Chuyên gia nông nghiệp Gerald Smith (Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Tp. Hồ Chí Minh) cho rằng, đây là thời điểm thích hợp khi Việt Nam thực hiện lồng ghép công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp.
"Chúng tôi sẽ giúp nhận diện rào cản, thúc đẩy hợp tác hai bên, đây là yếu tố cốt lõi trong hợp tác giữa hai nước. Từ đó hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng tính cạnh tranh bằng cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất. Việt Nam là thị trường tiềm năng của Hoa Kỳ và chúng ta còn một chặng đường dài để đi tiếp", ông Gerald Smith nói.
Từ thực tế, các chuyên gia dẫn chứng, Hoa Kỳ chỉ có 1% dân số làm nông nghiệp nhưng họ đủ cung cấp cho thị trường trong nước thậm chí còn xuất khẩu ra thế giới, chính nhờ thông qua ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Họ đưa những công nghệ mới giúp chuẩn đoán được tình trạng sức khỏe của đất và cây trồng, chọn vùng đất đó thích hợp với cây trồng, thông tin thị trường nông sản… Đó là vấn đề giúp người nông dân họ quen dần với cách tiếp cận với thị trường thế giới cũng như cách làm ăn của thế giới, chuỗi cung ứng của thế giới.
Hiện nay, ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp đã trở thành những khoản đầu tư phổ biến trong các nhà đầu tư thung lũng Silicon truyền thống.
Theo ông Klaus Wehage, Trưởng bộ phận Quan hệ Công chúng Diễn đàn Silicon Valley (Hoa Kỳ), điều này cho thấy nông nghiệp công nghệ cao đang mang về lợi nhuận lớn.

Các tập đoàn nông nghiệp đang tham gia nhiều hơn vào đầu tư vào lĩnh vực này và trong chiến lược này họ tiếp cận với các công ty mới khởi nghiệp để phát triển. Đối với Việt Nam, các doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ để giải quyết bài toán giảm lao động và chi phí trong tương lai.
Các chuyên gia nhận định, việc hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực nông nghiệp còn khá hạn chế, bởi chúng ta đang ứng dụng công nghệ từ Israel, Hà Lan, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) là chủ yếu.
Tuy nhiên, với Diễn đàn Silicon Valley, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhận được những giải pháp, công nghệ của các doanh nghiệp đã và đang ứng dụng tại Hoa Kỳ và trên thế giới, để giải quyết những vướng mắc của chúng ta.

Khi kết nối hợp tác, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhận chuyển giao công nghệ hoặc liên doanh giữa hai bên… giúp doanh nghiệp không phải triển khai, nghiên cứu lại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục