Vĩnh Phúc yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm nếu để phát sinh các khoản tạm ứng quá hạn

11:46' - 25/07/2024
BNEWS UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Cục Thuế tỉnh, Chi cục Hải quan tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị rà soát toàn bộ nguồn phát sinh thu, số thuế còn được gia hạn...
Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành Công văn số 5190/UBND-KT4 yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh rà soát, tăng cường giải pháp quản lý nguồn thu ngân sách nhà nước; điều hành hiệu quả các nhiệm vụ chi ngân sách địa phương; trong đó có việc yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân nếu để phát sinh các khoản tạm ứng quá hạn.

Theo đó, đối với quản lý thu ngân sách nhà nước, UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Cục Thuế tỉnh, Chi cục Hải quan tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị rà soát toàn bộ nguồn phát sinh thu, số thuế còn được gia hạn, nắm chắc đối tượng nộp ngân sách trên địa bàn tỉnh để có giải pháp quản lý thu phù hợp, hiệu quả, khai thác các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng như kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, dịch vụ giải trí, ăn uống…

 
Cùng với đó, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác vào ngân sách nhà nước. Đôn đốc thu đối với số thuế được gia hạn đến hạn phải nộp vào ngân sách nhà nước, thực hiện linh hoạt, hiệu quả hoàn thuế, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng và theo đúng quy định. Tăng cường thanh tra thuế, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ khai thuế, hoàn thuế, phát hiện, xử lý kịp thời gian lận thuế, hóa đơn, trốn thuế, chuyển giá; kiểm soát chặt chẽ giá tính thuế, nhất là giá tính thuế trong lĩnh vực hải quan.

Với quản lý chi ngân sách nhà nước, tỉnh giao Sở Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị chủ động báo cáo rà soát nhiệm vụ chi, nguồn kinh phí đã bố trí trong dự toán (bao gồm kinh phí đã giao trong dự toán đầu năm 2024 của các cơ quan, đơn vị và kinh phí thực hiện các dự án/công trình bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa) đến nay chưa hoàn thiện thủ tục, không có khả năng thực hiện trong năm 2024 để thu hồi, điều chuyển sang nhiệm vụ khác; tổng hợp toàn bộ nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách chế độ mới ban hành, các nhiệm vụ mới phát sinh, các nhiệm vụ chưa bố trí đủ kinh phí để xem xét bố trí theo mức độ cấp thiết, đảm bảo tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách.

Tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc để phát sinh các khoản tạm ứng quá hạn; yêu cầu xử lý nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan. Kho bạc Nhà nước tỉnh chủ trì, phối hợp với các chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan, nghiêm túc rà soát tất cả các dự án có tạm ứng quá hạn và đẩy mạnh các biện pháp thu hồi đối với các khoản tạm ứng quá hạn có liên quan đến nhà thầu; hàng tháng có văn bản đôn đốc các chủ đầu tư thu hồi tạm ứng theo quy định.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện các hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các đơn vị tập trung thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024. Điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán, đúng chế độ, tiêu chuẩn định mức, phân cấp quản lý ngân sách, giải ngân vốn trong phạm vi kế hoạch; bảo đảm kinh phí cho an sinh xã hội, phòng chống dịch bệnh...

Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian qua, các sở, ban, ngành, địa phương đã rất cố gắng trong tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, quyết toán, kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch được tăng cường; một số sai phạm trong quản lý tài chính - ngân sách nhà nước đã được phát hiện và xử lý nghiêm; nhiều cơ chế, chính sách về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước chưa phù hợp đã được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, góp phần hoàn thiện thể chế, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài chính - ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, qua kiểm toán, thanh tra thời gian qua cũng cho thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế, lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước... ảnh hưởng đến kỷ cương, kỷ luật hành chính và hiệu quả sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước.

Những năm gần đây, thu ngân sách nhà nước của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn duy trì ở mức cao so với các tỉnh, thành trong cả nước. Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước (không tính hoàn thuế) của tỉnh Vĩnh Phúc đạt 40.353 tỷ đồng, đánh dấu mốc thu ngân sách mới sau 25 năm tái lập tỉnh. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt 31.218 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa ước đạt gần 26.000 tỷ đồng, nằm trong 8 địa phương có số thu ngân sách cao nhất của cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 15.535 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 49% dự toán, tăng 3,8% so với cùng kỳ...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục