Vĩnh Phúc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo

09:12' - 10/09/2022
BNEWS Những năm qua, Vĩnh Phúc luôn xác định tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với thực tiễn.

Tỉnh Vĩnh Phúc đang chỉ đạo các ngành, đơn vị, chính quyền địa phương phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ.

 

Những năm qua, Vĩnh Phúc luôn xác định tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, cũng như tỉnh Vĩnh Phúc.

Tín dụng chính sách đã thu được nhiều kết quả nổi bật, huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế xã hội.

Trong 20 năm triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ, tỉnh đã tập trung nguồn lực tín dụng qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay được trên 515.000 lượt người nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt trên 10.369 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt trên 6.938 tỷ đồng.

Tổng dư nợ 15 chương trình tín dụng chính sách đến 31/7/2022 đạt trên 3.547 tỷ đồng, tăng 3.427 tỷ đồng, gấp 29,55 lần so với dư nợ khi thành lập, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm là 18,45% với 78.338 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư, phủ kín đến 100% thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận thuận lợi, kịp thời, giúp 148.223 hộ nghèo, 26.835 hộ cận nghèo thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 131.591 lao động; giúp 70.406 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để em nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính.

Tín dụng chính sách xã hội còn hỗ trợ xây mới và cải tạo 339.117 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng 5.038 ngôi nhà cho hộ nghèo, 373 hộ vay vốn Nhà ở xã hội, giúp doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc cho 3.384 lượt lao động.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết, để tiếp tục thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, Vĩnh Phúc đang yêu cầu các đơn vị phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp tập trung nguồn lực giúp Ngân hàng thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội; các sở ngành, đơn vị, các quỹ ngoài ngân sách của tỉnh... mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng, đồng thời gửi các khoản tiền tạm thời nhàn rỗi, hiện đang gửi tại các tổ chức tín dụng khác vào Ngân hàng Chính sách xã hội để tăng cường nguồn lực, bổ sung nguồn vốn cho hoạt động tín dụng.

Hằng năm, tỉnh cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, đảm bảo theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, phấn đấu đến hết năm 2025 đạt 1.000 tỷ đồng; cấp huyện cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện hằng năm (phấn đấu đến hết năm 2025 đạt 20 tỷ đồng/huyện, thành phố) để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đảm bảo hoàn thành tốt chỉ tiêu tăng trưởng nguồn vốn ngân sách được giao hàng năm.

Vĩnh Phúc đề nghị ngành chức năng, cơ quan báo chí đứng chân tại địa bàn tích cực đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chính sách tín dụng của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác dưới nhiều hình thức, đặc biệt là tuyên truyền về trách nhiệm, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của hộ vay ngay từ khâu bình xét cho vay; chú trọng, làm tốt công tác tuyên truyền, công khai chủ trương, chính sách và kết quả thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại điểm giao dịch xã nhằm phát huy vai trò giám sát toàn dân trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội đối với việc triển khai tín dụng chính sách xã hội, đảm bảo vốn tín dụng chính sách được chuyển tải đến đúng đối tượng thụ hưởng, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện, hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách..../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục