Vietcombank: Hành trình 60 năm lớn mạnh cùng đất nước

09:22' - 31/03/2023
BNEWS Hình thành trong khói lửa, gian khó, hành trình 60 năm phát triển của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ghi dấu ấn lớn mạnh cùng đất nước trên nhiều lĩnh vực.

Ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào, Vietcombank luôn giữ vai trò tiên phong, chủ lực trong hệ thống ngân hàng Việt Nam đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và quá trình xây dựng, đổi mới, phát triển, hội nhập của đất nước, cũng như của ngành ngân hàng. 

Trên hành trình này, Vietcombank đã từng bước trở thành một tập đoàn tài chính đa lĩnh vực với quy mô lớn và không ngừng nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu vươn ra biển lớn.

 

Khai sinh trong khói lửa

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam trước đây, nay là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán: VCB), được thành lập và chính thức đi vào hoạt động ngày 1/4/1963 với tổ chức tiền thân là Cục Ngoại hối, trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trong giai đoạn 1963-1975, thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, Vietcombank được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao nhiệm vụ lịch sử là ngân hàng thương mại đối ngoại duy nhất tại Việt Nam, vừa đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho nền kinh tế của hậu phương miền Bắc, vừa làm tròn nhiệm vụ cung ứng ngoại tệ cho chiến trường miền Nam.

Tháng 4/1965 trở thành một dấu mốc đặc biệt trong quá trình phát triển của Vietcombank khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập một tổ chức chuyên trách nghiệp vụ thanh toán đặc biệt với bí danh B29 tại ngân hàng này theo chỉ thị của Bộ Chính trị nhằm tiếp nhận nguồn vốn viện trợ ngoại tệ.

Ông Lê Hoàng, Nguyên Cục phó Cục Ngoại hối, Nguyên Phó Chủ tịch - Giám đốc Vietcombank nhớ lại: "B29 là một phòng đặc biệt, biên chế độ mươi người, nằm trong vỏ bọc Vietcombank. Những năm đầu, xe tải vượt dãy Trường Sơn mất đến 30 ngày đêm thì tiền mới vào đến chiến trường. Những hòm đô la giấy đóng trong những hòm gỗ ngoài bọc thép, có lúc giữa Trường Sơn bị đánh phá, đã có lần gần 4 triệu USD bị bom đạn "nung rục" và nhiều chiến sĩ phải hi sinh".

B29 hoạt động đơn tuyến và bảo mật đến mức tối đa được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Thường vụ Trung ương Cục Miền Nam. Với trên 10 người hoạt động trong thời gian 10 năm, Quỹ Ngoại tệ đặc biệt B29 đã tham gia vận chuyển và chuyển khoản một lượng lớn ngoại tệ, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Sau ngày miền Nam giải phóng, Vietcombank nhanh chóng tiếp quản hệ thống ngân hàng của chế độ cũ, thu về cho quốc gia một khối lượng tài sản, vốn ở nước ngoài lên tới hàng trăm triệu USD. Khó khăn trong sản xuất công nghiệp và nông nghiệp khi ấy cũng dần được tháo gỡ thông qua hoạt động cho vay và hỗ trợ doanh nghiệp của Vietcombank, góp phần quan trọng vào công cuộc tái thiết và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Chuyển mình bứt phá

Bước sang thời kỳ mới, Vietcombank đã chuyển mình từ một ngân hàng chuyên doanh phục vụ đối ngoại thành ngân hàng thương mại cổ phần đa năng với mạng lưới mở rộng trong và ngoài nước, cơ cấu kinh doanh chuyển dịch theo hướng an toàn, bền vững.

Vietcombank là ngân hàng đầu tiên triển khai và hoàn thành Đề án Tái cơ cấu (2000-2005). Trong đó, trọng tâm của đề án là nâng cao năng lực tài chính, quản trị điều hành, đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, đóng góp cho sự ổn định và phát triển kinh tế, đồng thời tạo dựng uy tín đối với cộng đồng tài chính khu vực và toàn cầu.

Năm 2002, Vietcombank tiên phong đưa vào ứng dụng hệ thống ngân hàng lõi - Core Banking và trở thành ngân hàng đầu tiên ở Việt Nam cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trực tuyến (Online Banking), dịch vụ ATM và Internet Banking, tạo nên một cuộc cách mạng về dịch vụ, sản phẩm ngân hàng.

Trong giai đoạn này, Vietcombank với lợi thế về nguồn vốn, nhất là vốn ngoại tệ, đã tham gia tài trợ vốn cho rất nhiều dự án trọng điểm quốc gia thuộc nhiều lĩnh vực then chốt như: điện lực, dầu khí, hàng không, viễn thông…

Với những kết quả nổi bật trong hoạt động và quản trị điều hành, năm 2007, Vietcombank được Đảng, Chính phủ lựa chọn tiên phong thực hiện cổ phần hóa trong ngành ngân hàng và đã thực hiện thành công kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Đây là sự kiện IPO lớn nhất tại thời điểm đó và đã mang về cho ngân sách Nhà nước nguồn thu thặng dư từ IPO kỷ lục, lên tới gần 10.000 tỷ đồng.

Ngày 2/6/2008, Vietcombank hoàn tất quá trình chuyển đổi và chính thức hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại cổ phần. Sau đó 1 năm, Vietcombank chính thức niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) vào ngày 30/6/2009.

Tiếp tục vai trò tiên phong, Vietcombank lại một lần nữa tạo bước ngoặt quan trọng thông qua việc bán vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài Mizuho Corporate Bank thuộc Tập đoàn Tài chính Mizuho, 1 trong 20 tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới, vào tháng 9/2011. Đây là thương vụ M&A lớn nhất khu vực năm 2011 và là minh chứng cho niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào tiềm năng của thị trường tài chính Việt Nam.

Vươn ra biển lớn

Tiếp nối những bước chuyển mình, bứt phá đầy ngoạn mục, Vietcombank những năm gần đây liên tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng về quy mô, chất lượng và hiệu quả kinh doanh.

Tính đến hết năm 2022, tổng tài sản của Vietcombank đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 27,9% so với năm trước, tăng khoảng 4,4 lần so với năm 2012. Dư nợ tín dụng đạt 1,14 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 17,8% so với năm 2021, gấp 4,7 lần so với năm 2012. Huy động vốn đạt 1,32 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 13,7% so với năm trước, gấp 4,2 lần so với năm 2012.

Trong giai đoạn 2012-2022, giá trị vốn hoá thị trường của Vietcombank cũng tăng hơn 6 lần, từ 61.000 tỷ đồng lên gần 379.000 tỷ đồng, tạo ra giá trị vượt trội cho cổ đông trong đó chiếm đa số là cổ đông nhà nước; giữ vững vị trí là doanh nghiệp niêm yết có quy mô vốn hoá lớn nhất Việt nam, đứng thứ 105 trong số các ngân hàng niêm yết lớn nhất trên thế giới.

Xét về lợi nhuận, Vietcombank liên tục trụ vững ở vị trí "quán quân" kể từ năm 2016 đến nay, tạo nên sự cách biệt lớn so với lợi nhuận các ngân hàng ở vị trí kế tiếp. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 29.913 tỷ đồng, tăng 36,3% so với năm trước, gấp 6,8 lần so với năm 2012. Trước đó, năm 2019, lợi nhuận Vietcombank lần đầu tiên cán mốc 23.000 tỷ đồng và cũng là ngân hàng Việt đầu tiên ghi nhận lợi nhuận tỷ đô.

Không những vậy, theo công bố của Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), Vietcombank liên tục nằm trong top đầu các doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất và là ngân hàng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất ở Việt Nam. Tổng số thuế Vietcombank nộp cho Ngân sách Nhà nước trong 10 năm (2013-2022) đạt trên 45.400 tỷ đồng. Tổng cổ tức nộp vào ngân sách Nhà nước trong giai đoạn này đạt trên 23.400 tỷ đồng.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình chịu tác động của đại dịch COVID-19, Vietcombank đã thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó có cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm phí dịch vụ, giảm lãi suất cho vay... Một số khách hàng doanh nghiệp lớn có vị trí quan trọng trong nền kinh tế được cơ cấu lại nợ như: Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vienam Airlines), Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1)…

Chưa dừng ở đó, Vietcombank còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia hỗ trợ, xử lý, củng cố các tổ chức tín dụng yếu kém. Gần đây nhất, Vietcombank đã kịp thời cử 9 cán bộ có năng lực và kinh nghiệm tham gia hỗ trợ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cả về quản lý, điều hành và xử lý thu hồi nợ.

Trước đó, từ năm 2015 đến nay, Vietcombank đã tham gia hỗ trợ Ngân hàng Xây dựng (VNCB), tổ chức tín dụng yếu kém nhất trong số các tổ chức tín dụng yếu kém đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại. Nhờ đó, VNCB đã giữ vững được thanh khoản, đảm bảo hoạt động an toàn hệ thống, cơ cấu kinh doanh đang có chiều hướng cải thiện tích cực. Vừa qua, Vietcombank đã chủ động, hoàn thành xây dựng phương án và sẵn sàng nhận chuyển giao bắt buộc VNCB.

Bên cạnh những dấu ấn trong nước, Vietcombank trong những năm qua đã từng bước hiện thực hóa mục tiêu mở rộng ra quốc tế. Cuối năm 2019, Vietcombank chính thức khai trương văn phòng đại diện tại New York (Mỹ), gia nhập thị trường tài chính sôi động trên thế giới.

Nhiều năm liền, Vietcombank vinh dự được các tạp chí, tổ chức danh tiếng như The Banker, Financial Times, EuroMoney… bình chọn là Ngân hàng tốt nhất Việt Nam. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín nhất thế giới gồm S&P, Fitch Ratings, Moody’s cũng xếp hạng Vietcombank ở mức cao nhất trong các ngân hàng thương mại Việt Nam, tương đương mức tín nhiệm quốc gia. Đặc biệt, trong năm 2022, Vietcombank được S&P nâng xếp hạng tín nhiệm từ mức BB- lên mức BB là mức cao nhất và duy nhất trong các ngân hàng Việt Nam. 

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank khẳng định mục tiêu đến năm 2030, Vietcombank đặt tầm nhìn trở thành tập đoàn tài chính - ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong 200 tập đoàn tài chính - ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 700 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Vietcombank phấn đấu trở thành doanh nghiệp tài chính - ngân hàng được lựa chọn trở thành “sếu đầu đàn”, phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục