VPI mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ ra nước ngoài

17:46' - 27/12/2018
BNEWS Năm 2018, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đẩy mạnh việc tái cơ cấu, tinh giản bộ máy, mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ ra nước ngoài và tập trung nguồn lực triển khai các chương trình nghiên cứu dài hạn.

Đây là thông tin được lãnh đạo VPI cho biết tại hội nghị trực tuyến tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tổng kết công tác năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019.

Tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Anh Đức, Viện trưởng VPI cho biết, trong năm 2018, VPI đã triển khai thực hiện 493 nhiệm vụ khoa học công nghệ; nhận xét, phản biện 8 báo cáo đánh giá trữ lượng (RAR), 1 báo cáo kế hoạch đại cương phát triển mỏ (ODP), 4 báo cáo kế hoạch phát triển mỏ (FDP), tham gia dự thảo 7 thông tư, tiêu chuẩn; có 23 bài báo/bài trình bày công bố quốc tế; 19 sáng kiến, sáng chế và giải pháp hữu ích được chấp nhận và cấp bằng độc quyền.

Các kỹ sư của VPI khảo sát lấy mẫu môi trường ở khu vực nước sâu. Ảnh: VPI

Đặc biệt, VPI đã tập trung đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai các chương trình nghiên cứu dài hạn: nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn và xây dựng chương trình thử nghiệm, áp dụng công nghiệp các biện pháp tăng cường thu hồi dầu (EOR) cho đối tượng trầm tích lục nguyên các mỏ dầu tại bể Cửu Long; nghiên cứu chế tạo xúc tác cracking công nghiệp trên cơ sở zeolite Y và zeolite ZSM-5 đa mao quản…

Đối với Bộ Công Thương, VPI đề xuất triển khai các chương trình nghiên cứu dài hạn: nghiên cứu công nghệ dự báo khai thác và tối ưu hóa nhịp độ, phân bố khai thác - bơm ép bù cho mỏ dầu khí trưởng thành sử dụng kết hợp một số thuật toán trí tuệ nhân tạo; nghiên cứu công nghệ chế tạo hệ hóa phẩm khử nhũ (demulsifier) nhằm tách nước khỏi dầu thô trong quá trình khai thác và vận chuyển dầu…

Đồng thời, VPI tăng cường tiếp xúc, tìm cơ hội hợp tác trong, ngoài nước; mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ ra ngoài nước (KIST, Québec, Hysoung…) và tập trung phát triển sản phẩm thương mại: anode hy sinh (chống ăn mòn cho chân đế giàn CTC1, mỏ Cá Tầm; gaslift RC1/3-RP1); hóa phẩm khai thác dầu khí (deoiler).

VPI cũng nghiên cứu sản xuất thử nghiệm sản phẩm phụ gia chống ăn mòn cho dầu mỡ bôi trơn và dầu công nghiệp; chế tạo xúc tác FCC trên cơ sở zeolit Y và zeolite ZSM-5 đa mao quản.

Các chuyên gia của Cục Địa chất Đan Mạch và Greenland thăm kho lưu trữ mẫu của VPI. Ảnh: VPI

Trong năm 2019, VPI sẽ tiếp tục tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh.

Cụ thể, VPI sẽ phân bổ 70% nguồn lực triển khai dịch vụ khoa học công nghệ ở trong nước, kinh doanh, sản xuất hóa chất/thiết bị dầu khí, anode; phát triển sản phẩm thương mại (phần mềm/giải pháp công nghệ thông tin, anode hy sinh, hóa chất, sản phẩm đại chúng), đăng ký bản quyền trong nước và thế giới.

VPI tiếp tục đầu tư 20% nguồn lực để triển khai các chương trình nghiên cứu dài hạn như: định hướng tìm kiếm thăm dò dầu khí truyền thống, tiềm năng dầu khí truyền thống, nâng cao hệ số thu hồi dầu, xử lý và chế biến sâu khi có hàm lượng CO2 cao kết hợp hóa dầu từ dầu thô, nâng cao năng lực cạnh tranh cho PVN...

Về 10% nguồn lực còn lại, Viện trưởng VPI Nguyễn Anh Đức cho biết, VPI sẽ tập trung triển khai các giải pháp để tạo ra sự phát triển đột phá: cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ ra thế giới; xây dựng và vận hành thử mô hình sàn khoa học công nghệ; triển khai chương trình dài hạn về năng lượng thay thế./.

>>> PVN có 5 doanh nghiệp được công nhận Thương hiệu Quốc gia năm 2018

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục