Việt Nam nỗ lực giải quyết tình trạng kháng thuốc kháng sinh

19:30' - 19/11/2018
BNEWS Đến năm 2050, mỗi năm sẽ có khoảng 5 triệu người châu Á tử vong do kháng thuốc kháng sinh.
Các loại thuốc trưng bày tại Lile, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Kháng kháng sinh xảy ra tự nhiên, nhưng việc sử dụng kháng sinh không đúng ở người và động vật đang đẩy nhanh quá trình kháng kháng sinh. Kháng kháng sinh đã trở thành một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu và sự phát triển. 

* “Một vấn đề khẩn cấp về y tế toàn cầu” 

Kháng kháng sinh đã trở thành một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu và sự phát triển. Kháng kháng sinh đang gia tăng mức độ nguy hiểm ở tất cả các nơi trên thế giới, ảnh hưởng đến khả năng điều trị các bệnh nhiễm trùng và làm suy yếu nhiều tiến bộ trong sức khỏe và thuốc điều trị, đòi hỏi phải có nỗ lực tổng hợp nhằm giúp nhân loại tránh khỏi cảnh quay trở lại thời kỳ chưa có kháng sinh. 

Theo thông tin được đăng tải trên trang web của Liên hợp quốc, đến năm 2050, mỗi năm sẽ có khoảng 5 triệu người châu Á tử vong do kháng thuốc kháng sinh. Cảnh báo này được đưa ra trong ngày phát động Tuần lễ Nhận thức kháng sinh thế giới (WAAW) ở châu Á và Thái Bình Dương. Trong tuần lễ này, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế thế giới và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đã kêu gọi nâng cao trách nhiệm trong việc sử dụng thuốc kháng sinh ở người, động vật và trong ngành nông nghiệp. 

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong ngành nông nghiệp đã dẫn tới tình trạng nhiều loại thuốc kháng sinh hiện nay không còn hiệu quả trong việc chống nhiễm trùng. 

Liên hợp quốc cảnh báo, số lượng người thiệt mạng do kháng thuốc có thể sẽ cao hơn số người tử vong do bệnh ung thư. Vì vậy, Liên hợp quốc gọi tình trạng kháng thuốc là “một vấn đề khẩn cấp về y tế toàn cầu” và cần phải được ưu tiên giải quyết như phòng chống dịch Ebola và HIV. 

* Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh 

Năm 2018, thực hiện khẩu hiệu "Kháng sinh: sử dụng có trách nhiệm" trong "Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh”, Việt Nam thực hiện cách tiếp cận mới trong truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh. 

Phát biểu tại buổi mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh” (ngày 13-11-2018), Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, với mục đích nâng cao nhận thức của cả học sinh, sinh viên các trường, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các cơ sở đào tạo trong công tác chống kháng kháng sinh, Bộ Y tế tổ chức ba sự kiện mít tinh trong tuần lễ tại ba trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội và Đại học Y Hải Phòng. Buổi mít tinh sẽ tiếp tục giúp lan tỏa các thông tin tới toàn thể cộng đồng trên khắp cả nước, để mọi người cùng nhau tìm hiểu, nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh, đặc biệt là tầm quan trọng của việc sử dụng kháng sinh đúng cách và có trách nhiệm. 

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia đi tiên phong trong cuộc chiến chống lại kháng thuốc; thông qua Kế hoạch hành động quốc gia về kháng thuốc (AMR).

Kể từ năm 2013, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phù hợp với Kế hoạch hành động toàn cầu của WHO về kháng thuốc: nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng và nhân viên y tế về kháng thuốc; thiết lập một mạng lưới giám sát tại 16 bệnh viện để theo dõi vi khuẩn kháng thuốc; theo dõi tiêu thụ kháng sinh; thực hiện Chương trình quản lý kháng sinh trong bệnh viện; tăng cường quy định về thuốc kháng sinh trên thị trường; thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn. 

Năm 2015 các bộ gồm: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thương mại và Bộ Tài nguyên môi trường đã ký kết Bản ghi nhớ (Aide Memoire) thể hiện cam kết mạnh mẽ, phối hợp của các bộ, ngành, để giải quyết vấn đề kháng thuốc trên các lĩnh vực. 

* Bộ Y tế kêu gọi 

- Đối với mỗi người dân 

Chỉ sử dụng kháng sinh khi được kê đơn bởi bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Không bao giờ yêu cầu thuốc kháng sinh nếu nhân viên y tế nói không cần sử dụng kháng sinh; Luôn làm theo lời khuyên của nhân viên y tế khi sử dụng thuốc kháng sinh; Không bao giờ chia sẻ cho người khác hoặc dùng các kháng sinh còn dư thừa. 

Ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách rửa tay thường xuyên, chế biến thức ăn hợp vệ sinh, tránh tiếp xúc gần gũi với người bệnh, thực hành quan hệ tình dục an toàn, và tiêm vaccine đầy đủ. 

- Đối với các nhân viên và cơ sở y tế 

Đảm bảo bàn tay, dụng cụ và môi trường cơ sở y tế sạch sẽ để ngăn ngừa nhiễm trùng. Chỉ kê đơn và cấp phát kháng sinh khi cần thiết, theo hướng dẫn chuyên môn hiện hành. 

Báo cáo về các vi khuẩn kháng kháng sinh cho các cơ sở tham gia giám sát kháng thuốc. Tư vấn cho bệnh nhân về sử dụng kháng sinh đúng cách, kháng kháng sinh và nguy cơ khi sử dụng kháng sinh không đúng. 

Hướng dẫn bệnh nhân, người dân về việc ngăn ngừa nhiễm trùng (như tiêm chủng, rửa tay, quan hệ tình dục an toàn hơn, và che mũi và miệng khi hắt hơi). 

- Đối với các học sinh, sinh viên trường đại học y, dược 

Trang bị kiến thức và hiểu biết đầy đủ về kháng kháng sinh, hướng dẫn chuyên môn về chẩn đoán, điều trị, thực hành khám bệnh, chữa bệnh để tuyên truyền cho gia đình, cộng đồng, xã hội về kháng kháng sinh và sau này trở thành người thực hiện kê đơn kháng sinh đúng, an toàn cho người bệnh và toàn xã hội. 

- Đối với các nhà thuốc 

Chỉ bán thuốc kháng sinh theo đơn của bác sĩ. 

Cung cấp kháng sinh có chất lượng. 

Tư vấn cho bệnh nhân, người dân về sử dụng kháng sinh đúng cách, nguy cơ khi sử dụng kháng sinh không đúng. 

- Đối với các cơ sở, người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản 

Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh cho động vật dưới sự giám sát của bác sĩ thú y. Không sử dụng thuốc kháng sinh để thúc đẩy tăng trưởng hoặc phòng ngừa bệnh ở những động vật khỏe mạnh. 

Tiêm vaccine cho động vật để giảm nhu cầu dùng kháng sinh và sử dụng các sản phẩm thay thế kháng sinh. 

Thúc đẩy và áp dụng các thực hành tốt trong sản xuất và chế biến thực phẩm. 

Cải thiện an toàn sinh học trong các trang trại và ngăn ngừa nhiễm khuẩn thông qua cải thiện vệ sinh và bảo vệ, chăm sóc động vật./ 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục