VNM đặt kế hoạch doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2017

13:35' - 01/12/2016
BNEWS Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (HOSE: VNM) vừa công bố thông tin về đợt chào bán cổ phần của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) ra công chúng.

Theo thông tin công bố, hiện tại hoạt động chính tạo ra doanh thu và lợi nhuận của Vinamilk chủ yếu là chế biến, sản xuất và kinh doanh sữa tươi, sữa hộp, sữa bột, bột dinh dưỡng, sữa chua, sữa đặc, sữa đậu nành, nước giải khát và các sản phẩm từ sữa khác. Bên cạnh đó là hoạt động chăn nuôi bò sữa nhằm mục đích chính là cung cấp sữa tươi nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các sản phẩm từ sữa của Công ty.

Năm 2015, Vinamilk ghi nhận doanh thu là 40.080 tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2014. Lợi nhuận gộp đạt 16.262 tỷ đồng, tương đương với tỷ suất lợi nhuận gộp là 40,6%, tăng 42,8% so với năm 2014 (lợi nhuận gộp năm 2014 là 11.392 tỷ đồng, tương đương mức lợi nhuận gộp là 32,5%). Lợi nhuận sau thuế đạt 7.770 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2014.

Trong đó, thị trường xuất khẩu đóng góp khoảng 13% vào tổng doanh thu hợp nhất của Công ty trong năm 2015. Tính đến cuối năm 2015, Công ty xuất khẩu đi hơn 43 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bình quân trong 5 năm qua của Vinamilk lần lượt đạt mức 16%/năm và 12%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của ngành, Trong năm 2015, Vinamilk đã sản xuất và đưa ra thị trường hơn 6 tỷ sản phẩm sữa các loại và giữ vị trí hàng đầu về thị phần theo sản lượng ở tất cả các phân khúc sản phẩm.

Riêng mảng Nước giải khát, VNM cho biết, năm 2015, thị phần của mảng này chưa đáng kể nhưng vẫn có nhiều triển vọng phát triển trong các năm tới.

Hệ thống phân phối rộng khắp là một trong những yếu tố quan trọng giúp VNM chiếm được thị phần áp đảo. VNM cho biết tính đến ngày 30/9/2016, Công ty có 243 nhà phân phối độc quyền, hiện diện ở tất cả các tỉnh, thành trên toàn quốc. Số điểm bán lẻ được phục vụ trực tiếp bởi nhà phân phối là hơn 215.000 điểm. Sản phẩm của Vinamilk cũng có mặt ở 1.609 siêu thị lớn nhỏ và hơn 575 cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc.

Tính đến 30/9/2016, Công ty có 200 cửa hàng trên toàn quốc và kế hoạch sẽ đạt 500 cửa hàng vào năm 2018. Ngoài ra, VNM còn được tiêu thụ tại một số khách hàng đặc biệt như bệnh viện, trường học, khách sạn, nhà hàng v.v.

Về năng lực sản xuất, VNM có 13 nhà máy sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Văn phòng bán hàng cũng được thành lập tại Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ để vận hành hệ thống phân phối trên cả nước.

Tính đến cuối tháng 9 năm 2016, Vinamilk có 10 trang trại đang hoạt động tại Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Tây Ninh và Lâm Đồng với tổng đàn bò xấp xỉ 15.000 con, trong đó có hơn 6.500 bò đang vắt sữa, dự kiến tăng lên khoảng 40.000 con trong vài năm tới. Toàn bộ giống bò đều được Vinamilk nhập khẩu từ Úc, Mỹ, New Zealand. Vinamilk đang trong quá trình xây dựng mới một trang trại bò sữa hữu cơ tại Lâm Đồng để phục vụ cho dòng sản phẩm thượng hạng là sữa tươi hữu cơ (organic) cao cấp do Vinamilk sản xuất tại Việt Nam.

Hiện nay, tổng đàn bò cung cấp sữa cho Công ty bao gồm các trang trại của Vinamilk và nông dân có ký kết hợp đồng bán sữa cho Vinamilk là hơn 120.000 con bò. Và với kế hoạch phát triển các trang trại mới, Công ty sẽ đưa tổng số đàn bò của Vinamilk từ các trang trại và của các hộ nông dân lên khoảng 160.000 con vào năm 2017 và khoảng 200.000 con vào năm 2020.

Triển vọng phát triển ngành

Trong năm 2015, doanh thu ngành sữa tại Việt Nam đạt 92.000 tỷ đồng, tăng trưởng 22,7% so với năm 2014, là một trong số những ngành hàng phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu của Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) của ngành sữa là 17% trong giai đoạn 2010-2015.

Theo VNM, mức tiêu thụ sữa trung bình đầu người tại Việt Nam còn rất thấp so với các quốc gia trong khu vực, đạt khoảng19 lít/năm/người trong năm 2015. Theo ước tính của Cục Chăn nuôi, dự báo đến năm 2020, mức tiêu thụ sữa tại Việt Nam sẽ đạt 28 lít sữa/năm/người. Do vậy, ngành sữa còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng mạnh.

Ngành sữa Việt Nam đang trong tình trạng thiếu cung. Việt Nam là quốc gia nằm trong top 20 quốc gia nhập khẩu sữa nguyên liệu nhiều nhất thế giới, do sự thiếu hụt nguồn cung từ đàn bò sữa trong nước. Nguồn nguyên liệu trong nước chỉ mới đáp ứng 30% nhu cầu sản xuất, còn lại 70% phải nhập khẩu từ New Zealand, Mỹ, EU và Úc. Vinamilk cũng đang dẫn đầu trong các công ty sữa tại Việt Nam về năng suất cho sữa của đàn bò do quy trình nuôi khép kín công nghệ cao. Với các thế mạnh về số lượng và chất lượng của đàn bò, tiềm lực tài chính mạnh và vị thế dẫn đầu thị trường, cơ hội để Vinamilk tiếp tục mở rộng thị phần và thị trường rất khả quan.

Tốc độ tăng trưởng dân số và cơ cấu dân số trẻ. Việt Nam là quốc gia đông dân (hơn 91 triệu dân), có tốc độ tăng trưởng dân số khá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới với tốc độ tăng trưởng trung bình ở mức 1,08%/năm trong vòng 10 năm trở lại đây. Trong cơ cấu dân số Việt Nam, tỷ trọng dân số trẻ em dưới 15 tuổi chiếm khoảng 37% và có xu hướng tăng dần trong những năm gần đây. Những yếu tố này hỗ trợ cho sự tăng trưởng của ngành sữa trong dài hạn do đối tượng khách hàng góp phần tiêu thụ phần lớn các sản phẩm sữa (bao gồm cả sữa bột, sữa nước và sữa chua) là trẻ em trong độ tuổi dưới 15 tuổi.

Thu nhập bình quân đầu người có xu thế gia tăng, kết hợp với xu thế cải thiện thiện sức khỏe và tầm vóc của người Việt Nam khiến cho nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sữa luôn giữ mức tăng trưởng cao. Ngoài ra, sữa được xem là mặt hàng thiết yếu nên ít chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế.

Theo đánh giá của Euromonitor, ngành sữa Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng lớn khi nhu cầu tiêu thụ được dự báo tăng trưởng 9%/năm trong những năm tiếp theo.

Triển vọng phát triển

Một số mục tiêu chiến lược Vinamilk đưa ra trong 5 năm tới như sau:

Tăng trưởng doanh thu với mức tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 8%. Để đạt mức tăng trưởng này, VNM sẽ ưu tiên vào việc gia tăng sản lượng tiêu thụ trên cơ sở giá bán hợp lý cũng như phát triển thêm dòng sản phẩm cao cấp để lấy thêm thị phần không những từ các đối thủ nước ngoài mà cả các đối thủ trong nước.

Tăng trưởng thị phần trung bình từ 1 – 1,5% hàng năm đối với từng nhóm sản phẩm.

Vẫn tập trung vào ngành sữa và các sản phẩm liên quan đến sữa. Công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển (R&D) các sản phẩm mới với mục đích đa dạng hóa danh mục sản phẩm trên cơ sở phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng và nhu cầu sử dụng sản phẩm của nhiều tầng lớp khác nhau.

Ưu tiên tập trung phát triển tại thị trường nội địa do tiềm năng tại thị trường này còn rất lớn, đặc biệt là tại khu vực nông thôn do sức tiêu thụ các sản phẩm sữa tại vùng nông thôn hiện tại chỉ tương đương 50% sức tiêu thụ sữa tại khu vực thành thị, trong khi tỷ lệ cơ cấu dân số ở thành thị/nông thôn hiện vào khoảng 65%/35%.

Triển vọng tăng trưởng tại thị trường nước ngoài tiếp tục tăng cao khi vào tháng 02/2016, nhà máy sữa Angkor Dairy Products tại Campuchia do Vinamilk (sở hữu 51%) và Công ty BPC (sở hữu 49%) liên doanh hợp tác đã chính thức đi vào hoạt động với các sản phẩm bao gồm sữa nước, sữa chua và sữa đặc có đường. Campuchia được biết đến như một thị trường tiềm năng đối với ngành sữa khi là một nước đang phát triển, tỷ lệ dân số trẻ cao và ý thức chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cải thiện. Trong 9 tháng đầu năm 2016, nhà máy sữa Angkor đã đạt doanh thu 10,2 triệu USD, tương đương 68% kế hoạch đề ra. Mức tăng trưởng bình quân mỗi năm đến hết năm 2024 dự kiến đạt khoảng 15%.

Tiếp tục tìm kiếm các cơ hội M&A với các công ty sữa tại các quốc gia khác khi có cơ hội đầu tư tốt với mục đích mở rộng thị trường, tăng doanh số, đồng thời cũng là cơ hội tốt để Công ty quảng bá thương hiệu đối với người tiêu dùng trong nước.

Với các chiến lược phát triển như trên, VNM đặt kế hoạch doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2017 và trở thành 01 trong 50 nhà máy sữa lớn nhất thế giới.

Vinamilk cho biết, do ngành sữa của Việt Nam còn kém phát triển so với các quốc gia khác trong khu vực và với vai trò dẫn đầu trong ngành sữa với nguồn lực tài chính vững mạnh, hệ thống phân phối rộng khắp và giá bán hợp lý, tiềm năng tăng trưởng của Vinamilk trong các năm sắp tới còn rất lớn.

Dù vậy, Vinamilk vẫn thận trọng rằng, hiện Công ty vẫn đang nắm vị trí dẫn đầu trong ngành sữa, tuy nhiên, mức độ cạnh tranh trong ngành sữa ngày càng gia tăng, khiến việc mở rộng thị phần của Công ty trong những năm gần đây gặp nhiều khó khăn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục