Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu: Bài 2: Cam kết với xu thế phát triển toàn cầu

09:47' - 06/02/2022
BNEWS Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời có tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm lớn (hiện đứng thứ 21 trên thế giới và đứng thứ 2 trong ASEAN).

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) lần này, việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu. Cam kết của Việt Nam được Chủ tịch COP26 và các nước trên thế giới đánh giá rất cao về sự quyết tâm mạnh mẽ nhưng cũng rất thực tiễn.

*Thực hiện các cam kết, khai thông cơ hội

Là một nước đang phát triển với nguồn lực còn hạn chế trong khi lại chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Để thực hiện, cần có sự hỗ trợ và hợp tác của cộng đồng quốc tế cả về tài chính và chuyển giao công nghệ cùng Việt Nam thực hiện nhiệm vụ cao cả nhưng hết sức khó khăn để bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất cho thế hệ hôm nay và mãi về sau.

 

Đoàn cấp cao của Việt Nam đã tham gia và phát biểu tại các phiên họp quan trọng và đã góp phần vào thành công của Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Đặc biệt, phát biểu của Thủ tướng Chính phủ đã sử dụng lời kêu gọi “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới để kêu gọi thế giới đoàn kết chống lại thảm họa biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, lần đầu tiên Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ. Trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Đồng thời, Việt Nam cam kết giảm phát thải khí methane 30% vào năm 2030. Và kêu gọi tất cả các nước giàu, các nước phát triển phải chia sẻ, hỗ trợ và giúp đỡ các nước đang phát triển, các nước nghèo trong việc hoàn thiện thể chế; đào tạo nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo; bố trí tài chính xanh phù hợp và hiệu quả; chia sẻ công nghệ xanh; quản trị quốc gia để thực hiện cắt giảm methane.

Việt Nam cũng đã tham gia Tuyên bố tập trung vào vai trò và mối tương quan giữa rừng, đa dạng sinh học và sử dụng đất bền vững, góp phần đạt được sự cân bằng giữa phát thải khí nhà kính do con người gây ra và hấp thụ khí nhà kính tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các đối tác phát triển trong và ngoài nước đã thể hiện mong muốn hợp tác với Việt Nam để triển khai thực hiện các cam kết, khai thông cơ hội tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải vào Việt Nam.

Nhiều nội dung, cam kết hành động được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, bao gồm đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; tham gia Cam kết giảm phát thải khí methane; tham gia Tuyên bố toàn cầu chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch, Tuyên bố Glasgow của các lãnh đạo về rừng và sử dụng đất. Những cam kết này hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của nhân loại để lựa chọn mô hình phát triển không gây tổn hại cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị, đưa ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân.

Điều đó thể hiện tầm nhìn của người đứng đầu Chính phủ về phát triển kinh tế- xã hội đất nước ta trong giai đoạn tới đây, định hướng các hoạt động đầu tư phát triển trong giai đoạn tới nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Con đường đến mục tiêu đó phải là con đường “xanh”, phù hợp xu thế phát triển chung toàn cầu.

* Đánh giá tích cực của dư luận quốc tế

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Đoàn cấp cao của Việt Nam đã tham gia và phát biểu tại các phiên họp quan trọng, có nhiều hoạt động song phương, đa phương nhằm tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt của Việt Nam với các nước, các đối tác trên thế giới.

Những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị đã nhận được những đánh giá tích cực của dư luận quốc tế.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá cao sự tham gia của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế, trong đó có vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu và tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đồng thời, đánh giá cao cam kết của Việt Nam về phát thải ròng bằng 0, đóng góp ý nghĩa vào nỗ lực chung của thế giới ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.

Ông António Guterres bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh, tuần hoàn, phát triển năng lượng tái tạo, hỗ trợ Việt Nam và các nước ở lưu vực sông Mekong giải quyết các vẫn đề sụt lở đất, xâm nhập mặn, chuyển đổi canh tác, sử dụng nguồn nước bền vững nhằm đảm bảo an ninh lương thực.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam chia sẻ:”Chúng tôi chúc mừng Việt Nam luôn là quốc gia tiên phong trong các hợp tác đa phương, đi đầu trong chủ trương lấy người dân làm trung tâm, tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững ở cả khu vực và trên toàn cầu. Chúng tôi đặc biệt khen ngợi cam kết của Việt Nam trong việc nâng cao tham vọng và tham gia các nỗ lực toàn cầu để chống lại biến đổi khí hậu. Đã đến lúc phải điều chỉnh lại các chính sách, khung pháp lý, chiến lược, kế hoạch, đầu tư để đạt được những mục tiêu mới này.”

Theo bà Caitlin Wiesen, mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 là một mục tiêu đầy tham vọng nhưng có thể đạt được với sự lãnh đạo mạnh mẽ của Chính phủ. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc cam kết hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, các đối tác phát triển, doanh nghiệp, nhà khoa học, phụ nữ, thanh niên và cộng đồng địa phương, để theo đuổi phương pháp tiếp cận toàn chính phủ và toàn xã hội nhằm hiện thực hóa các tham vọng mới này. Điều này sẽ được bổ sung bằng cách đơn giản hóa các quy định để cho phép khu vực doanh nghiệp đóng góp đầy đủ vào quá trình phục hồi kinh tế xanh với con người là trung tâm.

Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward cho rằng, việc Việt Nam công bố mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đã thể hiện một cách ấn tượng vai trò lãnh đạo về khí hậu của quốc gia, đồng thời gửi thông điệp quan trọng tới cộng đồng quốc tế về hướng phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Trong tương lai, Vương quốc Anh cùng các đối tác phát triển cam kết thúc đẩy và hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu mới thông qua tăng cường những đề xuất về hỗ trợ tài chính và kỹ thuật.

“Chúng tôi muốn hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tìm ra phương thức kết hợp phù hợp giữa tăng cường đầu tư công, huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi để giảm chi phí cho quốc gia và đưa ra những biện pháp quản lý thích hợp, giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với những khoản đầu tư xanh trong 20 năm tới”, Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward nhấn mạnh.

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, các tờ báo lớn của Anh như Financial Times, The Guardian và The Independent đều đề cập tới cam kết đáng chú ý của Việt Nam đạt mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050 và loại bỏ điện than trong giai đoạn 2030-2040.

Theo Phó Chủ tịch Mạng lưới Việt Nam-Anh, ông Paul Smith, bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 có ý nghĩa tích cực. Mặc dù là nước đang phát triển có thu nhập trung bình và là nước phát thải thấp, mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tham gia vào nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu, đồng thời chứng tỏ vai trò dẫn dắt của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

Ông Paul Smith cũng đánh giá cao những những giá trị quan trọng mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập trong bài phát biểu, đó là “cùng bàn, cùng làm và cùng chiến thắng” và “đoàn kết."

Ông cho rằng thông điệp mà Việt Nam kêu gọi tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu là thế giới phải đoàn kết để có thể chiến thắng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Ông William Young, chuyên gia về an ninh môi trường của Hội đồng Địa chiến lược Anh cho rằng, cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã khiến thế giới nhìn nhận rõ vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Cam kết này đồng thời chỉ ra những cơ hội phát triển kinh tế, cơ hội tạo ra những ngành Công nghiệp mới và các cơ hội đầu tư khác tại Việt Nam.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Carolyn Turk đánh giá việc đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 là mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam. Tham vọng này mang đến nhiều thách thức về mặt kỹ thuật, ngân sách, thể chế, thực hiện. Đây được coi là cam kết sẽ đi theo lộ trình tăng trưởng xanh của Việt Nam với thế giới.

Trong bối cảnh đó, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định, Ngân hàng Thế giới sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, các lĩnh vực hợp tác có thể bao gồm cải thiện nước sạch, cải thiện chất lượng không khí, lĩnh vực năng lượng, giao thông, nông nghiệp hoặc trong các nội dung về thích ứng với biến đổi khí hậu tại những khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như Đồng bằng sông Cửu Long…/.

Xem thêm:

>>Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu: Bài 1: Cảnh báo của tự nhiên

>>Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu: Bài 3: Trung tâm của phát triển bền vững

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục