Vốn vay ưu đãi giúp cựu chiến binh thoát nghèo

09:58' - 22/12/2016
BNEWS Được hỗ trợ vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế, nhiều cựu chiến binh xã Bình Thành, huyện Thạnh Phú (Bến Tre), đã vận dụng phát huy hiệu quả nguồn vốn, đầu tư phát triển kinh tế thoát nghèo bến vững.

Ông Bùi Văn Sanh sau khi tham gia tình nguyện tại chiến trường Campuchia, trở về quê hương, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhà không có đất canh tác. Hàng ngày ông phải đi làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống và cái nghèo luôn theo gia đình.

Ông Sanh cho biết, cách đây 10 năm thấy chăn nuôi gia súc mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng vì không có vốn nên ông không thể thực hiện, lúc đó nếu vay ngân hàng phải có tài sản thế chấp gia đình thì không có tài sản.

Sau đó, được Hội cựu chiến binh xã Bình Thạnh đứng ra bảo lãnh nên vay được 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, sau đó mua 2 con bò cái về nuôi.

Khi đó vừa đi làm thuê vừa tìm thêm nguồn thức ăn cho bò, sau 3 năm bò sinh được 2 bò con, ông bán 1 con để trả nợ ngân hang. Thấy làm ăn có hiệu quả, ông mạnh dạn vay thêm 30 triệu đồng đầu tư chăn nuôi.

Ngoài nuôi bò, ông nuôi thêm dê bán thịt. Đến nay, đàn bò của ông có 7 con và hơn 10 con dê. Bên cạnh đó ông tích góp mua được 8.000 m2 đất để nuôi thủy sản, trồng cỏ nuôi bò.

Năm 2015, ông Sanh xin thoát khỏi danh sách là hộ nghèo, thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, sau khi vươn lên khá giàu, ông cùng chính quyền địa phương hỗ trợ các hội viên khác gặp khó khăn, hỗ trợ về con giống, kỹ thuật giúp các hội viên khác thoát nghèo.

Theo ông Sanh, có được như hôm nay nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội tin tưởng cho vay không cần thế chấp tài sản, lãi suất vay ưu đãi. Khi đó, người dân có vốn mới đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả.

Giống như ông Sanh, cựu chiến binh Lê Văn Thẳng, xã Bình Thạnh, cũng được hỗ trợ vốn vay ưu đãi 20 triệu đồng, ông Thẳng đã tìm đến mô hình nuôi dê để giúp gia đình thoát nghèo.

Theo ông Thẳng nuôi dê tốn ít vốn, thời gian nhân giống nhanh, dễ tìm thức ăn. Sau 3 năm dê sinh sản, bán đàn dê, ông hoàn vốn ngân hàng còn lãi hơn 10 triệu đồng và 2 dê nái, ông tiếp tục vay 30 triệu đồng để làm thêm chuồng trại, mua thêm con bò nái để nuôi.

Ông Thẳng cho biết, sang năm 2017 ông đăng ký thoát nghèo, gia đình hiện tại kinh tế ổn định không còn mang tiếng “nhà nghèo” nữa nên ông rất mừng.

Theo anh Triệu Văn Thi, Chủ tịch cựu chiến binh xã Bình Thành, huyện Thạnh Phú, nguồn vốn vay ưu đãi tạo điều kiện cho hộ cựu chiến binh nghèo có vốn sản xuất phát triển kinh tế, địa phương lựa chọn mô hình phù hợp giúp các hộ phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững.

Xã Bình Thạnh có 129 hộ thông qua hội cựu chiến binh vay nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội với dư nợ hơn 2,5 tỷ đồng và đã có 13 hộ đã thoát nghèo.

Theo ông Lê Văn Khuyên, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bến Tre, Hội Cựu chiến binh là 1 trong 4 đơn vị ngân hàng ủy thác cho vay đến các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo tổng dư nợ nhận ủy thác của Hội Cựu chiến binh toàn tỉnh hơn 198 tỷ tổng.

Số hộ cựu chiến binh quản lý các chương trình dư nợ hơn 12.700 hộ, với 10 chương trình cho vay, các hộ đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn để phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Ngoài ra, ngân hàng còn tổ chức phối hợp địa phương và trực tiếp đối thoại với các hộ vay để người dân tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng.

Bên cạnh đó, ngân hàng còn cùng địa phương tìm ra cách giảm nghèo, nghiên cứu mô hình phù hợp đưa đến người dân, giúp hộ nghèo xây dựng mô hình giảm nghèo bền vững.

Đồng thời sử dụng nguồn vốn của Chính phủ đúng mục đích, mang lại hiệu quả cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục