Vốn FDI tăng mạnh từ lựa chọn thu hút đầu tư kỹ lưỡng

11:29' - 12/08/2024
BNEWS Qua khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, niềm tin của nhà đầu tư FDI vẫn đang rất tích cực, thể hiện mong muốn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.

"Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục khởi sắc; đặc biệt chất lượng dòng vốn FDI tăng mạnh nhờ lựa chọn thu hút đầu tư kỹ lưỡng…", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ mới đây.

Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tính đến cuối tháng 7/2024, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, trong 7 tháng năm 2024, cả vốn đầu tư đăng ký và vốn đầu tư thực hiện tiếp tục tăng so với cùng kỳ, với mức tăng lần lượt là 10,9% và 8,4%.

Đặc biệt, vốn giải ngân đạt hơn 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 7 tháng của 5 năm (2020-2024).

Nhiều tổ chức quốc tế dự báo, với động lực này, hứa hẹn vốn FDI giải ngân thời gian tới sẽ cao hơn; đồng thời môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng được cộng đồng doanh nghiệp FDI đánh giá cao, cơ sở hạ tầng với nhiều dự án lớn, động lực lan tỏa... đang được triển khai đầu tư hoàn thiện là điều kiện để đón sóng đầu tư FDI thời gian tới. Đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm đến ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Đồng Nai, một trong những địa phương có dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào tỉnh. Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA) cho biết: Tổng vốn FDI thu hút trong 7 tháng năm 2024 vào tỉnh đạt 1,019 tỷ USD (đạt 146% kế hoạch năm). Các dự án FDI cấp phép mới chủ yếu thuộc các ngành sản xuất chất bán dẫn, linh kiện điện, điện tử; cơ khí chế tạo; dệt; sản xuất sản phẩm từ kim loại  đúc sẵn…

“Không có dự án nào thuộc danh mục ngành nghề có yếu tố gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động; đảm bảo các tiêu chí về công nghệ tiên tiến; phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh Đồng Nai”, đại diện DIZA cho biết.

Với dòng vốn FDI tích cực đổ vào các địa phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, qua khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, niềm tin của nhà đầu tư FDI vẫn đang rất tích cực, thể hiện mong muốn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.

Kỳ vọng về thu hút FDI những tháng cuối năm 2024, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, nhiều tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao, lạc quan về thu hút FDI của Việt Nam nhờ vào 3 yếu tố: chiến lược đa dạng hóa cung ứng đầu tư; tăng trưởng kinh tế Việt Nam có nhiều triển vọng, tác động tích cực đến chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư và yếu tố nền tảng.

“Qua khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, niềm tin của nhà đầu tư FDI vẫn đang rất tích cực, thể hiện mong muốn tiếp tục đầu tư vào nước ta. Do vậy, có thể kỳ vọng thu hút FDI cả năm 2024 có thể đạt ở mức 39 - 40 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.

Từ góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước, ông Ðỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Ðầu tư nước ngoài nhận định đang có làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam. Làn sóng thứ tư này được hình thành từ nhu cầu gia tăng đầu tư mạnh mẽ của các đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ... Cụ thể, trong chính sách hướng Nam của Hàn Quốc, Việt Nam là số 1 và nhà đầu tư Hàn Quốc ra quyết định rất nhanh, chỉ riêng Samsung đã mở rộng đầu tư lên quy mô 22 tỷ USD cho các dự án tại Việt Nam.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Võ Văn Minh, vốn đầu tư trong nước và nguồn vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm với hàng chục ngàn tỷ đồng đã tạo ra động lực lớn cho phát triển của tỉnh.

Trong bối cảnh cạnh tranh như vậy, để thu hút FDI chất lượng cao, Chủ tịch tỉnh Bình Dương đề xuất: Việt Nam phải có những chính sách ưu đãi cao và hỗ trợ ngoài thuế thu nhập doanh nghiệp cho các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, đặc biệt là ngành sản xuất chíp bán dẫn. Bên cạnh đó, cải cách thủ tục hành chính cũng cần phải được thực hiện một cách quyết liệt và triệt để hơn, tránh việc nhũng nhiễu làm giảm lòng tin của nhà đầu tư.

Cùng với đó, Việt Nam cũng cần phải nhanh chóng phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết sân bay, cảng biển, các tỉnh thành phố lớn với các trung tâm công nghiệp. Ngoài ra, hạ tầng năng lượng cũng cần được nâng cấp và tập trung đầu tư, nhất là việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu sản xuất của những dự án công nghệ cao, bảo vệ môi trường và tránh phát thải CO2 ra môi trường.

Nhấn mạnh giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh thu hút dòng vốn FDI, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Bộ này sẽ khẩn trương rà soát, quyết liệt tháo gỡ, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính để tạo động lực bứt phá.

Đồng thời, tập trung thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, chất lượng, công nghệ cao trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp FDI để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Liên quan đến phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, mới đây, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) phối hợp với Tập đoàn Cadence, Tập đoàn FPT và Tổ chức Tresemi, Hoa Kỳ đã tổ chức Tọa đàm "Phát huy vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn".

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Việc NIC phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế để xây dựng các chương trình đào tạo thiết kế vi mạch là bước tiến quan trọng trên hành trình từng bước làm chủ công nghệ của người Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là một giải pháp quan trọng để phát huy khâu đột phá về giá trị con người Việt Nam trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030.

Theo đại diện phía doanh nghiệp, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, chưa bao giờ trong thời gian ngắn như vậy, các trường đại học tham gia đào tạo ngành bán dẫn nhanh chóng, sẵn sàng. Nhìn nhận yếu tố then chốt giúp tăng cường hợp tác giữa nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa 3 bên, ông Trương Gia Bình cho rằng, cần có cơ chế rõ ràng để chia sẻ thông tin, nguồn lực và kinh nghiệm giữa các bên liên quan.

“Sự hợp tác giữa Chính phủ-Viện, Trường-Doanh nghiệp chính là đòn bẩy cho sự phát triển và đổi mới chưa từng có trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam. Sự hợp tác này cũng sẽ có nhiều trợ lực khi Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình và sẽ sớm được Chính phủ phê duyệt”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục