Vụ MobiFone mua AVG: Không có việc cơ quan điều tra “bưng bít thông tin”

17:05' - 23/12/2019
BNEWS Trong vụ MobiFone mua AVG, chiều 23/12 đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh, kết quả nộp tiền khắc phục hậu quả của các bị cáo có ý nghĩa quan trọng trong việc đề xuất giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Chiều 23/12, trong phần tranh tụng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đối đáp lại các quan điểm bào chữa của các luật sư.

Đại diện Viện Kiểm sát đã nhấn mạnh, kết quả nộp tiền khắc phục hậu quả của các bị cáo có ý nghĩa quan trọng trong việc đề xuất giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Đồng thời, đại diện Viện Kiểm sát phản bác lại một số luận cứ của luật sư và cho rằng không có việc cơ quan điều tra “bưng bít thông tin”.

* Phân hóa vai trò để giảm nhẹ hình phạt

Đối với hành vi “Nhận hối lộ”, các bị cáo bị truy tố về tội này trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa nhiều ngày qua đều thừa nhận và khẳng định Cáo trạng của Viện Kiểm sát truy tố các bị cáo về hành vi “Nhận hối lộ” là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; nhất trí với bản luận tội của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội về tội danh và phân hóa vai trò của từng bị cáo.

Đại diện Viện kiểm sát TP. Hà Nội nêu quan điểm tại phiên tòa. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Đại diện Viện Kiểm sát nhận định, việc khắc phục hậu quả đối với tội “Nhận hối lộ” trong vụ án này là một sự thành công lớn của Cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và của chính các bị cáo cũng như sự đóng góp không nhỏ của các luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo: Lê Nam Trà (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone), Cao Duy Hải (nguyên Tổng Giám đốc MobiFone) và Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) trong việc thu hồi tài sản cho Nhà nước suốt giai đoạn điều tra, truy tố.

Xuất phát từ việc chủ động khai báo của các bị cáo và mong muốn sớm được nộp lại số tiền đã nhận của bị cáo Phạm Nhật Vũ (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG), trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát đã thực hiện các biện pháp tố tụng để thu hồi triệt để số tiền nhận hối lộ của các bị cáo, khắc phục toàn bộ số tiền chiếm đoạt.

Vì vậy, khi đề nghị hình phạt, đại diện Viện Kiểm sát đã phân hóa rõ vai trò, số tiền chiếm đoạt và kết quả nộp tiền khắc phục hậu quả của từng bị cáo để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Trương Minh Tuấn dưới khung hình phạt mà Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã truy tố. Việc phân hóa như vậy đều nhận được sự đồng thuận của chính các bị cáo và các vị luật sư bào chữa cho các bị cáo đó.

* Thư của bị cáo Son gửi vợ là “tài liệu, chứng cứ của vụ án”

Đại diện Viện Kiểm sát nêu dẫn chứng, đối với hành vi “Nhận hối lộ” của bị cáo Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), một luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bắc Son có ý kiến cho rằng, quá trình điều tra Cơ quan điều tra đã “bưng bít thông tin” không thông báo lá thư bị cáo Son viết gửi vợ mà lại đưa vào hồ sơ vụ án, dẫn đến việc khó khăn cho bị cáo Son trong việc khắc phục hậu quả.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Về vấn đề này, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, lá thư mà bị cáo Son viết gửi vợ là một tài liệu, chứng cứ của vụ án do vậy phải được thu thập và đưa vào hồ sơ vụ án theo đúng quy định của pháp luật. Sau đó, lá thư này đã được đưa cho con gái của bị cáo Nguyễn Bắc Son là Nguyễn Thị Thu Huyền.

Cụ thể, ngày 14/3/2019, bị cáo Nguyễn Bắc Son viết bản tự khai về hành vi nhận hối lộ 3 triệu USD của Phạm Nhật Vũ. Sau đó, bị cáo Nguyễn Bắc Son đã viết thư gửi vợ là bà Lưu Thị Lý trong đó có nội dung: “Anh đã khai báo với Cơ quan điều tra Bộ Công an về việc sau khi hợp đồng mua bán trên đã hoàn tất, Phạm Nhật Vũ đã mang đến cho anh số tiền là 3 triệu USD…

Số tiền này anh đã gửi Huyền mang vào Thành phố Hồ Chí Minh giữ cho anh. Anh không nói gì về nguồn gốc số tiền trên với Huyền và em, em thay anh báo cho Huyền sớm thu xếp trả lại cho Nhà nước”. Đến ngày 20/3/2019 (sau đó 6 ngày), Cơ quan điều tra đã mời Nguyễn Thị Thu Huyền (con gái bị cáo Son) ra làm việc tại Cơ quan điều tra để thông báo nội dung lá thư.

Tại Biên bản đối chất ngày 14/6/2019 giữa bị cáo Nguyễn Bắc Son và con gái Nguyễn Thị Thu Huyền (có sự tham gia giám sát của kiểm sát viên), Nguyễn Thị Thu Huyền có ý kiến: “ngày 20/3/2019, tôi có được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an mời đến trụ sở để làm việc nội dung là bị cáo Nguyễn Bắc Son (bố tôi) có gửi một bức thư cho vợ là bà Lưu Thị Lý (mẹ tôi). Do mẹ tôi sức khỏe yếu nên cơ quan điều tra đã chuyển bức thư trên của bố tôi cho tôi đọc để chuyển tải nội dung cho mẹ tôi biết…”. Tuy nhiên, đến thời điểm đó, gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son vẫn không nộp tiền khắc phục theo nguyện vọng của bị cáo.

Quá trình điều tra tại các buổi hỏi cung đều có sự tham gia của kiểm sát viên, có cả những buổi hỏi cung có sự tham gia của luật sư bào chữa. Bị cáo Nguyễn Bắc Son tiếp tục trình bày ý kiến muốn được khắc phục hậu quả và tự nguyện làm đơn xin khắc phục hậu quả. Đồng thời, bị cáo vẫn đề nghị muốn gặp gia đình để trao đổi, thông báo cho vợ, con sớm nộp lại số tiền đã nhận bất hợp pháp từ Phạm Nhật Vũ.

Trên cơ sở nguyện vọng chính đáng của bị cáo Nguyễn Bắc Son, ngày 2/8/2019, điều tra viên đã tiến hành cho bị cáo Nguyễn Bắc Son được gặp gia đình (gồm vợ và con trai) tại trại tạm giam T16 – Bộ Công an có sự tham gia của kiểm sát viên và cán bộ quản giáo của trại tạm giam T16 – Bộ Công an.

Tại buổi làm việc này, bị cáo Nguyễn Bắc Son tiếp tục có ý kiến đề nghị gia đình giúp bị cáo khắc phục hậu quả số tiền 3 triệu USD và thông báo cho con gái Nguyễn Thị Thu Huyền biết việc này để nộp trả lại số tiền 3 triệu USD mà Huyền đã nhận từ bị cáo Son.

Bà Lưu Thị Lý đã có ý kiến: Hiện nay, bà Lý đang có sổ tiết kiệm số tiền khoảng hơn 2 tỉ đồng là tiền cá nhân của bà Lý, không liên quan đến ông Son và bà Lý giữ số tiền này để sử dụng cá nhân. Việc yêu cầu gia đình khắc phục hậu quả, gia đình không có khả năng thực hiện. Số tiền gửi tiết kiệm trên bà Lý dùng để thuê luật sư bào chữa cho ông Son. 

Thậm chí, quá trình điều tra, bị cáo Nguyễn Bắc Son còn đề nghị điều tra viên và kiểm sát viên kê biên diện tích đất mang tên quyền sở hữu của bị cáo tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Tuy nhiên, Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát thấy rằng, diện tích đất đó là do hương hỏa của cha ông để lại, do vậy không tiến hành kê biên số tài sản trên cho bị cáo.

Trên cơ sở đó, công tố viên khẳng định, việc luật sư cho rằng cơ quan điều tra “bưng bít thông tin” là không có căn cứ. Việc bị cáo Nguyễn Bắc Son không nộp lại số tiền 3 triệu USD nhận của bị cáo Phạm Nhật Vũ trong quá trình điều tra, truy tố, là do gia đình không hợp tác để nộp như nội dung bản cáo trạng số 89 ngày 17/10/2019 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã nêu là hoàn toàn chính xác.

*Không có việc cơ quan điều tra “mớm cung”

Quá trình diễn ra phiên xử, mặc dù các bị cáo phạm tội “Nhận hối lộ” không có bất kỳ ý kiến tranh luận nào về tội danh đã nêu trong bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và bản luận tội của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội (được Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa), nhưng cũng còn có một số ý kiến băn khoăn của một số luật sư cho rằng:

Lời khai của người đưa hối lộ có khách quan không? Có dấu hiệu của việc mớm cung không? Về nội dung này, đại diện Viện Kiểm sát nêu dẫn chứng, quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo Phạm Nhật Vũ khai nhận việc bị cáo đưa tiền cho 4 bị cáo Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Trương Minh Tuấn là đúng. Nhưng do thời gian đã lâu, bị cáo không nhớ chi tiết, nên đã chủ động đề nghị rất nhiều lần với Cơ quan điều tra cho bị cáo xem một số tài liệu mà cơ quan điều tra đã thu thập và chứng minh.

Kết quả điều tra khẳng định, Cơ quan điều tra không mớm cung mà thực hiện việc hỏi cung theo đúng quy định của pháp luật. Điều đó được chứng minh trong các bản cung có sự tham gia của kiểm sát viên và luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Phạm Nhật Vũ thì bị cáo Phạm Nhật Vũ vẫn khai như những bản cung trước đây. Lời khai của bị cáo Phạm Nhật Vũ phù hợp với lời khai của các bị cáo nhận tiền gồm: Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Trương Minh Tuấn trong quá trình điều tra cũng như xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa.

Quá trình diễn ra phiên tòa, bị cáo Nguyễn Bắc Son khai không nhận tiền của Phạm Nhật Vũ. Sau đó, bị cáo Nguyễn Bắc Son đã xin Hội đồng xét xử cho thay đổi lời khai tại phiên tòa và xin được giữ nguyên lời khai về nhận tiền hối lộ 3 triệu USD của Phạm Nhật Vũ trong giai đoạn điều tra và như cáo trạng đã truy tố. Đồng thời, bị cáo Son đề nghị luật sư không bào chữa cho bị cáo về tội danh “Nhận hối lộ”.

Công tố viên nhấn mạnh: “Điều đó một lần nữa khẳng định không có việc mớm cung trong quá trình hỏi cung như băn khoăn của một số lời bào chữa của luật sư”./.

Xem thêm:

>>Vụ MobiFone mua AVG: Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử bổ sung thêm tình tiết trong vụ án

>>Những điểm nổi bật trong phiên tòa sơ thẩm vụ MobiFone mua AVG

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục