VIMC tận dụng cơ hội thị trường tốt

08:51' - 01/08/2022
BNEWS Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, một trong những yếu tố giúp VIMC có kết quả kinh doanh tốt là nhờ tận dụng cơ hội thị trường tốt, khối vận tải biển của VIMC đạt kết quả khả quan.

Với những diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm đến từ giá nhiên liệu, các mặt hàng thiết yếu, lạm phát tăng cao do xung đột thế giới, dịch bệnh COVID-19... đã ảnh hưởng tới các hoạt động của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC). Tuy nhiên, nhờ khả năng tận dụng cơ hội thị trường đã giúp VIMC có được kết quả kinh doanh khả quan, tạo đà cho hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2022.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC đánh giá, nền kinh tế các tháng cuối năm sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực lạm phát. Do đó, việc kiểm soát lạm phát và hạ nhiệt giá xăng dầu phải được ưu tiên hàng đầu.

Trong khi đó các chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường vận tải biển sẽ phụ thuộc rất lớn vào diễn biến của xung đột Nga-Ukraine. Trong đó, lệnh cấm nhập khẩu 90% dầu từ Nga của EU, nhu cầu của Trung Quốc sắp phục hồi sau chính sách phong tỏa có thể đẩy giá dầu thế giới lên các mốc kỷ lục mới. Tuy nhiên, thị trường tàu dầu được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến tốt trong thời gian tới.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, dù các nước châu Âu đã tuyên bố cấm vận dầu đến từ Nga, nhưng điều này mở ra cơ hội cho các tuyến vận chuyển toàn cầu mới với khoảng cách xa hơn. Dự kiến sản lượng dầu toàn cầu cần vận chuyển trong nửa cuối năm sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao với các tuyến vận chuyển dài hơn giúp các chủ tàu duy trì được mức giá cho thuê tốt.

Trước các khó khăn này, trong những tháng còn lại của năm 2022, lãnh đạo VIMC cho biết đã chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải biển của Tổng công ty theo dõi sát diễn biến thị trường để có các giải pháp ứng phó, đàm phán hợp đồng, điều chỉnh giá cước đảm bảo hiệu quả hoạt động của đội tàu. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, kiểm soát nợ tại một số đơn vị.

Đối với các doanh nghiệp cảng biển, VIMC yêu cầu phải khẩn trương có giải pháp để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh được giao. Cùng với đó, tiếp tục phát triển thêm các tuyến dịch vụ mới về hệ thống cảng, phát triển tuyến dịch vụ container, triển khai dịch vụ sà lan kết nối các cảng với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long...

Trở lại kết quả sản xuất kinh doanh của VIMC khả quan trong nửa đầu năm 2022 mới được VIMC công bố với cổ đông, các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, một trong những yếu tố giúp VIMC có kết quả kinh doanh tốt là nhờ tận dụng cơ hội thị trường tốt, khối vận tải biển của VIMC đạt kết quả khả quan.

Cụ thể, doanh thu toàn VIMC ước đạt 11.083 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất ước đạt 7.972,8 tỷ đồng, tăng 123% so với cùng kỳ 2021 và đạt 64% kế hoạch năm 2022. Riêng công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có doanh thu ước đạt 1.192 tỷ đồng.

Trong đó, đối với khối cảng biển, lợi nhuận trước thuế ước đạt 826 tỷ đồng. Khối vận tải biển cũng ghi nhận kết quả tích cực dù thị trường nhiều biến động. Lợi nhuận toàn khối ước đạt 1.766,7 tỷ đồng. Một số cảng có kết quả lợi nhuận cao như cảng Hải Phòng đạt 410 tỷ đồng, cảng Sài Gòn đạt 200 tỷ đồng...

Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cho hay, có được kết quả trên là do các đơn vị đã bám sát, tận dụng cơ hội thị trường tốt vào thời điểm cuối tháng 2 và đầu tháng 3 để kịp thời điều chỉnh, ký hợp đồng với mức tài chính cao, tiếp tục duy trì các hợp đồng định hạn với mức giá tốt trong quý II.

Ngoài ra, hệ thống cảng của VIMC đã phát triển thêm 4 tuyến dịch vụ mới tại các Cảng Hải Phòng (2 tuyến), Đà Nẵng (1 tuyến), Công ty liên doanh Dịch vụ container quốc tế cảng Sài Gòn - SSA SSIT (1 tuyến). Đồng thời, phát triển thêm dịch vụ mới về hệ thống cảng của VIMC trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, thử nghiệm dịch vụ đi Ấn Độ từ Cảng Nghệ Tĩnh.

Cùng với  đó, đơn vị này còn kết hợp với hãng vận tải nằm trong “top” đầu thế giới là MSC/TIL (trụ sở đóng tại Thụy Sỹ) để thúc đẩy tiến trình triển khai dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ - Tp. Hồ Chí Minh. Hiện tại, dự án này đã trình Thủ tướng xem xét. Đây được xem là những nỗ lực của VIMC trong việc phát triển thị trường và đầu tư.

Năm 2022, VIMC dự kiến đạt tổng doanh thu hợp nhất hơn 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 2.518 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ - Tổng công ty (VIMC) đạt doanh thu khoảng 1.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 240 tỷ đồng.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC, tên trước đây là Vinalines) có tổng tài sản hơn 13.800 tỷ đồng; trong đó, vốn chủ sở hữu hơn 11.100 tỷ đồng, nợ phải trả trên 2.700 tỷ đồng. Hiện Tổng công ty có 19 công ty con, 15 công ty liên kết và nhiều cảng biển lớn như: Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cái Mép - Thị Vải…

Tuy có được những kết quả khả quan nhưng vẫn còn nhiều khó khăn mà VIMC chưa thể giải quyết được. Đó là hầu hết các đơn vị khối cảng biển đều có sản lượng sụt giảm so với cùng kỳ năm 2021, chỉ đạt 94%, trong khi mức tăng trưởng sản lượng của cả nước là 2%. Bên cạnh đó, tái cơ cấu các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ vẫn còn chậm, chưa tạo được đột phá.

Ngoài ra, một số dự án của doanh nghiệp này còn chậm tiến độ như dự án Bến số 3, 4 Cảng Lạch Huyện của Cảng Hải Phòng chưa hoàn thành các thủ tục và điều kiện để khởi công. Cảng VIMC Đình Vũ chưa hoàn thành đưa vào khai thác.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh, vai trò dẫn dắt sự phát triển kinh tế hàng hải của cả nước vẫn đang ở trên vai của VIMC. Do đó, VIMC cần tiếp tục mở đường trong mở rộng thị trường vận tải biển quốc tế, nhất là thị trường vận tải container.

Trước mắt, VIMC cần nghiên cứu phát triển tuyến vận tải biển, ven biển Việt Nam - Trung Quốc. Bên cạnh đó, VIMC tập trung nghiên cứu quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn mới để đầu tư, phát triển thêm cảng biển trong 10 - 30 năm tới; đồng thời VIMC cần phát triển hơn nữa mạng lưới vận tảu thủy và cảng cạn (ICD) để làm “cánh tay nối dài” của cảng biển, tiếp tục phát huy hiệu quả, tiềm năng của các cảng đã đầu tư…

Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, để hỗ trợ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải biển, hầu hết các công ty hoa tiêu cung ứng dịch vụ dẫn dắt tàu biển trong và ngoài nước ra vào, di chuyển tại các vùng biển giáp ranh hiện nay đều đã giảm giá cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển trước bão giá nhiên liệu.

Cụ thể, các công ty hoa tiêu giảm dịch vụ từ ngày 1/7 đến hết 31/12/2022 theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải về triển khai những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và nhiên liệu tăng cao. 

Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Bộ Tài chính xem xét chính sách hỗ trợ giảm 50% phí và lệ phí của phương tiện ra vào các vùng nước để giao nhận hàng hóa tại khu vực cảng biển và các bến thủy nội địa. Thời gian thực hiện từ tháng 4/2022 đến hết 31/12/2022; đồng thời tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải từ 8% xuống 5% và xem xét điều tiết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp vận tải từ 20% xuống 15%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục