VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 64% so với cùng kỳ

17:45' - 24/04/2024
BNEWS Kết thúc quý I/2024, VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng gần 66% so với cuối năm 2023 và 64% so với cùng kỳ.

Tín dụng hợp nhất của VPBank tăng 2,1% so với đầu năm – cao hơn mức trung bình ngành 1,3%, và tăng gần 22% so với cùng kỳ, đạt gần 613 nghìn tỷ đồng. Trong đó, phân khúc SME ghi dấu ấn với mức tăng gần 14%, nhờ đẩy mạnh chiến lược thu hút khách hàng mới và số hóa quy trình cho vay nâng cao trải nghiệm cho khách hàng.

Phân khúc khách hàng cá nhân tiếp tục phát huy thế mạnh truyền thống với dư nợ cho vay đạt trên 240 nghìn tỷ đồng, với dấu ấn từ các sản phẩm cho vay kinh doanh và thẻ tín dụng, tăng lần lượt 3,4% và 4% so với đầu năm. Đáng chú ý, phân khúc cho vay mua nhà phố ghi nhận tăng trưởng 5%, chiếm tỷ trọng 51% trên tổng quy mô cho vay mua nhà, phát đi tín hiệu ấm dần của thị trường bất động sản.  

 

Cùng với tăng trưởng quy mô tín dụng, huy động từ khách hàng và giấy tờ có giá của ngân hàng hợp nhất tăng 2,4% so với cuối năm 2023 và tăng hơn 21% so với cùng kỳ, góp phần củng cố hiệu quả bảng cân đối. Tại thời điểm 31/3/2024, chi phí vốn của ngân hàng hợp nhất giảm xuống dưới 5% so với trung bình trên 6% của quý IV và cả năm 2023, định hình xu hướng giảm dần qua từng quý.

Đi qua 1/4 chặng đường của năm 2024, VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt gần 4,2 nghìn tỷ đồng, tăng gần 66% so với quý liền trước và 64% so với cùng kỳ. Riêng tại ngân hàng mẹ, lợi nhuận trước thuế của quý I đạt hơn 4,9 nghìn tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với quý IV/2023, với tổng thu nhập hoạt động tăng 15% và thu nhập lãi thuần tăng 25% so với cùng kỳ. 

Tính gộp lợi nhuận ngân hàng mẹ với VPBankS và OPES, VPBank thu về gần 5,2 nghìn tỷ đồng, tăng xấp xỉ 2 lần so với quý cuối năm 2023.

Tại FE Credit, doanh số giải ngân của công ty liên tục được cải thiện, với quý đầu năm tăng 29% so với trung bình năm 2023. FE Credit được kỳ vọng sẽ sớm tìm lại chu kỳ tăng trưởng vốn có, hướng tới mục tiêu tăng trưởng dương trong năm 2024 và tăng trưởng bền vững trong trung-dài hạn.

Hoạt động phát triển và nâng cấp các giải pháp và dịch vụ ngân hàng trên kênh số hóa đã giúp VPBank nâng cao hiệu quả hoạt động nhờ tối ưu hóa chi phí vận hành. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của ngân hàng mẹ đã giảm xuống 24,6% trong quý đầu năm 2024 (giảm đáng kể so với mức 26.1% của năm 2023). 

Còn tại VPBankS, công ty chứng khoán đã tích cực xây dựng nền tảng sản phẩm, dịch vụ chuyên biệt, “đo ni đóng giầy” với từng khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư, hướng tới mục tiêu trở thành one-stop shop – điểm đến duy nhất của mọi nhà đầu tư tới năm 2026. Website NEO Invest phiên bản mới, theo đó, đã ra mắt gần đây, cung cấp cho nhà đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư chủ động một nền tảng giao dịch đơn giản và tiện lợi, mang tới các giá trị gia tăng trên hành trình đầu tư của khách hàng.

Trong khi đó, OPES đang từng bước xây dựng nền tảng và thương hiệu bảo hiểm số, tiến tới số hóa toàn bộ hành trình trải nghiệm của khách hàng, chính thức bước vào cuộc đua chuyển đổi số của ngành bảo hiểm nhằm tối ưu doanh thu và lợi nhuận, đồng thời theo kịp bước tiến của hệ sinh thái VPBank. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục