Vì sao khó triệt tận gốc tín dụng “đen”?

15:04' - 17/08/2020
BNEWS Khi đặt vấn đề vì sao khó triệt tận gốc hoạt động tín dụng “đen” với chuyên gia tài chính thì câu trả lời chúng tôi nhận được là: “Rất khó!”.

Trước những diễn biến phức tạp của tình trạng tín dụng “đen”, ngày 15/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 12/CT-TTG 2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng “đen”.

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, liên tiếp các ổ nhóm tín dụng “đen”, tổ chức cho vay nặng lãi bị đánh sập thời gian qua đã khiến loại hình hoạt động này giảm đi rõ rệt.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn những rào cản khiến cơ quan chức năng khó triệt tận gốc loại hình này.

Tín dụng “đen” co vòi bạch tuộc

Trước thời điểm thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTG 2019, tình hình hoạt động tín dụng “đen” trên địa bàn tỉnh  Bình Dương diễn biến phức tạp, hình thành nhiều nhóm, tổ chức hoạt động dưới các hình thức vỏ bọc như công ty cho vay, công ty cho thuê tài chính, các cơ sở cầm cố thế chấp tài sản có cho vay.

Hoạt động thu nợ, đòi nợ, ép nợ của các băng nhóm tín dụng "đen" đã gây ra không ít vụ việc vi phạm pháp luật, mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá Lâm Hồng Vũ, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương cho biết, các nhóm đối tượng hoạt động hết sức chuyên nghiệp, có nguồn cung cấp tài chính, người đi tiếp thị cho vay, kẻ đi thu nợ siết nợ.

Hệ lụy của tín dụng “đen” đã làm phát sinh nhiều loại tội phạm như: bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng...

Trước tình hình đó, Ban Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương đã lên kế hoạch triệt phá các ổ nhóm tín dụng "đen". Sau hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTG 2019, Công an tỉnh Bình Dương đã bắt giữ 34 vụ với 89 đối tượng, trong đó khởi tố 26 vụ và 76 đối tượng về các hoạt động liên quan đến hoạt động tín dụng “đen”.

Theo Trung tá Lâm Hồng Vũ, bên cạnh việc triển khai quyết liệt việc phá các ổ nhóm, Công an tỉnh Bình Dương đã chủ động lên kế hoạch đưa vào quản lý 7 băng nhóm, 191 đối tượng hoạt động đơn lẻ, 64 cơ sở cầm đồ, một số công ty tư vấn thủ tục tài chính ngân hàng có biểu hiện hoạt động tín dụng “đen”. Qua đó, tội phạm liên quan đến tín dụng “đen” đã phần nào co cụm, giảm bớt không còn công khai, lộng hành như trước.

Từ câu chuyện của Bình Dương nhìn rộng ra trên cả nước có thể thấy, liên tục các thông tin triệt phá các băng ổ nhóm tín dụng “đen” trên cả nước được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải đã ghi nhận những nỗ lực của ngành công an nói riêng và các cơ quan chức năng nói chung.

Có lẽ ấn tượng với tôi nhất trong câu chuyện trao đổi với Trung tá Phạm Văn Quang thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương về hoạt động của tín dụng đen trên địa bàn tỉnh là câu nói lặp đi lặp lại nhiều lần: “Không có Chỉ thị 12 là chết đấy anh ạ, loạn lắm, phải cùng thực hiện đồng bộ nhiều địa phương triển khai mới ổn được”.

Trung tá Phạm Văn Quang cho biết, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố đã tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh với tội phạm tín dụng “đen”, đã đánh đúng, đánh trúng nhiều băng nhóm nguy hiểm, nhiều đối tượng cầm đầu cộm cán, xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Các vụ án phát sinh từ tín dụng “đen” đã được điều tra khám phá đạt tỉ lệ cao. Do đó, tình hình hoạt động tín dụng “đen” đã được kiềm chế, các hoạt động không còn trắng trợn, manh động như trước.

Đáng chú ý là nhiều nhóm đối tượng đã đóng cửa cơ sở, tháo dỡ biển hiệu, cho vay lãi suất thấp hơn. Việc đòi nợ, siết nợ giảm không còn côn đồ, manh động như trước.

Thực tế cho thấy, việc vào cuốc rốt ráo của các cơ quan chức năng đã khiến những chiếc vòi của con bạch tuộc không còn vươn ra để lộng hành nữa.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn tiềm ẩn phức tạp do hoạt động tín dụng “đen” có thu nhập cao và là nguồn sống chính của các băng nhóm.

Khó triệt tận gốc

Khi đặt vấn đề vì sao khó triệt tận gốc hoạt động tín dụng “đen” với chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu thì câu trả lời chúng tôi nhận được là: “Rất khó!”, bởi theo ông Hiếu lý giải thì thị trường tín dụng thì phải đi từ căn bản là người đi vay, từ cốt lõi ở nhu cầu vay.

Nếu theo dẫn giải của ông Hiếu thì có thể hiểu là nhu cầu vay nếu được đáp ứng sẽ giải quyết được vấn đề. Nhưng cái khó ở đây là các khoản vay dưới chuẩn, vay nóng trong thời gian ngắn thì không có tổ chức tín dụng chính thống nào đáp ứng và đấy chính là khe cửa để tín dụng “đen” lách vào.

Bên cạnh đó, theo Trung tá Phạm Văn Quang, việc tổ chức cho vay tiền với lãi suất cao đem lại nguồn thu nhập lớn nên các đối tượng không dễ dàng từ bỏ, mà sẽ chuyển sang các hình thức hoạt động tinh vi hơn nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Mặt khác, với chế tài xử phạt còn thấp nên các đối tượng sẽ tiếp tục hoạt động.

Trung tá Phạm Văn Quang cũng cho rằng, việc xử lý tội phạm tín dụng “đen” đang gặp nhiều khó khăn do các đối tượng có nhiều thủ đoạn lách luật, gây khó, xác định phạm vi giữa dân sự và hình sự của các hợp đồng cho vay cũng có khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật.

Cùng quan điểm trên, Trung tá Lâm Hồng Vũ chia sẻ thêm, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự chưa quy định chế tài xử phạt đối với hành vi cho vay lãi nặng nhưng không có tài sản cầm cố nên không xử phạt hành chính được với trường hợp cho vay tiền lãi quá mức cho phép nhưng chưa đến mức xử lý hình sự nếu hợp đồng cho vay không có tài sản thế chấp.

Bên cạnh đó, theo ông Lâm Hồng Vũ, công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là cấp giấy phép cho các công ty tài chính hoạt động chưa chặt chẽ. Việc quản lý, phát hiện vi phạm liên quan đến tín dụng “đen” còn yếu kém.

Có thể nhận thấy những rào cản thực tiễn khi triển khai công tác đấu tranh với loại tội phạm tín dụng “đen” liên quan đến pháp lý nên được các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết bởi nếu không được sự vào cuộc thường xuyên của các cơ quan chức năng thì tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng “đen” có thể hoạt động mạnh mẽ trở lại bất cứ lúc nào./.

>>>Bài cuối: Lời giải cho bài toán tín dụng “đen”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục