Vụ Đông Xuân: Các vùng cơ bản đủ nước cho sản xuất nông nghiệp

16:02' - 04/01/2021
BNEWS Xâm nhập mặn mùa khô 2021 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm nhưng thấp hơn mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020.

Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Đông Xuân 2020-2021 các vùng trên cả nước cơ bản đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, một số vùng có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ vào cuối vụ nên cần sử dụng nước tiết kiệm và phân phối hợp lý, đặc biệt là các công trình thủy lợi nhỏ, vùng ngoài công trình thủy lợi phụ trách tưới. 

Tại khu vực miền núi phía Bắc, nguồn nước ở các địa phương đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2020-2021. Ngoại trừ tỉnh Lạng Sơn có các hồ chứa đạt thấp nhất 55% dung tích thiết kế nên cần sử dụng nước tiết kiệm để đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất.

Khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, hiện tại dung tích trữ của các hồ chứa thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang đạt khoảng 96% dung tích thiết kế. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có thông báo về lịch lấy nước phục vụ gieo cấy tổng cộng 18 ngày với 3 đợt. Tỉnh lấy nước từ các công trình hồ đập nhỏ có dung tích trữ thấp nhất là Bắc Giang với 60% dung tích thiết kế, tuy nhiên nguồn nước đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021.

Dự báo, vụ Đông Xuân 2020-2021 trên toàn vùng Bắc Trung Bộ cơ bản đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, một số vùng có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ vào cuối vụ như như Thanh Hóa (khoảng 600-800 ha), Thừa Thiên Huế (50-100 ha).

Khu vực Nam Trung Bộ hiện tại các hồ chứa trong vùng hầu hết đều đã đầy nước, phổ biến ở mức cao hơn so với cùng kỳ trung bình nhiều năm từ 10-30%. Vụ Đông Xuân 2021-2021, nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong vùng cơ bản đáp ứng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận có khả năng xảy ra kịch bản hạn nhẹ, cục bộ tại các công trình nhỏ, các vùng sản xuất ngoài công trình thủy lợi.

Hiện các hồ chứa thủy lợi, thủy điện Khu vực Tây Nguyên đã cơ bản tích đủ dung tích thiết kế, đảm bảo phục vụ cấp nước vụ Đông Xuân 2020-2021. Tuy nhiên, khu vực Tây Nguyên có diện tích cây trồng ngoài khu vực công trình thủy lợi khá lớn, chiếm gần 70% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, tình trạng hạn hán ở các vùng ngoài công trình thủy lợi phụ thuộc vào lượng mưa mùa khô năm 2021. Với dự báo lượng mưa mùa khô không bị thiếu hụt, hạn hán khả năng không xảy ra trên diện rộng nhưng cần đề phòng các trường hợp bất thường.

Từ tháng 1/2021 đến 3/2021, dự báo khu vực Đông Nam Bộ sẽ có khả năng xuất hiện mưa trái mùa với tổng lượng mưa tháng phổ biến 20-50 mm, nguồn nước sẽ đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2020-2021. Tuy nhiên, các địa phương cần sử dụng nước tiết kiệm và phân phối hợp lý để bảo đảm đủ cung cấp cho cả vụ Hè Thu 2021, đặc biệt là các công trình thủy lợi nhỏ, vùng ngoài công trình thủy lợi phụ trách tưới.

Nhận định xâm nhập mặn mùa khô 2021 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tổng cục Thủy lợi cho biết, xâm nhập mặn mùa khô 2020-2021 ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm nhưng thấp hơn mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020.

Cụ thể, ở vùng các cửa sông Cửu Long, diễn biến xâm nhập mặn 4g/l trong tháng 1 có khả năng xuất hiện cách biển 25-30 km trở vào lúc triều thấp, sau đó độ mặn có khả năng tăng cao; tháng 2 mặn tăng dần, nước ngọt có khả năng xuất hiện cách biển 35-40 km trở vào lúc triều thấp, sau đó độ mặn có khả năng tăng cao đến giữa tháng 2 rồi giảm dần đến cuối tháng; tháng 3 mặn tăng từ đầu tháng, cách biển từ 30-45 km trở vào có nước ngọt khi triều thấp. 

Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 mặn giảm dần; phạm vi cách biển từ 30-45 km có nước ngọt khi triều thấp, chân triều. Từ giữa tháng 4/2021 mặn giảm nhanh, nguồn ngọt xuất hiện khá dồi dào. Các vùng 25-30km trở vào có thể có nước ngọt nhất là lúc triều thấp.

Vùng sông Vàm Cỏ Tây, trong tháng 1 và tháng 2/2021, phạm vi xâm nhập mặn lớn nhất với ranh 4g/l cách cửa biển từ 75-80 km. Tháng 3, đầu tháng 4, ranh mặn 4g/l ở phạm vi 90-95 km, có thể lên đến trên cống Bắc Đông từ 7-10km. Từ giữa tháng 4/2021, phạm vi xâm nhập mặn khoảng 85-90km, từ phía trên Tân An có thể lấy nước lúc triều thấp, chân triều.

Vùng sông Vàm Cỏ Đông, trong tháng 1 và tháng 2/2021 nguồn nước ngọt vẫn còn thuận lợi, phạm vi xâm nhập mặn lớn nhất với ranh 4g/l cách biển từ 65-70 km, từ dưới Bến Lức khoảng 5-7 km trở lên vào kỳ triều thấp nguồn nước ngọt thuận lợi.

Tháng 3 và đầu tháng 4, ranh mặn 4g/l từ 85-90 km (nếu có gió Chướng). Tại Bến Lức khó có ngọt cho đến hết tháng 4, phía trên Bến Lức (15-20km), từ giữa đến cuối tháng 4/2021 phạm vi xâm nhập mặn khoảng 80-85km, tại Bến Lức có thể xuất hiện nước ngọt lúc triều thấp, chân triều.

Vùng Biển Tây (trên sông Cái Lớn, Cái Bé và ven biển), tháng 1 và tháng 2, nước ngọt dồi dào, xuất hiện cách biển 25-30 km trở vào lúc triều thấp; từ tháng 3 đến tháng 5, mặn biến động phức tạp trên sông Cái Lớn, Cái Bé và ven biển Tây, từ Ngã Ba Nước trong đến Vị Thanh đều có khả năng bị ảnh hưởng mặn trên 4g/l.

Tổng cục Thủy lợi cho biết, năm 2020, ngành thủy lợi đã đảm bảo nước gieo cấy lúa đạt 7,1 triệu ha so với diện tích gieo trồng 7,425 triệu ha./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục