Vụ quán cà phê "Xin chào": Bài học lớn về phát triển kinh tế tư nhân

05:03' - 06/05/2016
BNEWS Từ vụ quán cà phê của ông Tấn, một câu chuyện nhỏ nhưng lại đang để lại bài học lớn đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh mà Việt Nam đang nỗ lực thực hiện.

Vụ việc tưởng chừng “nhỏ như móng tay” liên quan đến chuyện chậm đăng ký kinh doanh của một chủ quán cà phê đã làm dư luận xôn xao những ngày qua.

Rất may là câu chuyện đã kết thúc có hậu nhưng việc truy tố một chủ quán cà phê vì chậm đăng ký kinh doanh rõ ràng là hình ảnh xấu cho môi trường đầu tư kinh doanh và đi ngược lại với định hướng phát triển khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam.

“Nhỏ như móng tay”

Những ngày qua, dư luận “dậy sóng” về vụ vì chậm đăng ký giấy phép kinh doanh 5 ngày và chưa kịp bổ sung giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, chủ quán bán cà phê “Xin Chào” bị khởi tố, truy tố về hành vi “kinh doanh trái phép”.

Vụ quán cà phê "Xin chào" gây xôn xao dư luận thời gian qua. Ảnh: Lê Phong

Đây là vụ “nhỏ xíu như móng tay” nói như ông Phó giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh Phan Anh Minh, nhưng lại không hề nhỏ đối với số phận pháp lý của một con người, đối với sự an cư của một gia đình và trên hết là ảnh hưởng đến sự hào hứng khởi nghiệp của khu vực kinh tế tư nhân.

Chưa nói đến những tranh cãi pháp lý về việc áp dụng Luật hình sự cho vụ việc là đúng hay sai nhưng việc khởi tố, truy tố một chủ quán cà phê về hành vi kinh doanh trái phép trong thời điểm Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để đưa kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng của nền kinh tế”, thì đây là điều thực sự đáng bàn.

Từ vụ của ông Tấn, sẽ là việc không nhỏ bởi quyết định khởi tố vụ án một cách vội vã và cứng nhắc kia có thể khiến những người đang chuẩn bị và sẽ khởi nghiệp băn khoăn và chùn bước.

Rất có thể, một ngày “không đẹp trời” nào đó, những ông chủ, giám đốc vốn đang đầy sự phấn khởi, háo hức và khát vọng làm giàu có thể bị khởi tố và bỏ tù bất kể lúc nào vì những lý do ... “nhỏ như móng tay”.

Đó là chưa kể Bộ luật Hình sự mới đây (có hiệu lực từ 1/7/2016) đã bỏ tội kinh doanh trái phép, nên đưa vụ việc chậm đăng ký kinh doanh ra truy tố thì sẽ  không đúng tinh thần luật mới, chưa nói là không tạo điều kiện cho người dân khởi nghiệp kinh doanh.

Theo Luật gia Đoàn Thu Huyền, Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho rằng: “Cách xử lý cứng nhắc của công an huyện Bình Chánh sẽ tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh méo mó, không đúng với bản chất pháp luật là người dân được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm và đi ngược lại với định hướng phát triển hướng đến nền kinh tế thị trường của nước ta”.

Vụ việc tưởng như nhỏ lại hóa ra không nhỏ khi Thủ tướng Chính phủ đã phải vào cuộc. Ngay khi nắm được thông tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị cơ quan chức năng dừng ngay việc hình sự hóa vụ việc chủ quán cà phê “Xin Chào” đồng thời làm rõ trách nhiệm, tiến hành kiểm điểm cá nhân, tập thể cơ quan chức năng liên quan.

Ngày 23/4, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã kết luận hành vi của ông Nguyễn Văn Tấn không phạm tội kinh doanh trái pháp, đồng thời yêu cầu đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Tấn và công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại (nếu có) cho ông Tấn.

Bài học lớn về môi trường kinh doanh

Từ vụ quán cà phê của ông Tấn, một câu chuyện nhỏ nhưng lại đang để lại bài học lớn đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh mà Việt Nam đang nỗ lực thực hiện.

Hiện có gần 7.000 giấy phép con trong đó có trên một nửa là không còn tính pháp lý để tồn tại bởi được quy định bằng các Thông tư mà theo Luật, các thông tư không được hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp từ 1/7.

Là người gắn bó và tâm huyết với việc thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh nhưng TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương vẫn không khỏi băn khoăn khi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực, nhưng vẫn còn nhiều “giấy phép con” ra đời.

“Tôi luôn luôn nghĩ tại sao các nước cải cách môi trường kinh doanh rất hiệu quả mà Việt Nam thực hiện chậm như vậy…Hệ thống các quy định về điều kiện kinh doanh của Việt Nam hiện nay vẫn còn tình trạng “tám không” như: không minh bạch, không hiệu quả, không rõ ràng, không cụ thể, không tiên liệu được,….”, ông Cung trăn trở.

Vẫn còn nhiều rào cản làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN

Những cái “không” như thế làm thị trường méo mó, cạnh tranh không bình đẳng và tạo thêm nhiều chi phí cho doanh nghiệp cùng với đó, tạo nhiều rủi ro, thui chột sáng tạo của doanh nghiệp. Đây là lực cản lớn cho môi trường kinh doanh nói chung và các hoạt động doanh nghiệp nói riêng.

Trong khi đó, theo Báo cáo điều tra chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vừa được VCCI công bố, tỷ lệ doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức trong năm 2015 là 66%, cao hơn các năm trước. Trong khi đó, 65% doanh nghiệp vẫn cho rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp còn phổ biến.

Từ vụ quán cà phê “Xin Chào”, tưởng như hết nhỏ bé nhưng lại là bài học khá lớn cho công cuộc cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam. Nếu không giải quyết một cách thấu đáo có lý có tình thì sẽ triệt tiêu động lực kinh doanh của người dân và làm giảm hiệu quả cả các hoạt động kinh doanh chính thức khác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với chủ đề "Doanh nghiệp Việt Nam – Động lực phát triển kinh tế của đất nước". Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Đáng lo ngại hơn, nếu sự vụ giải quyết theo hướng hình sự hóa, doanh nghiệp sẽ thiên về kinh doanh phi chính thức nhiều hơn là chính thức sẽ dẫn tới méo mó thị trường. Và như vậy, các doanh nghiệp khó tham gia thị trường nhiều hơn chứ chưa nói là có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Tại cuộc họp báo thông tin về Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016, ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nếu người bán phở "thua" thì thông điệp đưa ra sẽ rất xấu. "Dư luận có thể hiểu là mọi việc kinh doanh đều có thể đi tù … Đừng để doanh nghiệp cảm thấy có thể rơi vào tình trạng như ông bán cà phê".

Chúng ta ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ sau 2 năm liên tiếp thực hiện các Nghị quyết 19/2014 và Nghị quyết 19/2015 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Sắp tới, Chính phủ cũng sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề về doanh nghiệp với tên gọi “Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trở thành động lực phát triển kinh tế của đất nước”.

Nhưng đừng để “con sâu làm rầu nồi canh” khi từ một chuyện nhỏ tạo thành chuyện lớn của cả nền kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục