Việt Nam và New Zealand tạo thuận lợi hợp tác thương mại, đầu tư

12:03' - 04/10/2018
BNEWS Việt Nam đề nghị New Zealand tiếp tục hỗ trợ các địa phương của Việt Nam phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đối với các mặt hàng trái cây xuất khẩu, hạt tiêu, cà phê, hạt điều....
Việt Nam và New Zealand thúc đẩy hợp tác ở nhiều lĩnh vực. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Sáng 4/10, tại Hà Nội đã diễn ra Kỳ họp lần thứ 6 Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại Việt Nam – New Zealand (JTEC). Kỳ họp do Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Quốc Khánh và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand Vangelis Vitalis đồng chủ trì. Đây là một trong những cơ chế hợp tác quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước.

Tại kỳ họp, hai bên trao đổi, thảo luận những mối quan tâm và ưu tiên hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại trong bối cảnh thương mại khu vực và thế giới tiếp tục có những diễn biến khó đoán định. Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm tạo thuận lợi hóa cho thương mại và đầu tư; tạo thuận lợi cho các sản phẩm nông nghiệp tiếp cận thị trường của nhau.

Đồng thời, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp công nghệ cao; thương mại sản phẩm nông nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực; du lịch, chính phủ điện tử; tăng cường phối hợp trong các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch.

Trong một số lĩnh vực cụ thể, phía Việt Nam đề nghị New Zealand tiếp tục hỗ trợ các địa phương của Việt Nam phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đối với các mặt hàng trái cây xuất khẩu, hạt tiêu, cà phê, hạt điều.... Cùng đó, xây dựng thương hiệu, phát triển các hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chuyển giao công nghệ trong sản xuất, chế biến nông nghiệp, thủy sản.

Ngoài ra, nâng cao năng lực trong các lĩnh vực như nông nghiệp, an toàn thực phẩm, hàng không, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, chính phủ điện tử, đào tạo tiếng Anh cho các cán bộ làm việc trong các cơ quan nhà nước. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Quốc Khánh đồng chủ trì kỳ họp. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Phía New Zealand cũng đã trao đổi về các cơ hội tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thương mại dịch vụ mà New Zealand có thế mạnh như: dịch vụ hàng không, du lịch, giáo dục và đề nghị Việt Nam tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp New Zealand trong lĩnh vực giáo dục, du lịch, tạo thuận lợi cho hợp tác an toàn thực phẩm giữa hai nước.

Bên cạnh nội dung hợp tác song phương, hai bên cũng trao đổi một số vấn đề hợp tác trong các khuôn khổ đa phương. Theo đó, hai bên nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong các cơ chế, khuôn khổ hợp tác như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Australia- New Zealand (AANZFTA), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Nhiều năm qua, New Zealand là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam về thương mại. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 16 của New Zealand.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trao đổi thương mại hàng hóa giữa hai nước đạt khoảng 906 triệu USD năm 2017; trong đó Việt Nam xuất khẩu 425 triệu USD và nhập khẩu 401 triệu USD, tăng 26,6% so với năm 2016. Nếu tính cả thương mại dịch vụ, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 1,2 tỷ USD năm 2017, tăng 37% so với năm 2016. Ước 9 tháng đầu năm 2018, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 779 triệu USD; trong đó Việt Nam xuất khẩu 357,8 triệu USD, Việt Nam nhập khẩu 421,2 triệu USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Về đầu tư, tính đến nay, New Zealand có 32 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 102,8 triệu USD, đứng thứ 45/128 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Các dự án tập trung lĩnh vực chế biến chế tạo, giáo dục và đào tạo, nông lâm ngư nghiệp, xây dựng, thông tin và truyền thông, khách sạn và ăn uống, nghệ thuật, giải trí.

Việt Nam có 8 dự án đầu tư tại New Zealand, tổng vốn đăng ký trên 30 triệu USD, tập trung các lĩnh vực chế biến chế tạo, bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, dịch vụ lưu trú và ăn uống, nông nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục