Việt Nam tích cực triển khai các sáng kiến tài chính, ngân hàng của ASEAN

10:13' - 10/04/2025
BNEWS Theo Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng, Việt Nam sẽ tục cải cách hành chính, đảm bảo sự đồng bộ và ổn định các quy định pháp luật, thúc đẩy hội nhập kinh tế – tài chính trong khuôn khổ ASEAN,

Ngày 9/4, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 12 (AFMGM 12) tại Kuala Lumpur, Đoàn đại biểu Bộ Tài chính Việt Nam do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng dẫn đầu và Đoàn đại biểu Ngân hàng Nhà nước do Phó Thống đốc Nguyễn Đức Cảnh dẫn đầu đã có nhiều đóng góp tại hội nghị. Đây là các sự kiện thường niên trong khuôn khổ chuỗi Hội nghị cấp cao về hợp tác tài chính, ngân hàng ASEAN nhằm chia sẻ quan điểm và trao đổi về các vấn đề mang tính chiến lược của khu vực.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Đoàn đại biểu Việt Nam đã tham dự 3 hội nghị đối thoại giữa Bộ trưởng, Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN với Hội đồng Kinh doanh ASEAN – Mỹ (AFMGM - US ABC), Hội đồng Kinh doanh ASEAN – EU (AFMGM – EU ABC) và Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (AFMGM – ABAC). Các hội nghị đã ghi nhận các cuộc thảo luận hiệu quả giữa các bộ trưởng ASEAN và các hội đồng doanh nghiệp lớn về những lo ngại từ chính sách thuế quan của Mỹ. ASEAN đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ US-ABC, đồng thời chuyển tải mối quan ngại tới Washington về những tác động tiêu cực tiềm tàng của chính sách thuế mới của Mỹ đối với các doanh nghiệp tại Đông Nam Á.

Tại phiên đối thoại với các hội đồng kinh doanh, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN đã trao đổi với lãnh đạo cấp cao của các hội đồng về quan điểm, định hướng hợp tác trong những vấn đề được quan tâm nhiều hiện nay, bao gồm: triển vọng và thách thức đối với thương mại và đầu tư tại ASEAN trong bối cảnh biến động lớn về chính sách thương mại toàn cầu, đặc biệt là các chính sách của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump; tăng cường năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng tại ASEAN; xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng; phát triển bền vững.

Cụ thể, về thương mại và đầu tư, ASEAN cam kết thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối, tăng cường hợp tác kinh tế với các đối tác bên ngoài, củng cố khả năng phục hồi tài chính và hội nhập khu vực trong bối cảnh biến động và bất định của chính sách thương mại toàn cầu và tình hình địa chính trị.

Về phát triển bền vững, ASEAN tiếp tục cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng và có trật tự, kêu gọi các bên hỗ trợ lộ trình chuyển đổi của khu vực thông qua tài trợ, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực.

Về kết nối thanh toán, ASEAN cam kết mở rộng phạm vi và tăng cường sử dụng hệ thống thanh toán tức thời trong khu vực nhằm mang lại lợi ích cho người dùng, thúc đẩy thanh toán số và tăng cường hội nhập kinh tế - xã hội trong khu vực.

Về chuyển đổi số, khuyến khích hợp tác về chuyển đổi số nhằm phát triển ngành tài chính, ngân hàng trong khu vực ASEAN.

Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Nguyễn Văn Thắng khẳng định Việt Nam cam kết tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian ra quyết định, đảm bảo sự đồng bộ và ổn định các quy định pháp luật, thúc đẩy hội nhập kinh tế – tài chính trong khuôn khổ ASEAN, đóng góp tích cực vào quá trình tăng cường kết nối đầu tư, thương mại và tài chính khu vực.

Ông nhấn mạnh, trong bối cảnh các biến động chính sách thương mại toàn cầu có thể gây ảnh hưởng đến các chuỗi giá trị và dòng vốn đầu tư, Việt Nam mong muốn US ABC tiếp tục đóng vai trò cầu nối hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp Mỹ với ASEAN, hỗ trợ các nước trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng chủ động thích ứng với thay đổi và thúc đẩy thương mại công bằng, bền vững.

Đề cập đến phát triển bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định Việt Nam đồng thuận với các ưu tiên chung của ASEAN về phát triển bền vững và đang tích cực tham gia xây dựng các công cụ khu vực như Khung phân loại tài chính bền vững ASEAN (ASEAN Taxonomy), phát triển thị trường tín chỉ carbon, triển khai hiệu quả Cơ chế Đo lường – Báo cáo – Thẩm định (MRV) để bảo đảm minh bạch và tính khả tín trong quản lý phát thải.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng (thứ năm từ bên trái ) và các Bộ trưởng Tài chính ASEAN trong trang phục mũ truyền thống của Malaysia. Ảnh: Bernama/TTXVN phát
Tại phiên đối thoại, Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh cũng đã chia sẻ về những tác động tiềm tàng của sáng kiến Thực thể Kinh doanh ASEAN (ASEAN Business Entity - ABE) đối với các khuôn khổ/thỏa thuận hiện có trong ASEAN. Theo Phó Thống đốc, một trong những ưu tiên của ASEAN là thúc đẩy lưu chuyển dòng vốn để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư và và thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, cách tiếp cận của ASEAN luôn dựa trên nguyên tắc đảm bảo cân bằng và thận trọng. Tự do hóa tài khoản vốn cần đi đôi với các cơ chế bảo đảm an toàn vững mạnh để đảm bảo quản lý dòng vốn hiệu quả cũng như bảo vệ sự ổn định của cán cân thanh toán. Đây không chỉ là vấn đề nội bộ của ASEAN mà còn là yếu tố then chốt trong khuôn khổ các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) mà khu vực ASEAN nói chung và các nước ASEAN nói riêng đã tham gia.

Phó Thống đốc nhấn mạnh mô hình doanh nghiệp ABE đòi hỏi phải có một hệ thống hạ tầng khu vực vững mạnh, bao gồm hạ tầng số, thể chế và quy định nhằm đảm bảo khả năng phối hợp thông suốt giữa các cơ quan quản lý của các nước. Đồng thời, việc thiết lập một loại hình mới với các ưu đãi kèm theo như ABE phải phù hợp với luật pháp hiện hành và các cam kết thương mại. Đặc biệt, Phó Thống đốc cho rằng ưu tiên hàng đầu là đảm bảo ổn định tài chính. Các sáng kiến như ABE cần tránh làm tổn hại đến ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô của các quốc gia thành viên, phù hợp với khả năng quản lý các rủi ro liên quan cũng như đảm bảo vấn đề pháp lý then chốt là phù hợp với nguyên tắc “Đối xử tối huệ quốc” (MFN).

Đề cập đến vấn đề chuyển đổi số, Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh chia sẻ chuyển đổi số không chỉ là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo và năng lực cạnh tranh mà còn là yếu tố then chốt thúc đẩy tài chính toàn diện và tăng trưởng bền vững. Đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính, quá trình số hóa đang tiếp tục định hình lại cách thức cung cấp dịch vụ, quản lý rủi ro và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy thanh toán số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hài hòa hóa quy định và phát triển hạ tầng số xuyên biên giới được coi là các yếu tố then chốt để ASEAN hướng tới một nền kinh tế số tích hợp có khả năng chống chịu tốt hơn. Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh cần ngăn chặn và ứng phó với gian lận, lừa đảo, vốn là các vấn đề có tính cấp bách đối với khu vực.

Tại phiên đối thoại với CEO của các tổ chức tài chính, các Thống đốc ASEAN đã trao đổi, thảo luận về chủ đề đang nhận được nhiều chú ý hiện nay là phòng ngừa và ứng phó với các hành vi gian lận, lừa đảo tài chính. Theo ước tính của Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (Global Anti-Scam Alliance), khu vực châu Á thiệt hại 688,4 tỷ USD do các vụ lừa đảo tài chính trong năm 2024. Điều đáng lo ngại là các thiệt hại không chỉ về tài chính mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin của người dân vào hệ thống thanh toán số và sự phát triển của kinh tế số bền vững.

Xen kẽ giữa các cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng và Đoàn đại biểu Việt Nam đã có các cuộc gặp song phương với Đoàn Bộ Tài chính Lào, Hội đồng Kinh doanh ASEAN-Mỹ và Đoàn đại biểu Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Malaysia. Trong khi đó, Đoàn đại biểu Ngân hàng Nhà nước có các cuộc gặp với Bộ Tài chính Mỹ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục