Vụ nổ ở Beirut: Liban ra lệnh bắt Tổng giám đốc Hải quan

12:50' - 18/08/2020
BNEWS Ngày 17/8, một thẩm phán Liban đứng đầu cuộc điều tra vụ nổ tại cảng Beirut đã ra lệnh bắt Tổng Giám đốc Hải quan Liban Badri Daher liên quan vụ nổ trên. 

Theo nguồn tin tòa án, Thẩm phán Fadi Sawan đã tiến hành thẩm vấn ông Daher trong 4 giờ đồng hồ trước đưa ra lệnh bắt trên. Ông Badri Daher đã bị tạm giữ hơn 10 ngày qua liên quan vụ nổ nhà kho ở cảng Beirut.

Theo luật pháp Liban, nhà chức trách được phép bắt giữ nghi phạm và tiến hành thẩm vấn đối tượng trước khi phát lệnh chính thức bắt giữ. Hiện vẫn chưa rõ các cáo buộc đối với ông Daher. Nguyên nhân vụ nổ được cho là sự bất cẩn của giới chức quản lý nhà kho và tình trạng tham nhũng.

Trước đó, Công tố viên Ghassan Oueidat đã khởi kiện 25 cá nhân liên quan vụ nổ trên, 19 người trong số này hiện đang bị giam giữ, trong đó có Tổng giám đốc Cảng Beirut Hassan Koraytem. Ông này dự kiến sẽ bị thẩm vấn vào ngày 18/8. 

Nhiều nước phương Tây và một số tổ chức quốc tế kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về vụ nổ trên, song nhà chức trách Liban đã bác bỏ đề nghị này. Chính phủ Liban đã gia hạn tình trạng khẩn cấp, vốn được áp đặt sau khi xảy ra vụ nổ trên, đến ngày 18/9 tới.

Vụ nổ xảy ra ngày 4/8 tại một nhà kho ở cảng Beirut tương đương một trận động đất có độ lớn 4,5, đã khiến 172 người thiệt mạng, ít nhất 6.500 người bị thương và hiện còn khoảng 30-40 người mất tích.

Vụ nổ còn khiến khoảng 300.000 người mất nhà cửa. Nhà chức trách Liban ước tính thiệt hại lên tới 15 tỷ USD. Các kết quả điều tra sơ bộ cho thấy tình trạng lơ là quản lý và vận hành kho chứa vật liệu có nguy cơ cháy nổ cao ở cảng Beirut trong nhiều năm qua là những nguyên nhân dẫn đến vụ nổ trên.

Trong bản đánh giá mới nhất công bố cùng ngày, Liên hợp quốc (LHQ) cho hay con số thiệt hại sau vụ nổ tại cảng Beiruit tiếp tục tăng. Theo người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ, Stephane Dujarric, vụ nổ đã khiến 70.000 người rơi vào cảnh thất nghiệp, theo đó tổng số người không có việc làm tại Liban lên tới 290.000 người.

Con số này không gồm những người mất việc do COVID-19. Báo cáo nêu thêm ít nhất 2.000 bác sĩ bị thương hoặc cơ sở khám chữa bệnh của họ bị phá hủy.

Trong khi đó, nhiều nước tiếp tục gửi viện trợ cho Liban. Theo kênh truyền hình địa phương LBCI, Iraq đã điều một máy bay chở thực phẩm đến Liban, trong khi 2 máy bay quân sự của Ai Cập mang theo thực phẩm và thiết bị y tế  đã tới để hỗ trợ khẩn cấp. Đây là đợt cứu trợ thứ 6 của Ai Cập đối với Liban. Các nước khác như Hy Lạp, Pháp và Ireland cũng gửi thiết bị y tế, đồ dùng thiết yếu hỗ trợ Liban.

Cùng ngày, Đại sứ quán Pháp tại Liban thông báo sẽ nối lại việc cấp thị thực cho người dân Liban mà không có biện pháp hạn chế nào.  Hãng thông tấn quốc gia Liban đưa tin quyết định trên được đưa nhằm bày tỏ sự đoàn kết của nước Pháp với Liban sau vụ nổ kinh hoàng tại cảng Beirut.

Đại sứ quán Pháp nêu rõ thêm những người Liban đã có thị thực nhập cảnh Pháp có thể tới Pháp bất kỳ lúc nào, và người từ 11 tuổi trở lên phải xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương thức PCR ít nhất 3 ngày trước ngày khởi hành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục