Vùng chè chất lượng cao ở Lai Châu có nguy cơ mất thương hiệu

16:13' - 31/05/2019
BNEWS Hiện có một số đơn vị được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhảy vào vùng nguyên liệu cạnh tranh thu mua và sản xuất, dẫn đến nguy cơ mất vùng chè thương hiệu chất lượng cao của Lai Châu.

Thực hiện Đề án phát triển vùng chè giai đoạn 2011-2014 và vùng chè tập trung chất lượng cao giai đoạn 2015-2020, nhằm xây dựng thương hiệu chè Lai Châu, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chè được phân vùng nguyên liệu, có trách nhiệm đồng hành cùng với người dân trong việc trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm ổn định cho người dân.

Diện tích chè của Công ty CP ĐTPT chè Tam Đường (Lai Châu) đang được giao vùng chè ở xã Bản Bo. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Tuy nhiên, hiện nay có một số đơn vị được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp “nhảy” vào vùng nguyên liệu cạnh tranh thu mua và sản xuất, dẫn đến nguy cơ mất vùng chè thương hiệu chất lượng cao của Lai Châu.

Ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết, vùng nguyên liệu chè Lai Châu hiện đang tốt nhất trong cả nước, vì đã thực hiện theo Đề án phát triển chè và phân vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp.

Hiện nay, trên địa bàn xẩy ra tình trạng các đơn vị không có vùng nguyên liệu nhưng được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vào địa bàn đưa ra các chính sách không lành mạnh để thu mua nguyên liệu.

Các chính sách được doanh nghiệp sử dụng như: tăng giá, trả tiền ngay khi thu mua, không yêu cầu chè sạch… Việc này dẫn đến người dân vì lợi trước mắt, chăm sóc diện tích chè không đúng quy trình và kỹ thuật, thu hái ẩu làm ảnh hưởng chất lượng chè, mất đi thương hiệu chè chất lượng cao của tỉnh.

“Các đơn vị không có ký kết bao tiêu sản phẩm và bảo đảm giá thu mua ổn định, vì một lý do nào đó không thu mua nữa thì người dân bán cho ai? Vấn đề này không giải quyết dứt điểm, sau này sẽ tạo tiền lệ cho nhiều doanh nghiệp khác đua nhau thành lập và vào vùng nguyên liệu đã được phân cho đơn vị khác để cạnh tranh thu mua, sản xuất dẫn đến hậu quả chất lượng chè giảm, thương hiệu bị mất, giá nguyên liệu thấp”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  tỉnh Lai Châu cho hay.

Ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Lai Châu (thứ nhất từ trái sang) trao đổi về những tình trạng sản xuất hiện nay. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Minh Quyết do bà Nguyễn Thị Huyền ở bản Hưng Phong, xã Bản Bo, huyện Tam Đường (Lai Châu) là người đại diện được Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Lai Châu cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đã đứng ra thu mua chè búp tươi và tiến hành sản xuất tại vùng chè xã Bản Bo.

Trong khi đó, theo Quyết định số 441/QĐ-UBND ngày 9/4/2011 của UBND tỉnh Lai Châu, UBND huyện Tam Đường đã phân vùng nguyên liệu cho Công ty cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường quản lý vùng chè tại xã Bản Bo.

Công ty này có trách nhiệm quản lý vùng nguyên liệu, đầu tư chăm sóc, hướng dẫn kỹ thuật, thu hái, bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, vùng nguyên liệu chè Kim Tuyên chất lượng cao có hơn 600ha tại xã Bản Bo của 1.000 hộ dân trồng.

Trước phản ánh của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường, ngày 21/5/2019, UBND xã Bản Bo phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường đã tiến hành xác minh sự việc.

Bà Nguyễn Thị Huyền đã thừa nhận thu mua sản lượng chè búp tươi mà hộ dân canh tác không đúng quy trình, tiêu chuẩn. Bà Huyền cũng thuê lại một số diện tích chè của các hộ, với giá 15 triệu đồng/ha/năm.

Ông Trần Văn Sứng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết, huyện đã phân vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp; trong đó có Công ty cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường tại xã Bản Bo để liên kết với bà con trồng, thu mua, chế biến, bao tiêu sản phẩm.

Tuy nhiên, một số đơn vị đứng lên thu mua sản phẩm chè tại vùng nguyên liệu với giá cao, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn cùng chính quyền lập biên bản, yêu cầu dừng việc thu mua và tuyên truyền hộ dân nâng cao ý thức quyền lợi, trách nhiệm trong quá trình liên kết với doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho rằng, trước khi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lai Châu cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực chè có trao đổi với địa phương để có sự thống nhất.

Hiện nay, diện tích đất trên địa bàn còn nhiều, đơn vị nào mới được thành lập và kinh doanh trong lĩnh vực chè thì phải xây dựng vùng nguyên liệu riêng.

UBND huyện Tam Đường kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lai Châu thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho các đơn vị đã được cấp, vì chưa đủ điều kiện quy định về vùng nguyên liệu sản xuất chè.

Vùng nguyên liệu chè Kim Tuyên chất lượng cao ở xã Bản Bo, huyện Tam Đường có hơn 600ha với 1.000 hộ dân trồng. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Trong Quyết định số 441/QĐ-UBND ngày 9/4/2011 của UBND tỉnh Lai Châu quy định điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp tham gia chế biến tiêu thụ chè trong vùng quy hoạch sản xuất tập trung ngoài có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư cần có vùng nguyên liệu đảm bảo ít nhất 70% công suất chế biến.

Không được tranh mua chè búp tươi của nông dân mà tổ chức, doanh nghiệp khác đã đầu tư phát triển chè.

Do đó, các tổ chức doanh nghiệp chế biến, kinh doanh và hộ nông dân tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm chè búp tươi tại các huyện, nếu bên nào vi phạm hợp đồng sẽ phải xử lý theo qui định pháp luật.

Tại Diễn đàn Đối thoại doanh nghiệp tỉnh Lai Châu năm 2019 diễn ra ngày 22/5, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường Nguyễn Thị Loan đã có ý kiến về vấn đề này.

Theo bà Loan, gần 9 năm nay công ty đã đồng hành liên kết với người dân huyện Tam Đường (Lai Châu) đầu tư vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm, đặc biệt là đầu tư nhà máy sản xuất chế biến chè tại xã Bản Bo.

Tuy nhiên, vừa qua Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lai Châu đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho hai đơn vị hoạt động chế biến chè, cạnh tranh vùng nguyên liệu với công ty.

Thời gian gần đây, hai đơn vị này cạnh tranh không lành mạnh, phá giá để thu mua chè và tiến hành sản xuất, phá vỡ liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.

“Tỉnh Lai Châu cần có chế tài để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp đã đầu tư vùng nguyên liệu và ký kết bao tiêu ổn định giá cho người dân”, bà Nguyễn Thị Loan kiến nghị.

Triển khai Đề án phát triển vùng chè, đến nay toàn tỉnh Lai Châu có gần 6.200ha chè, quy mô vùng nguyên liệu chè đứng thứ 3 trong cả nước.

Phát triển cây chè trên địa bàn Lai Châu, đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương.

Sản phẩm chè Lai Châu từng bước khẳng định được thương hiệu và xuất sang các thị trường nước ngoài như: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục