Vốn chính sách hỗ trợ đẩy lùi tín dụng đen vùng dân tộc thiểu số

17:48' - 17/08/2020
BNEWS Trong 15 chương trình tín dụng của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai đang triển khai có đến 14 chương trình mà đối tượng thụ hưởng là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Các chương trình tín dụng này giúp hàng chục nghìn hộ dân tộc thiểu số có nhà ở ổn định, công trình nước sạch. Hơn 5.000 sinh viên có tiền trang trải chi phí học tập. Hơn 110.000 hộ có vốn phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Đặc biệt là tác dụng đẩy lùi nạn tín dụng đen trong vùng dân tộc thiểu số là thực trạng nhức nhối trong vùng Tây Nguyên thời gian qua.

Ông Đinh Duy Vượt, Phó trưởng Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Gia Lai cho biết, ông đánh giá cao hoạt động của các ngân hàng trên địa bàn, đặc biệt là Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai trong việc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đẩy lùi tín dụng đen trên địa bàn.

Thực tế cho thấy, các chương trình chính sách được đưa về tận cơ sở kết hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể chính quyền xã, thôn, làng hoạt động rất minh bạch, công khai.

Ngoài việc dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp, đội ngũ nhân viên Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai còn kết hợp hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn, giúp người dân biết cách tổ chức sản xuất, do vậy tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm đáng kể, tỷ lệ nợ xấu ít.

Sau 18 năm hoạt động (từ 2002-2020), doanh số cho vay của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai đạt trên 11.600 tỷ đồng, với trên 653.000 lượt hộ vay.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho hơn 312.000 lượt hộ dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo với dư nợ gần 5.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, với các chương trình tín dụng của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai thời gian gần đây phần nào góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen trong vùng dân tộc thiểu số.

Trước đây, khi chưa có vốn đầu tư sản xuất, các hộ dân tộc thiểu số thường vay tiền lãi suất cao của một số đối tượng hoạt động tín dụng đen, khi không có tiền trả nợ, các đối tượng này bắt buộc người dân phải cầm cố nhà cửa, tài sản, thậm chí cả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để trả nợ, nếu không sẽ dùng vũ lực ép buộc.

Sau khi lực lượng chức năng trên địa bàn vào cuộc, các đối tượng hoạt động cho vay lãi suất cao đổi sang hình thức đầu tư ban đầu như phân bón, giống cây trồng cho người dân trồng trọt, đến mùa thu hoạch, ép buộc người dân phải bán nông sản giá rẻ để trừ nợ.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nạn tín dụng đen trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai được đẩy lùi đáng kể. Người dân đã biết tiếp cận vốn vay ngân hàng chính sách để đầu tư sản xuất, thoát nghèo, nhiều gia đình khá lên, có của ăn, của để.

Tuy nhiên, việc đầu tư vào trồng trọt ít được bà con chú trọng hơn trước, vì giá cả bấp bênh, không có đầu ra cho sản phẩm, dịch bệnh nhiều khiến ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Do đó, hầu hết các nguồn vốn vay đều được bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn tập trung mua bò sinh sản.

Chị Đinh H'Linh, làng Tơ Nung, xã Ya Ma, huyện Krong Chro cho hay, trước đây, gia đình chị thuộc hộ nghèo, không có vốn sản xuất, cũng không biết cách phát triển sản xuất. Năm 2018, chị được tiếp cận vay 20 triệu từ nguồn vốn ngân hàng chính sách xã hội để mua 2 con bò.

Được tổ trưởng tổ vay vốn ngân hàng chính sách hướng dẫn mua bò giống tốt, chị xây chuồng bò, lấy phân bón cho cây trồng, tập trung trồng lúa lấy rơm cho bò ăn vào mùa hạn.

Năm 2020, gia đình chị thoát nghèo, đàn bò đã được 4 con, chị dự tính năm sau sẽ bán bớt một con để trả hết nợ cho ngân  hàng.

Xã Yang Bắc, huyện Đăk Pơ có hơn 1.000 hộ dân với hơn 80% là người dân tộc Bahnar, đời sống chủ yếu dựa vào trồng mía, sắn. Những năm gần đây do tình hình khô hạn, nông sản mất giá, nhiều diện tích cây trồng bị thiệt hại về kinh tế, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Những năm trở lại đây, nhờ các đoàn thể cơ sở đẩy mạnh trong tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận vốn ngân hàng chính sách, hiện toàn xã có  350 lượt vay với dư nợ 4,8 tỷ đồng.

Ông Võ Viết Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Yang Bắc, huyện Đăk Pơ cho biết, mạnh dạn vay trung bình từ 30-50 triệu đồng/người, bà con trong xã đầu tư chủ yếu vào mua bò giống.

Hiện tại, đàn bò của bà con trong xã có khoảng gần 3.000 con. Nhờ nguồn vốn ngân hành chính sách nhiều ưu đãi, lãi suất thấp bà con có cơ hội phát triển kinh tế, đời sống ổn định hơn.

Các hộ này được vay vốn chương trình tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế, tạo việc làm ổn định, không phải vay nóng lãi suất cao hay.

Ngoài ra, hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn được thụ hưởng các chương trình tín dụng dành cho tiêu dùng như cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở hộ nghèo, cho vay nhà ở xã hội, học sinh sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Chị Đinh Thị Ren, dân tộc Bahnar, làng Chro Ktu Đăk Yang, xã Yang Bắc, huyện Đăk Pơ cho hay, trước đây vì lấy giống, phân bón từ một số đối tượng đầu tư mà gia đình chị sau khi thu hoạch đã không còn dư dả nhiều, tính ra lãi suất của việc cho vay bằng phân bón, con giống rất cao.

Nay, nhờ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng chính sách, gia đình chị đăng ký vay 50 triệu đồng; trong đó, 30 triệu đồng chị dùng để phát triển diện tích mía và mua bò sinh sản, 20 triệu đồng còn lại chị đầu tư xây dựng công trình nhà vệ sinh nước sạch cho gia đình. Năm 2021 đến hạn trả ngân hàng, chị đã chuẩn bị đủ nguồn tiền để đáo hạn.

Gia đình chị nay đã thoát nghèo, nhà cửa khang trang, có nhà vệ sinh sạch sẽ, mua sắm được nhiều vật dụng phục vụ sinh hoạt và có cả một khoản tiền tiết kiệm.

Vốn tín dụng chính sách đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có vốn đầu tư sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình, qua đó góp phần ổn định xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Nguồn vốn chính sách xuống đến tận thôn, làng, tiếp cận được đến tay người dân là nhờ sự hỗ trợ tuyên truyền tích cực của các hội, đoàn thể địa phương như Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên, Hội Nông dân kết hợp trong các buổi tuyên truyền, họp thôn, làng để đưa thông tin nguồn vốn chính sách đến bà con người dân tộc thiểu số.

Hoạt động tín dụng chính sách từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai góp phần quan trọng vào giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.

Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 10,04%, giảm 3,3% so năm 2017; cuối năm 2019 còn 7,04% giảm 3% so năm 2018. Đây là một trong những tác động tích cực của nguồn vốn tính dụng ngân hàng chính sách xã hội trong sự phát triển chung của tỉnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục