Vỡ hụi ở Thanh Hóa, nhiều gia đình điêu đứng

13:02' - 27/04/2016
BNEWS Những ngày này nhiều người dân ở các vùng quê nghèo của huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, đang hết sức lo lắng bởi vì, nhiều chủ hụi không đủ khả năng trả nợ.
Nhiều hộ gia đình ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa, điêu đứng vì vỡ hụi. Ảnh minh họa: Trần Tĩnh -TTXVN
Những ngày này nhiều người dân ở các vùng quê nghèo của huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa đang hết sức hoang mang, lo lắng bởi hàng chục tỷ đồng của họ đang có nguy cơ tan thành... tro bụi khi nhiều chủ hụi không đủ khả năng trả nợ. Thực trạng này khiến nhiều người có nguy cơ mất đến hàng tỷ đồng, người ít cũng mất đến hàng chục triệu đồng. 
Tại xã Phú Sơn, huyện Tĩnh Gia, hơn 70 hộ dân đã làm đơn khiếu nại lên các cấp chính quyền địa phương với số tiền nêu trong đơn đã lên đến 20 tỷ đồng. Theo phản ánh của các hộ dân, 70 hộ dân ở đây đã cho vợ chồng anh N.V.T sinh năm 1979 và T.T.H sinh năm 1981 thường trú tại thôn Trung Sơn (xã Phú Sơn) vay nợ để hưởng lãi suất cao. Tuy nhiên, đến hạn mà không thấy chủ hụi trả nợ nên họ đồng loạt kiến nghị lên chính quyền địa phương để được giải quyết. 
Bà Đỗ Thị Nhân (thôn Trung Sơn, xã Phú Sơn) cho biết: Gia đình bà vừa phải tiết kiệm vừa phải đi vay nợ thêm để có được số tiền 300 triệu đồng và tham gia 6 phường hụi. Nhưng hiện nay chủ hụi không có khả năng thanh toán khiến gia đình bà có nguy cơ mất trắng số tiền trên. Tại xã Phú Sơn, nhiều gia đình cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự bà Nhân, nhà góp hụi ít thì 200-300 triệu đồng, nhà góp hụi nhiều lên đến cả tỷ đồng. 
Ông Nguyễn Quý Do, Chủ tịch UBND xã Phú Sơn, huyện Tĩnh Gia cho biết: Trong xã có khoảng 15 chủ hụi. Các chủ hụi này đưa ra mức lãi suất rất cao (trên 3%/tháng) nhằm thu hút được nhiều vốn của người nông dân. Đến năm 2015 tình trạng các hộ dân chơi hụi rộ lên. Đến nay các chủ hụi mất khả năng trả nợ, nhiều hộ dân đã kéo đến nhà chủ hụi gây áp lực để thu nợ. Thậm chí họ còn nhắn tin đe dọa, khiến chủ hụi phải đóng cửa đi lánh nạn ở nơi khác. Để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn xã Phú Sơn, Công an xã phải trực 24/24 giờ đảm bảo an ninh trên địa bàn, tránh tình huống xấu có thể xảy ra. 
Tại xã Phú Lâm (huyện Tĩnh Gia) nhiều gia đình cũng có nguy cơ mất trắng hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng. Tại đây các hộ liên kết với nhau để hình thành các tổ, hoạt động dưới hình thức cho vay lấy tiền lãi. Số tiền huy động cũng lên đến cả chục tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Tình (thôn Trung Sơn, xã Phú Sơn) cho biết , bà cũng tham gia góp tiền ngoài việc với các hộ dân ở trong xã với số tiền lên đến 800 triệu đồng và tham gia thêm 1 tổ chơi hụi ở xã Phú Lâm với số tiền 170 triệu đồng. Nhưng đến nay gia đình bà đang có nguy cơ mất trắng số tiền trên. Sau này không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ cho bà con hàng xóm, họ hàng. 
Trước thực trạng trên, Công an tỉnh Thanh Hóa, Công an huyện Tĩnh Gia đang khẩn trương tìm hướng giải quyết kịp thời vụ vỡ hụi hàng chục tỷ đồng. Trước mắt, các lực lượng chức năng ngăn chặn không để các chủ hụi tẩu tán tài sản hoặc bỏ trốn. 
Đại tá Nguyễn Văn Bính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Công an tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo thành lập 3 tổ công tác triệu tập các chủ phường hụi. Tại xã Phú Sơn, huyện Tĩnh Gia, lực lượng công an đã làm việc với 15 chủ hụi của xã Phú Sơn và được biết số tiền tham gia hụi đã lên đến 38 tỷ đồng. 
Nhiều hộ gia đình tham gia chơi hụi đã lâu, nhưng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã không kịp thời phát hiện, xử lý. Trong số các gia đình tham gia chơi hụi có nhiều người là cán bộ, hoặc người thân của cán bộ chủ chốt ở các xã, nên người dân đã cả tin, không phản ánh lên cơ quan chức năng cho đến khi vụ việc vỡ lở. 
Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều vụ các chủ hụi hoặc các gia đình đứng ra huy động tiền của nhân dân với chiêu bài không mới nhưng vẫn hiệu quả đó là vay của người dân với lãi suất cao ở các xã Nga Thạch (huyện Nga Sơn), xã Thiệu Thịnh (huyện Thiệu Hóa), thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh... với số tiền lên đến cả hàng tỷ đồng. Do hám lời, nhiều người dân không chỉ lấy tiền dành dụng của gia đình mà còn đi vay của các hộ gia đình, người thân để cho vay nhằm kiếm tiền lãi suất cao. Mức cho vay này đều cao hơn mức quy định trần lãi suất của Ngân hàng nhà nước. Khi các chủ hụi vỡ nợ, khiến những đồng tiền tiết kiệm dành dụm bấy lâu của người dân có nguy cơ mất trắng. Trường hợp vỡ hụi ở Tĩnh Gia lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng vay vốn với lãi suất cao ở các làng quê nghèo, khi các chủ hụi vỡ nợ cũng khiến người dân rơi vào tình cảnh trắng tay. Các cấp chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, ngăn chặn tình trạng vay và cho vay nặng lãi để tránh rủi ro cho người dân./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục