Vingroup với chiến lược tối ưu hóa lĩnh vực hoạt động

10:13' - 29/07/2020
BNEWS Với diễn biến phức tạp hiện giờ khi dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành trên thế giới, Vingroup đánh giá rằng năm 2020 sẽ là một năm thách thức trước khi đưa tốc độ tăng trưởng quay lại về quỹ đạo.

Là một tập đoàn tư nhân lớn hàng đầu, Vingroup (mã chứng khoán: VIC) nỗ lực đồng hành với Chính phủ trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19. Cùng với đó, nhằm chủ động nguồn lực để đối phó với tình trạng bất ổn do COVID-19 gây ra, Vingroup đang thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, quản lý chặt chẽ chi và đầu tư mở rộng, tối ưu hoá hoạt động của các lĩnh vực hiện có. 

Với diễn biến phức tạp hiện giờ khi dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành trên thế giới, Vingroup đánh giá rằng năm 2020 sẽ là một năm thách thức trước khi đưa tốc độ tăng trưởng quay lại về quỹ đạo.

Tối ưu hóa lĩnh vực hoạt động

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để có thể chủ động nguồn lực để đối phó với tình trạng bất ổn do COVID-19 gây ra, Vingroup đang thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, quản lý chặt chẽ chi và đầu tư mở rộng, tối ưu hoá hoạt động của các lĩnh vực hiện có. 

Trong lĩnh vực bất động sản, Vinhomes sẽ mở bán các phân khu mới thuộc 3 đại dự án Vinhomes Ocean Park, Vinhome Smart city và Vinhomes Grand Park và mở bán phân khu thấp tầng tại dự án Vinhome wonder park tại Đan Phượng. 

Vinhome cũng bắt đầu với chiến lược phát triển mảng kinh doanh nhằm tạo dòng tiền đều cho công ty bao gồm phát triển hệ thống văn phòng cho thuê và bất động sản khu công nghiệp. Ngoài ra ở lĩnh vực cho thuê trung tâm thương mại, Vincom Retail sẽ đẩy mạnh số hoá và thực hiện hoá mô hình mua, giải trí với các hình thức mới lạ nhằm mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Ở mảng du lịch, Vinpearl sẽ tập trung thúc đẩy kinh doanh với số cơ sở đã đi vào hoạt động và ưu tiên các dự án tối ưu chi phí vận hành.

Về nguồn vốn và đầu tư, Vingroup sẽ triển khai nhiều hình thức huy động vốn trong và ngoài nước, kiểm soát hiệu quả việc đầu tư mở mới và tối ưu hóa hiệu suất sử dụng nguồn vốn để phục vụ chiến lược kinh doanh ngắn, trung và dài hạn của Tập đoàn.

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup cho biết, Vingroup sẽ chấp nhận bù lỗ cho mảng công nghiệp trong 3-5 năm. Sau đó, mảng công nghiệp mới có thể hòa nhưng lúc bấy giờ đã có thị phần rất tốt ở Việt Nam và cũng có chỗ đứng nhất định ở thị trường Mỹ. 

Năm 2020, Vingroup đặt kế hoạch doanh thu 145.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 5.000 tỷ đồng. So với kết quả đạt được năm 2019, doanh thu Vingroup tăng 11% nhưng lợi nhuận giảm 35%.

Dự án vắc xin “made in Vietnam” có triển vọng về sớm

Trong bối cảnh cả thế giới chung tay phòng chống dịch COVID-19, Dự án vắc-xin “made in Vietnam” phòng virus SARS-CoV-2 được Công ty Vabiotech triển khai với sự tài trợ của Quỹ Đổi mới sáng tạo VinIF (thuộc Tập đoàn Vingroup), đang có triển vọng “về đích” sớm khi vượt tiến độ 2 tháng so với kế hoạch trong giai đoạn 1. Kết quả đáp ứng miễn dịch khá cao trên chuột được tiêm thí nghiệm, sau khi đánh giá tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Dự kiến, đầu năm 2021, vắc xin của VABIOTECH có thể đưa vào tiêm thử nghiệm trên người.

Không chỉ có những đóng góp vào sản xuất vắc xin phòng virus SARS-CoV-2, trong cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi tại trụ sở Vingroup tại Hà Nội, tỷ phú Phạm Nhật Vượng chia sẻ: “Tới thời điểm hiện tại, chúng tôi tập trung sản xuất máy thở và đang làm rất tốt. Chúng tôi muốn chung tay với chính phủ Việt Nam giải quyết một phần khó khăn do đại dịch COVID-19.”

Máy thở Vsmart VFS-510 do Công ty cổ phần nghiên cứu và sản xuất VinSmart, thuộc Tập đoàn Vingroup phát triển vừa được Bộ Y tế chính thức cấp số đăng ký lưu hành. Với cấp phép từ Bộ Y tế, Vingroup có thể tiến hành sản xuất đại trà, cung cấp máy thở cho thị trường trong nước; đồng thời sẵn sàng xuất khẩu, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới.

Vsmart VFS-510 là mẫu máy thở “made in Vietnam” đầu tiên được công nhận chính thức bởi Bộ Y tế. Sản phẩm đã trải qua các bài đo kiểm chất lượng độc lập, được tiến hành đánh giá lâm sàng thông qua việc sử dụng thực tế tại nhiều bệnh viện tuyến đầu như Bạch Mai, Quân Y 103, Vinmec.... với sự theo dõi, đánh giá sát sao của các bác sỹ chuyên khoa và chuyên gia đầu ngành.

Chiến lược cho VinFast và VinSmart

Trong lĩnh vực công nghiệp, hai thương hiệu của Vingroup là VinFast và VinSmart sẽ tập trung làm tốt tại thị trường trong nước thông qua chiến lược bán hàng đặc sắc, cũng như những chương trình tận dụng tối đa hệ sinh thái Vingroup để tạo sức hấp dẫn đặc biệt cho sản phẩm, và đồng thời tiếp tục xúc tiến việc xuất khẩu.

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2020, ông Phạm Nhật Vượng cho biết, VinFast nghiên cứu các thị trường để xuất khẩu, còn VinSmart đã xuất khẩu đi một số nước. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, chiến lược của Tập đoàn là cả VinFast và VinSmart ngoài Việt Nam thì tập trung vào thị trường Mỹ. 

Vingroup coi Mỹ là thị trường trọng điểm và rất khó, bởi nếu làm được ở thị trường khó tính nhất, câu chuyện vào các thị trường khác sẽ đơn giản dễ hơn nhiều.

“Đây cũng là phép thử cho toàn bộ hệ thống vì nếu sản phẩm làm ra không tốt, giá cả không cạnh tranh thì sẽ không có logic để tồn tại”, ông Vượng nhấn mạnh.

Nhằm kiến tạo nên những sản phẩm công nghệ thông minh và chất lượng, công nghệ AI được trực tiếp trên tất cả các thiết bị có nền tảng từ VinSmart. Trên thị trường công nghệ Việt Nam, VinSmart đang lọt top 3 thương hiệu điện thoại bán chạy nhất Việt Nam với 1,2 triệu chiếc smartphone được bán ra sau 1,5 năm hoạt động. Chỉ sau 17 tháng gia nhập thị trường smartphone, VinSmart đã giới thiệu 12 mẫu điện thoại thông minh, doanh số còn tăng trưởng mạnh.

VinSmart bắt đầu hướng đến những dòng sản phẩm phân khúc tầm cao khi bắt đầu bắt tay hợp tác với những đối tác quốc tế mang ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực công nghệ như Google, Fuji, Pininfarina… nhằm mang lại đẳng cấp mới cho các sản phẩm trong tương lai. 

Ngày 6/7 vừa rồi, Công ty cổ phần Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart công bố phát triển thành công mẫu điện thoại thông minh Vsmart Aris 5G. Với công bố này, VinSmart đã trở thành công ty Việt Nam đầu tiên sản xuất thành công thiết bị đầu cuối hỗ trợ công nghệ 5G. Sự kiện khẳng định năng lực thiết kế, sản xuất của các doanh nghiệp trong nước và mở ra cơ hội tiếp cận sớm các sản phẩm công nghệ đẳng cấp thế giới cho người dùng Việt Nam.

Trong thời gian tới, VinSmart sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện những sản phẩm 5G thế hệ tiếp theo. Điện thoại 5G thương hiệu Vsmart sẽ có khả năng hỗ trợ cả 2 công nghệ 5G hiện nay là Sub6 và mmWave.

Việc phát triển thành công điện thoại thông minh Vsmart Aris 5G cho thấy VinSmart đã sẵn sàng cho hành trình phát triển và làm chủ các công nghệ lõi tiên tiến nhất. Sự kiện tạo niềm tin về việc Việt Nam có thể sánh bước với những quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ 5G, đồng thời là minh chứng rõ nét cho việc Việt Nam đang tăng tốc trong Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. 

Sau một thời gian đưa ra thị trường, đầu tháng 6 vừa rồi, lần đầu tiên VinFast công bố doanh số bán ô tô theo tháng với tổng số 2.161 xe Fadil, Lux A2.0 và Lux SA2.0 được bán ra trong tháng 5/2020. Theo đó, hai mẫu xe Fadil và Lux A2.0 góp mặt trong Top 10 mẫu xe bán chạy nhất Việt Nam tháng 5 vừa qua. 

Kết thúc tháng 6/2020, Vinfast đã có 2.170 xe bán ra thị trường, bao gồm Fadil, Lux A2.0 và Lux SA2.0. Cụ thể, VinFast đã bán được 1.364 xe Fadil, 467 xe Lux A2.0 và 339 xe Lux SA2.0. So với tháng trước đó, doanh số tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng (tăng từ 2.161 xe lên 2.170 xe) nhờ chương trình ưu đãi và hỗ trợ đặc biệt cho khách hàng.

Trong tháng 6 vừa rồi, VinFast Fadil tiếp tục góp mặt trong danh sách 10 mẫu xe bán chạy nhất trong tháng, đồng thời "vượt mặt" doanh số của đối thủ lâu năm Morning.

 

Vingroup từng được gọi là tập đoàn Technocom và thành lập từ năm 1993 tại Ucraina. Năm 2000, Technocom về Việt Nam để đầu tư về bất động sản và lĩnh vực du lịch đó là Vinpreal và Vincom. Năm 2012, Công ty cổ phần Vincom và Công ty cổ phần Vinpearl sáp nhập với nhau, chính thức trở thành một mô hình hoạt động gọi là Tập đoàn Vingroup, công ty cổ phần. 
Vingroup là một trong những tập đoàn tư nhân đa ngành lớn nhất Châu Á với giá vốn hoá trên thị trường gần 16 tỷ USD. Giá cổ phiếu Vingroup (VIC) lúc 9h30 sáng 29/7/2020 là 84.500 đồng. Tập đoàn Vingroup hoạt động mạnh trong 3 lĩnh vực kinh doanh bao gồm Công nghệ, Công nghiệp và dịch vụ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục