Thắt chặt liên kết để tăng kim ngạch thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ

10:18' - 06/06/2016
BNEWS Sau 21 năm bình thường hóa, quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả và ổn định. Hoa Kỳ đã trở thành đối tác thương mại, nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam.
Tổng thống Obama trong chuyến thăm Việt Nam mới đây. Ảnh: Văn Đạt-TTXVN

Điều này phản ánh nét tiêu biểu nhất trong quan hệ kinh tế hai nước cả về quy mô và gia tăng tốc độ phát triển kinh tế. 

Đặc biệt, sau chuyến thăm mới đây của Tổng thống Mỹ Barrack Obama không chỉ có mục đích kỷ niệm quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước mà còn thúc đẩy tầm nhìn chung của tương lai. Điều này cho phép Việt Nam lạc quan về sự tăng trưởng kinh tế vững chắc trong thời gian tới.

* Lạc quan với thị trường

Từ KFC, Coca Cola hay các công ty mới đầu tư như Burger King, Starbuck… có thể thấy, số lượng các công ty, doanh nghiệp và tập đoàn của Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam đang ngày một nhiều hơn, với số vốn lớn hơn và quy mô ngày càng rộng mở. Mối quan hệ về kinh tế giữa hai quốc gia đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác hơn trong các lĩnh vực khác.

Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1995 và trở thành đối tác toàn diện vào năm 2013, Việt Nam và Hoa Kỳ đang ngày càng liên kết chặt chẽ với nhau hơn, từ ngoại giao, thương mại, kinh tế đến việc xử lý những vấn đề khu vực và thế giới mà cả hai bên cùng quan tâm.

Starbuck là một trong số các công ty, doanh nghiệp và tập đoàn của Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian gần đây. Ảnh: TTXVN

Theo Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương), trong 4 tháng đầu năm 2016, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam (chỉ đứng sau Trung Quốc) với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 13,92 tỷ USD, chiếm 13,3% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 11,45 triệu USD, nhập khẩu từ Hoa Kỳ 2,47 triệu USD. Như vậy, Việt Nam đạt mức thặng dư thương mại với Hoa Kỳ 8,98 tỷ USD, tăng 1,48 tỷ USD so với cùng kỳ.

Nhận định về quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, kim ngạch thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ có thể đạt tới một tầm cao mới bởi một loạt các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư song phương đã được lãnh đạo hai nước đưa ra bàn thảo và thống nhất.

Đặc biệt, một số vấn đề doanh nghiệp hai bên có tranh chấp đã có hướng giải quyết thỏa đáng và sẽ cùng hợp tác chặt chẽ để giải quyết tất cả vấn đề phát sinh với tiêu chí tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, phù hợp với các quy định,̀ cam kết quốc tế và phản ánh mối quan hệ kinh tế – thương mại song phương đang ngày càng phát triển.

Do vậy, có thể khẳng định trong 10 năm tới, tốc độ tăng trưởng trên vẫn được đảm bảo.

Với những thuận lợi sẵn có, Việt Nam đang tập trung vào 7 nhóm hàng chủ lực xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ có kim ngạch trên 1 tỷ USD, bao gồm: hàng dệt may, giày dép các loại, gỗ và sản phẩm từ gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng thủy sản, nông sản, điện thoại các loại và linh kiện.

Một tín hiệu đáng mừng hơn cả là mới đây tại buổi tiếp Đại sứ Michael Froman, Trưởng đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có sự cải thiện nhanh chóng và phát triển mạnh mẽ không chỉ về kinh tế, thương mại mà còn ở các lĩnh vực khác.

Đặc biệt, khi một loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã và đang được ký kết sẽ là lực đẩy tạo ra dòng chảy thương mại giữa các quốc gia và các đối tượng tham gia.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mang lại những thuận lợi vô cùng lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Cũng theo Bộ trưởng, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mang lại những thuận lợi vô cùng lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Chẳng hạn, các mặt hàng quan trọng nhạy cảm của Việt Nam như gạo, cà phê, hạt tiêu, rau quả, mật ong đều được hưởng ưu đãi thuế.

Đối với các quốc gia khác trong TPP như Canada việc xóa bỏ các dòng thuế cũng lên tới 94,9%, thị trường Mexico cũng được xóa bỏ 77,2% dòng thuế khi hiệp định có hiệu lực…

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều công việc để có thể đảm bảo trình Quốc hội ngay tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 7 năm 2016.

Cùng với đó, Hoa Kỳ đánh giá cao các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và cho biết, TPP là một Hiệp định có tiêu chuẩn cao và toàn diện nên việc thực thi đòi hỏi tất cả các nước tham gia cần có nỗ lực.

Do vậy, các nước TPP có trình độ phát triển cao hơn; trong đó có Hoa Kỳ, sẵn sàng có hỗ trợ cần thiết để Việt Nam có đủ năng lực thực thi Hiệp định.

* Chuẩn bị hành trang

Chia sẻ thêm niềm vui khi Việt Nam và Hoa Kỳ đang tiếp tục xây đắp con đường hợp tác kinh tế thương mại thông qua TPP, ông Khiên cho rằng, với bản chất là một hiệp định thương mại tự do đa phương, TPP hứa hẹn sẽ là cơ sở để thúc đẩy mạnh mẽ sự tăng trưởng thương mại giữa các nước thành viên, đặc biệt là Việt Nam.

Tuy nhiên, để hưởng lợi, Việt Nam cần từng bước thay đổi cơ cấu xuất khẩu, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu để từng bước gia tăng hàm lượng giá trị trong mỗi sản phẩm xuất khẩu của mình.

Dự báo, khi Hiệp định TPP có hiệu lực thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ có thể tăng trên 20%. Theo ước tính của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ có thể đạt tới 22 tỷ USD vào năm 2020.

Còn theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đàm phán các Hiệp định thương mại và mở cửa thị trường mới chỉ dừng lại ở một câu chuyện cứ không thể lồng ghép cả sản xuất và xuất khẩu vào trong đó. Hơn nữa, muốn tăng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ cần cuộc cách mạng về đổi mới của cộng đồng doanh nghiệp.

Chính vì vậy, điều kiện tiên quyết đối với sản xuất kinh doanh là phải chuyên môn hóa cao và đặt mục tiêu về tiêu chuẩn an toàn và vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu. Ngoài ra, Chính phủ và chính quyền địa phương cũng cần hỗ trợ thêm việc cải cách thể chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi tối ưu cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, thì việc thực hiện một chiến lược marketing xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ là điều phải tính đến trước tiên. Ảnh: TTXVN

Để tăng cường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào Hoa Kỳ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khuyến cáo, doanh nghiệp phải tự trang bị cho mình năng lực hoạt động hiệu quả trong môi trường kinh doanh của kinh tế thị trường.

Do vậy, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp cần bắt đầu bằng việc xây dựng và triển khai các chiến lược kinh doanh hiệu quả dựa trên việc phân tích và đánh giá đúng những điểm mạnh, yếu, cơ hội và thách thức, vị thế của doanh nghiệp hiện tại và đích cần đạt tới...

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, thì việc thực hiện một chiến lược marketing xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ là điều phải tính đến trước tiên. Đây là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu bền vững sang thị trường Hoa Kỳ cũng là góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục