VN - Index giảm sâu nhất trong hơn 18 năm qua

16:45' - 09/03/2020
BNEWS Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán có mức giảm kỷ lục trong hơn 18 năm qua khi hàng loạt các mã cổ phiếu đua nhau giảm sàn.
VN - Index giảm sâu nhất trong hơn 18 năm qua. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/3, chỉ số VN - Index giảm tới 6,28% xuống 835,49 điểm. Toàn sàn có tới 368 mã giảm giá; trong đó có 173 mã giảm xuống mức giá sàn, trong khi chỉ có 34 mã tăng giá và 14 mã đứng ở mức giá tham chiếu. 

HNX - Index cũng có mức giảm tới 6,44% xuống 106,34 điểm. Toàn sàn có tới 148 mã giảm; trong đó có 61 mã giảm xuống mức giá sàn, trong khi cũng chỉ có 29 mã tăng giá và 32 mã đứng giá.

Trong nhóm cổ phiếu VN30 thì cả 30 mã giảm giá; trong đó có 22 mã giảm sàn, 6 mã còn lại cũng có mức giảm giá rất sâu.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng vậy, tất cả đều giảm giá; trong đó, STP, LPB, VPB, TPB, MBB, BID, VCB, HDB, SHB, CTG giảm xuống mức giá sàn.

Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng đồng loạt giảm sàn. Theo đó, GAS, PVB, PVD, PVS, TDG, PLX đều giảm xuống giá sàn.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán có HCM, SSI, MBS, FTS, SHS... đều giảm xuống mức giá sàn.

Khối ngoại phiên hôm nay cũng bán ròng rất mạnh. Trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng 229,61 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh nhất mã MSN (hơn 98,8 tỷ đồng), VIC (hơn 57,5 tỷ đồng), HPG (hơn 30,5 tỷ đồng).

Khối ngoại trên sàn HNX bán ròng hơn 2 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là PLC (hơn 1,4 tỷ đồng), PTI (hơn 1,3 tỷ đồng).

Trên thị trường UPCoM, khối ngoại mua ròng 4,22 tỷ. Các mã được mua ròng mạnh là ACV (hơn 5,1 tỷ đồng), VEA (hơn 4,6 tỷ đồng), VTP (hơn 1,3 tỷ đồng).

Đánh giá về phiên giao dịch hôm nay, ông Trần Xuân Bách, Chuyên viên Phân tích và Chiến lược Thị trường của Công ty chứng khoán Bảo Việt - BVSC cho biết, phiên giảm điểm hôm nay là phiên giảm mạnh nhất trong hơn 18 năm qua.

Ông Bách nhận định, thị trường chịu tác động tiêu cực từ sự cộng hưởng nhiều yếu tố. Theo đó, trong khi dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đang có lây lan mạnh và chưa có dấu hiệu được kiểm soát thì tại Việt Nam dịch COVID-19 cũng đang có chuyển biến mới phức tạp hơn.

Bên cạnh đó, việc thị trường chứng khoán Mỹ giảm sâu, giá dầu lao dốc đã khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên gần như hoảng loạn và thị trường “lao dốc không phanh”.

Theo ông Bách, xu hướng giảm có thể vẫn duy trì trong những phiên tới. Về mặt kỹ thuật thì sau khi VN - Index thủng mốc 860 điểm có thể xuất hiện nhịp hồi trong 1- 2 phiên tới để kiểm tra lại mốc này.

Tuy nhiên, chuyển biến của thị trường trong trung hạn là không khả quan, ông Bách nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI), ông Lê Đức Khánh cho rằng, yếu tố tác động đến thị trường là do bệnh dịch ảnh hưởng đến nền kinh tế, từ đó tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư, gây ra việc bán tháo trên thị trường.

Hoạt động bán tháo có thể tiếp tục diễn ra trong 1 đến 2 phiên tới. Tuy nhiên, thị trường sẽ có những lực cầu bắt đáy mua vào cổ phiếu.

Thực tế, không riêng gì thị trường chứng khoán Việt Nam, sự bùng phát mạnh dịch COVID-19 trong thời gian qua đã dẫn tới sự biến động mạnh ở các thị trường trên thế giới.

Các từ "thị trường giá xuống" – chỉ trạng thái thị trường giảm 20% hay nhiều hơn so với mức cao trước đó - và "suy thoái kinh tế" đang được sử dụng với tần suất ngày càng tăng khi các nhà đầu tư cố gắng đánh giá mức độ thiệt hại của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 sẽ gây ra đối với tăng trưởng kinh tế thế giới cũng như mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh này đối với giá các loại tài sản trên toàn cầu.

Sự bùng phát mạnh dịch COVID-19 trong thời gian qua đã dẫn tới sự biến động mạnh ở các thị trường trên thế giới.

Nhiều nhà đầu tư nói rằng hiện rất khó đoán diễn biến tiếp theo của dịch COVID-19 cũng như hiệu quả của các biện pháp ứng phó của các nước, khiến việc đánh giá chính xác những thiệt hại kinh tế mà dịch bệnh này gây ra đối với các thị trường tài sản là hoàn toàn không dễ dàng.

Ngân hàng Rabobank cho biết chiến lược ban đầu ở hầu hết các nước phương Tây là “án binh bất động” đã không mang lại hiệu quả.

Ông John Lekas, Giám đốc điều hành và Giám đốc danh mục đầu tư cao cấp tại Leader Capital, cho rằng thị trường đã không theo kịp diễn biến thực tế và thị trường chứng khoán có thể sụt giảm khoảng 20% trong năm 2020. Thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm khoảng 12% so với thời điểm đóng cửa ngày giao dịch 19/2.

Trong khi đó, giá dầu đã giảm khoảng 30% sau khi Saudi Arabia đã giảm mạnh giá dầu xuất khẩu trong bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh không nhất trí về việc cắt giảm thêm sản lượng để hỗ trợ thị trường “vàng đen” do Nga không ủng hộ đề xuất này.

Động thái trên của Saudi Arabia – quốc gia sản xuất dầu hàng đầu OPEC - được coi là sự khởi động “cuộc chiến giá dầu” với Nga – một trong những nước sản xuất dầu lớn trên thế giới.

Ông Ken Polcari, chiến lược gia thị trường cao cấp tại SlateStone Wealth LLC ở Jupiter, Florida, cho biết các yếu tố như dịch COVID-19 và giá dầu giảm mạnh đã tác động tiêu cực tới tâm lý của các nhà đầu tư.

Trong khi đó, các nhà phân tích tại Deutsche Bank đã phác thảo một kịch bản trong đó chỉ số tổng hợp S&P 500 của thị trường chứng khoán Phố Wall rơi vào trạng thái “thị trường giá xuống” nếu dịch COVID-19 không nhanh chóng được ngăn chặn. Chỉ số S&P đã giảm khoảng 8% so với mức đỉnh vào ngày 6/3.

Theo kịch bản dự báo chính của Deutsche Bank, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ giảm 15-20% và sau đó phục hồi. Trong khi đó, một dự báo bi quan hơn cho rằng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ giảm mạnh hơn con số ước tính trên và sau đó kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục