Vụ hàng ngàn cây thông ở Lâm Đồng bị hạ độc: Những khuất tất trong quản lý rừng ở Lâm Hà

10:45' - 14/05/2019
BNEWS Từ nhiều năm nay trên địa bàn huyện Lâm Hà liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng, từ rừng do nhà nước quản lý cho đến rừng đã giao cho các tổ chức, cá nhân.
Công nhân Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Lâm Đồng kiểm tra các vết khoan trên thân cây. Ảnh: Quốc Hùng- Đặng Tuấn/TTXVN

Ngày 26/4, đơn vị chủ rừng là Công ty Cổ phần tập đoàn nguyên liệu giấy Tân Mai (gọi tắt là Công ty Tân Mai) phát hiện gần 3.500 cây thông 17 năm tuổi bị kẻ gian hạ độc, chết trắng trên diện tích hơn 10 ha tại xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

Sau khi tìm hiểu vụ việc, phóng viên TTXVN đã phát hiện có nhiều khuất tất trong công tác quản lý và bảo vệ rừng tại địa phương này.

Chính quyền thờ ơ

Một điều dễ dàng nhận thấy là sự thờ ơ của những người đại diện chính quyền các cấp ở huyện Lâm Hà trước việc cả một cánh rừng bị hủy hoại chết đứng. Tất cả những người đại diện cho chính quyền địa phương đều có chung một nhận định: đó là rừng của doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải tự bảo vệ.

Ông Nguyễn Hải Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thanh, cho biết: Sau khi nhận được báo cáo của Công ty Tân Mai (ngày 27/4), đến ngày 4/5 UBND xã Tân Thanh đã cử ông Nguyễn Kiều, Phó ban Lâm nghiệp xã, kiểm tra vụ việc. Trong khi đó, ông Nguyễn Kiều chỉ là Công an viên kiêm Phó ban Lâm nghiệp xã, một người không hưởng lương mà chỉ hưởng phụ cấp. Còn tất cả những cán bộ khác không đến hiện trường.

Tương tự như vậy tại chính quyền cấp huyện, ông Nguyễn Minh An, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, cũng trả lời rằng đã cử Hạt Kiểm lâm phối hợp với Công an, Viện Kiểm sát kiểm tra hiện trường ngày 4/5. Hiện tại chưa có một lãnh đạo UBND huyện nào tới hiện trường để trực tiếp nắm bắt tình hình.

Mãi đến ngày 7/5, sau khi các phương tiện thông tin đại chúng lên tiếng, lãnh đạo UBND huyện Lâm Hà và UBND xã Tân Thanh mới trực tiếp xuống địa bàn để chứng kiến hậu quả do sự quản lý lỏng lẻo đất rừng gây ra.

Đổ máu vì đất rừng

Ngày 21/8/2018, tại Tiểu khu 274A (xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà) đã xảy ra vụ chống người thi hành công vụ. Đối tượng Nguyễn Đức Long, sinh năm 1988, dùng dao chém làm hai nhân viên bảo vệ rừng của Công ty Tân Mai phải đi cấp cứu khi hai nhân viên này tham gia việc giải tỏa diện tích đất rừng bị gia đình Long lấn chiếm.

Nguyễn Đức Long sau đó đã đưa ra Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để khiếu nại việc giải tỏa sai nhằm biện minh cho hành vi chống đối. Đây chính là diện tích đất rừng do Công ty Tân Mai quản lý từ năm 2002, không hiểu vì lý do gì mà UBND huyện Lâm Hà lại cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình Long. Vụ việc này đến nay vẫn chưa được xử lý và kẻ chống người thi hành công vụ vẫn bình yên.

Theo tài liệu mà phóng viên TTXVN thu thập được thì thửa đất mà gia đình Nguyễn Đức Long có Giấy chứng nhận quyền sử dụng chính là diện tích đất đã được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Công ty Tân Mai trồng rừng từ năm 2002. Năm 2013 ông Nguyễn Đức Tài (sinh năm 1965, cha của Long) đã chặt phá cây thông trên diện tích 150m2 do Công ty Tân Mai quản lý.

Trước các biện pháp xử lý của chủ rừng và chính quyền xã Gia Lâm, ông Tài đã nộp phạt và cam kết không vi phạm. Năm 2015, có sự tham gia của chính quyền xã Gia Lâm, Công ty Tân Mai lại tiếp tục lập biên bản về hành vi ông Tài dùng máy cơ giới phá rừng, lấn chiếm diện tích đất rừng của đơn vị. Ông Đào Văn Hinh, Chủ tịch UBND xã Gia Lâm, đã xác nhận vào tất cả các biên bản, báo cáo vụ việc này.

Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà ngày 19/9/2016 UBND huyện Lâm Hà vẫn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CA 800851 do Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Minh An ký cho ông Nguyễn Đức Tài trên diện tích 2.914m2. Đáng chú ý, trong diện tích đất trên có tới 1.547,7m2 là đất đã được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Công ty Tân Mai trồng rừng từ năm 2002.

Ngay sau đó một tháng ông Nguyễn Đức Tài đã làm thủ tục cho tặng diện tích đất trên cho con trai là Nguyễn Đức Long (có xác nhận của Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Lâm Hà trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Sau khi phát hiện sự việc trên Công ty Tân Mai đã làm văn bản kiến nghị UBND huyện Lâm Hà.

Đến ngày 16/3/2018 ông Nguyễn Minh An đã ký Quyết định thu hồi, hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên nhưng "quên mất" rằng chủ sở hữu lúc đó đã là Nguyễn Đức Long nên vẫn thu hồi đất của… ông Nguyễn Đức Tài. Bởi vậy Nguyễn Đức Long lập luận rằng UBND huyện Lâm Hà thu hồi mảnh đất nào đó của ông Tài chứ không phải đất của Long.

Làm việc với phóng viên TTXVN, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Minh An vẫn khẳng định: “UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, nếu như có hiện tượng cấp chồng, cấp không đúng quy định trên diện tích đất lâm nghiệp thì huyện sẽ thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp. Đồng thời, huyện sẽ xem xét xử lý trách nhiệm đối với các cán bộ, tổ chức có liên quan. Hiện Phòng Tài nguyên - Môi trường và UBND xã đang tổ chức kiểm tra rà soát…”.

Ai bảo kê - ai phá rừng Lâm Hà?

Từ nhiều năm nay trên địa bàn huyện Lâm Hà liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng, từ rừng do nhà nước quản lý cho đến rừng đã giao cho các tổ chức, cá nhân. Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà, riêng trong năm 2018 đã xảy ra 102 vụ phá rừng, tăng 48 vụ so với năm 2017, diện tích bị phá là 28,5ha, trong đó có 53 vụ chưa xác định được đối tượng. Trong quý 1 năm 2019 trên địa bàn đã xảy ra tám vụ phá rừng với diện tích 3ha (không kể vụ hủy hoại rừng ở Tân Thanh vừa qua), chỉ có một vụ xác định được đối tượng.

Vụ việc gần đây nhất là ngày 3/4/2019 cũng tại Tiểu khu 292, nơi xảy ra vụ hạ độc rừng thông, UBND xã Tân Thanh đã lập biên bản đối với đối tượng Nguyễn Văn Lợi (sinh năm 1996, trú tại xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà) về việc thuê máy xúc vào phá rừng, múc hố trồng cà phê trên 10.190m2 đất lâm nghiệp của nhà nước do Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý và 2.923m2 đất trồng rừng đã giao cho Công ty Tân Mai quản lý.

Đơn vị chủ rừng khẩn cấp xây dựng Trạm bảo vệ rừng tại hiện trường vụ việc. Ảnh: Quốc Hùng- Đặng Tuấn/TTXVN

Nguyễn Văn Lợi trình bày trong biên bản làm việc là diện tích đất lâm nghiệp của nhà nước đó là do anh này mua của anh L, Công an huyện Lâm Hà, và anh K trú ở xã Tân Hà từ tháng 9/2018 với giá 250 triệu đồng. “Anh L” thì đã được đối tượng này khai rõ đơn vị công tác.

Còn “anh K”, theo người dân địa phương cho biết là một ông trùm khét tiếng, chuyên tổ chức các nhóm người phá rừng dưới sự bảo kê của một số cán bộ cơ quan thực thi pháp luật ở huyện Lâm Hà, khiến nhiều người dân và thậm chí cả cán bộ xã phải kinh sợ. Trong vụ này đối tượng cũng chỉ bị phạt 1,5 triệu đồng và máy xúc được trả lại cho chủ. Người thuê máy bị phạt 4 triệu đồng. Hai ngày sau chiếc máy đó lại vào “hoàn thành nốt hợp đồng” đã thuê mướn.

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã trực tiếp xuống kiểm tra hiện trường, đồng thời giao cho các cơ quan chức năng huyện Lâm Hà điều tra làm rõ vụ hàng ngàn cây thông bị hạ độc.

Được biết, vào tháng 4/2019 Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lâm Đồng đã thi hành kỷ luật một đảng viên nguyên là lãnh đạo một cơ quan thực thi pháp luật của huyện Lâm Hà vì chấp hành không nghiêm các quy định của Đảng và nhà nước về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập.

Dư luận có thông tin rằng vị lãnh đạo này có lúc sở hữu tới 40ha đất có nguồn gốc từ đất lâm nghiệp tại huyện Lâm Hà và cùng một số thuộc cấp (đương nhiệm) liên quan trực tiếp tới hoạt động của những băng nhóm trên.

Dư luận đang đặt câu hỏi rằng nếu thực sự có những cán bộ của các cơ quan thực thi pháp luật huyện Lâm Hà bảo kê cho kẻ gian phá rừng chiếm đất và huyện lại tự điều tra thì bao giờ mới tìm ra kẻ chủ mưu, bao giờ mới xử lý triệt để tình trạng phá rừng lấn chiếm đất để mua bán trái phép như đã và đang xảy ra tại huyện Lâm Hà trong nhiều năm qua. Như vậy, đây là chuyện "vừa đá bóng vừa thổi còi"./.

>>> Vụ hàng ngàn cây thông rừng ở Lâm Đồng bị hạ độc: Chính quyền “kêu khó”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục