Vướng cơ chế, doanh nghiệp dầu khí “thua” ngay tại sân nhà

12:22' - 11/09/2018
BNEWS Sự chồng chéo của luật và sự thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể dưới luật đang khiến nhiều doanh nghiệp dầu khí "thua" trên chính sân nhà.
Khối thượng tầng Giàn công nghệ HRD do PTSC M&C thi công cho ONGC (Ấn Độ). Ảnh: PVN

Nhiều doanh nghiệp hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí của Việt Nam không chỉ lao đao vì chính sách bảo hộ khi ra nước ngoài mà còn đang bị “trói chân” ngay chính tại sân nhà bởi nhiều quy định chồng chéo và không còn phù hợp.

Luật Đấu thầu “giẫm chân” Luật Dầu khí

Là doanh nghiệp được nhiều công ty khai thác dầu khí toàn cầu như Exxon Mobil, Shell, BP, Total, Chevron, Gasprom đưa vào danh sách các nhà thầu để đấu thầu các dự án EPC/EPCI; là nhà thầu EPC tốt nhất châu Á theo bình chọn của World Finance nhưng hiện nay, Công ty Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) - đơn vị thành viên của Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) với gần 2.000 người lao động đang đối mặt với nguy cơ thất nghiệp và khó tồn tại bởi sự không nhất quán trong thực hiện Luật Dầu khí và Luật Đấu thầu.

Đại diện PTSC M&C cho biết, theo Luật Dầu khí, các dự án dầu khí ngoài khơi cho các chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đối tác nước ngoài (thuộc diện hợp đồng phân chia sản phẩm PSC và hợp đồng liên doanh JOC) không nhất thiết phải đấu thầu quốc tế mà chủ đầu tư có thể uỷ thác cho nhà điều hành chọn nhà thầu EPCI (thiết kế, mua sắm, chế tạo, lắp đặt) trên cơ sở đáp ứng năng lực kỹ thuật và đảm bảo giá thành cạnh tranh.

Còn theo Luật Đấu thầu, những dự án sử dụng vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp Nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng đều phải đấu thầu.

Do việc áp dụng Luật dầu khí và Luật đấu thầu chưa rõ ràng, tách bạch, nên một số chủ đầu tư trong nước muốn áp dụng Luật Đấu thầu để đấu thầu quốc tế cho các dự án phát triển mỏ sắp tới. Việc tổ chức đấu thầu quốc tế như vậy vô hình chung đã “mở toang” thị trường cho nhà thầu nước ngoài và đồng nghĩa với việc cơ hội việc làm của người Việt Nam mất đi, đại diện PTSC M&C cảnh báo.

Cho đến nay, PTSC M&C đã thực hiện khoảng 70 công trình EPC/EPCI cho PVN, các đối tác nước ngoài và chủ đầu tư nước ngoài; trong đó nhiều dự án được thực hiện theo hình thức đàm phán trực tiếp và không qua đấu thầu bởi hình thức này giúp chủ đầu tư tiết giảm được chi phí, thời gian đấu thầu trong khi giá cả trúng thầu cũng được làm rõ trên cơ sở minh bạch và cạnh tranh.

Cùng “cảnh ngộ” như PTSC M&C, Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí (PVE) cũng đang hoạt động cầm chừng vì việc làm chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu và năng lực thực sự của PVE.

Phát biểu tại buổi làm việc giữa Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội và PVN mới đây về việc rà soát các quy định không phù hợp nằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp dầu khí, Tổng Giám đốc PVE Đỗ Văn Thanh cảnh báo, Luật Đấu thầu đang tạo thuận lợi cho các nhà thầu dầu khí nước ngoài dễ dàng vào Việt Nam nhưng lại “tước” đi cơ hội việc làm chính đáng của người lao động trong nước.

Theo ông Thanh, do Luật Đấu thầu năm 2013 không quy định rõ ràng về tỷ lệ nội địa trong đấu thầu quốc tế và cũng không có văn bản dưới Luật hướng dẫn cụ thể để thực hiện nên không có tính pháp lý yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện.

Vì vậy, đối với hình thức đấu thầu quốc tế, ngay cả khi gói thầu có những hạng mục công việc mà nhà thầu Việt Nam đủ năng lực thực hiện nhưng thực tế nhà thầu Việt Nam rất khó đàm phán với nhà thầu nước ngoài để có thể đảm nhận phần công việc đáng lẽ được hưởng.

Về phía PVN, Tổng Giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn cũng cho biết, trong khi các doanh nghiệp dịch vụ kỹ thuật dầu khí của PVN đang thiếu việc làm trầm trọng nhưng vì vướng các quy định bất hợp lý của Luật Đấu thầu nên các đơn vị này không thể tham gia vào các dự án của chính PVN mà phải đi làm thuê cho các nhà thầu nước ngoài ngay chính tại Việt Nam.

Lý giải về những bất cập này với đoàn Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Tổng Giám đốc Vietsovpetro Nguyễn Quỳnh Lâm, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN khẳng định, Luật Dầu khí hiện bị hiểu là chỉ áp dụng cho các nhà thầu dầu khí hoạt động ở khâu đầu (tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí) trong khi chưa có các điều khoản điều chỉnh cho các khâu sau giống như luật dầu khí của các nước trên thế giới.

Vì vậy, các phần công việc thuộc khâu sau như đang được áp dụng theo luật Xây dựng, luật Đấu thầu, Luật Đầu tư…và việc hướng dẫn thi hành nằm ở rải rác ở nhiều văn bản khác nhau khiến PVN và các đơn vị thành viên, các nhà thầu, các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc áp dụng các luật khi triển khai các dự án dầu khí.

Thực tế là, việc áp dụng các luật không nhất quán như vậy đã dẫn tới sự phát sinh chi phí tiền bạc và thời gian do nhiều thủ tục phức tạp. Cuối cùng, tất cả các phát sinh này đều được cộng vào chi phí và không mang lại lợi ích cho đất nước, ông Lâm chỉ rõ.

Thành viên Hội đồng Thành viên PVN Nguyễn Hùng Dũng phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTVN

Sớm sửa đổi các luật không phù hợp

Thực tế là trong bối cảnh lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí bị cạnh tranh gắt gao khi thiếu việc làm như hiện nay thì các nước trên thế giới đều áp dụng mạnh mẽ chính sách bảo hộ doanh nghiệp trong nước.

Điển hình như dự án Bunga Pakma ở vùng khai thác chung giữa Việt Nam và Malaysia mà PTSC M&C đã tham gia đấu thầu với phương án, giải pháp rất tối ưu về kỹ thuật và thương mại nhưng cuối cùng nhà thầu Malaysia đã trúng thầu toàn bộ công việc cho dù trước đó chính nhà thầu này bị đánh giá trượt kỹ thuật.

Thực tế cũng cho thấy, các nước đang dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ doanh nghiệp trong nước như trường hợp Malaysia yêu cầu các nhà thầu dầu khí nước ngoài phải có chứng nhận bản quyền (Petronas License) do tập đoàn dầu khí quốc gia Petronas cấp cho từng hạng mục công việc/dịch vụ cụ thể để đủ điều kiện tham gia đấu thầu các dự án dầu khí tại Malaysia.

Bên cạnh đó, các nước như Malaysia, Indonesia, Brunei, Saudi Arabia, Ấn Độ…đều quy định nghiêm ngặt tỷ lệ nội địa trong đấu thầu quốc tế ngay trong các hợp đồng và được một cơ quan quốc gia giám sát chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp trong nước.

Cụ thể, Chính phủ Saudi Arabia quy định tỷ lệ nội địa trong gói thầu quốc tế theo lộ trình tăng dần từ 35% năm 2018 lên 70% vào năm 2021. Còn tỷ lệ này ở Indonesia là 45% và sắp tới sẽ tăng lên 55%.

Vì vậy, Luật Đấu thầu cần sửa đổi theo hướng áp dụng tối đa quy định đấu thầu trong nước hoặc giao thầu đối với những dự án mà các công ty trong nước thực hiện được.

Theo đó, việc liệt kê các phần công việc mà nhà thầu trong nước làm được trong gói thầu; quy định tỷ lệ tối thiểu phần khối lượng hoặc giá trị công việc giao cho nhà thầu trong nước cũng như có tiêu chí đánh giá, quy định thang điểm cho việc tăng tỷ lệ nội địa hóa sẽ ràng buộc và khuyến khích Nhà thầu nước ngoài sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, Tổng giám đốc PVE Đỗ Văn Thanh đề xuất.

Đóng góp ý kiến đối với Luật Dầu khí, Tổng Giám đốc Vietsovpetro Nguyễn Quỳnh Lâm cho rằng việc sửa đổi Luật chuyên ngành này phải bao trùm toàn bộ chuỗi hoạt động dầu khí, từ khâu đầu đến khâu sau thì mới giải quyết được các bất cập hiện nay.

Về vấn đề bảo hộ trong nước, hiện các dự án dầu khí tổng thầu trên bờ (onshore) tại Việt Nam đã phần lớn giao cho các nhà thầu nước ngoài. Nếu các dự án ngoài khơi (offshore) tại Việt Nam cũng vào tay nước ngoài thì người lao động dầu khí Việt Nam sẽ tiếp tục thất nghiệp hàng loạt.

Vì vậy, việc tuân thủ nghiêm ngặt Luật Dầu khí và các quy định với đối tác PSC và JOC là không tổ chức đấu thầu quốc tế với các dự án dầu khí ngoài khơi tại Việt Nam sắp triển khai như Sư Tử Trắng giai đoạn 2, Lạc Đà Vàng sẽ không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí mời thầu mà còn góp phần đảm bảo an ninh chủ quyền trên biển Việt Nam, đại diện PTSC M&C kiến nghị.

Đoàn công tác Uỷ ban Kinh tế Quốc hội thị sát hoạt động tại cảng PTSC ở Vũng Tàu. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTVN

Ghi nhận các kiến nghị của các doanh nghiệp dầu khí, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên thừa nhận vấn đề xây dựng pháp luật giữa Luật chuyên ngành (như Luật Dầu khí) và Luật tổng hợp (như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng) đang có nhiều điểm lệch nhau về cùng một vấn đề.

Thêm vào đó, việc thực hiện các luật này còn có sự chồng chéo gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp Dầu khí.

Vì vậy, đoàn công tác của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội sẽ tiếp tục rà soát, đối thoại với doanh nghiệp để tổng hợp, báo cáo trình lên Quốc hội xem xét cho ý kiến nhằm giải quyết kịp thời các bất cập này, từ đó giúp tháo gỡ khó khăn hiện nay cho các doanh nghiệp dầu khí./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục