Vụ cháy Công ty Rạng Đông: Binh chủng Hóa học xét nghiệm 25 mẫu vật chất

12:26' - 07/09/2019
BNEWS 25 mẫu đất, bùn, tro xỉ, vữa tường... lấy từ đám cháy ở Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông đã được cán bộ của Viện lấy mẫu về phân tích.
Trong ảnh: Đoàn cán bộ Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường Hà Nội lắp đặt máy lọc và đo không khí tại hiện trường. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN 

Thượng tá Đậu Xuân Hoài, Phó Viện trưởng Viện Hóa học Môi trường Quân sự (Binh chủng Hóa học) cho biết, 25 mẫu đất, bùn, tro xỉ, vữa tường... lấy từ đám cháy ở Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông đã được cán bộ của Viện lấy mẫu về phân tích.

Công việc phân tích đang được khẩn trương tiến hành để sớm đưa ra kết quả. Dựa trên kết quả phân tích, Viện sẽ xây dựng phương án tiêu độc, thu gom xử lý các vật tư, hóa chất ở khu vực bị cháy của Nhà máy Rạng Đông.

Trước đó, tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Bộ đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Tư lệnh Hóa học (Bộ Quốc phòng) để lên phương án tiến hành tẩy độc khu vực bị cháy, tiếp tục thống kê chính xác hàng hóa nguyên vật liệu đang sử dụng bị cháy, đặc biệt là lượng thủy ngân lỏng để báo cáo cho cơ quan chức năng.

Thông tin về quy trình phân tích, Thượng tá Đậu Xuân Hoài cho hay: Quy trình phân tích thủy ngân tương đối phức tạp. Sau khi lấy mẫu về phải ngâm trong axit 16 tiếng, đun hồi lưu khoảng 2 tiếng... sau đó mới đưa mẫu vào chạy máy. Mỗi mẫu phải làm 3 lần để đối chứng và lấy số liệu trung bình, kiểm tra lại bằng nhiều phương pháp khác nhau.

Trước đó, cơ quan quản lý Nhà nước công bố một số kết quả quan trắc như thủy ngân trong không khí, nước, đất..., từ đó đánh giá mức độ ảnh hưởng đến người dân.

Theo Phó Viện trưởng Viện Hóa học Môi trường Quân sự, bên cạnh việc kế thừa kết quả quan trắc đó, Viện lấy thêm các mẫu tập trung vào những đối tượng mà sau này Binh chủng Hóa học phải xử lý tiêu độc.

"Chúng tôi cần biết tro xỉ cháy vương vãi trong nhà xưởng, kho, vữa tường, bùn đất ở cống rãnh, ngoài sông Tô Lịch, rồi số lượng lớn bóng đèn đã cháy… có mức độ ô nhiễm thế nào, tồn lưu trong đất ra sao, khi đó mới có phương án xử lý hiệu quả", ông Hoài phân tích.

Những vật chất nào có hàm lượng chất nguy hại nhiều thì sẽ được Binh chủng Hóa học tiêu độc, còn ở ngưỡng cho phép thì vận chuyển và xử lý thải như bình thường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục